| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Ấn Độ lại biểu tình phản đối cải cách nông nghiệp

Thứ Hai 06/09/2021 , 10:06 (GMT+7)

Hàng trăm nghìn nông dân Ấn Độ đã tụ tập tại bang đông đúc nhất để biểu tình buộc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bãi bỏ ba luật nông nghiệp mới.

Hơn 250.000 nông dân Ấn Độ đã tụ tập tại quận Muzaffarnagar thuộc bang Uttar Pradesh phía bắc đất nước hôm Chủ nhật biểu tình phản đối chính sách cải cách nông nghiệp của Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Reuters

Hơn 250.000 nông dân Ấn Độ đã tụ tập tại quận Muzaffarnagar thuộc bang Uttar Pradesh phía bắc đất nước hôm Chủ nhật biểu tình phản đối chính sách cải cách nông nghiệp của Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Reuters

Tháng 9/2020, Quốc hội Ấn Độ thông qua ba đạo luật mới về nông nghiệp, bất chấp sự phản đối của các chính đảng đối lập. Theo đó chính phủ nước này khẳng định các đạo luật này sẽ loại bỏ những tầng lớp trung gian, giúp nông dân trực tiếp bán sản phẩm của họ trên thị trường thương mại. Tuy nhiên, những người phản đối lại lo ngại những cải cách như vậy sẽ làm giảm giá nông sản, do không đảm bảo mức giá tối thiểu và tạo điều kiện cho thương lái đầu cơ khối lượng lớn hàng hóa, chưa kể họ còn có thể đặt ra các quy tắc mới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng, qua đó làm giảm thu nhập của nông dân.

Bắt đầu từ sáng Chủ nhật, hàng trăm nghìn nông dân Ấn Độ từ các bang Punjab, Haryana và Uttar Pradesh- ba địa phương có sản lượng nông nghiệp cao nhất Ấn Độ đã tiếp tục xuống đường phản đối các chính sách mới của chính phủ.

Theo những người biểu tình, sự kiện lần này cũng tương tự như đợt biểu tình kéo dài hồi tháng 9 năm ngoái, khi nông dân kiên quyết yêu cầu chính phủ của thủ tướng Modi phải hủy bỏ ba đạo luật nông nghiệp đã được thông qua để mở cửa thương mại nông sản cho các công ty tư nhân.

Nông dân Ấn Độ cho rằng, các luật mới khiến họ bị “lép vế” trước các tập đoàn lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế sinh nhai và thu nhập của họ.

Giới quan sát cho biết, sở dĩ các cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ giảm mức độ hơn trong vài tháng qua là do làn sóng dịch bệnh coronavirus chết chóc kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và sau đó là đến ngay thời điểm thu hoạch nông sản.

Chính vì vậy, cuộc biểu tình hôm Chủ nhật được coi là một sự tái kích hoạt tiếp theo trên quy mô lớn khi các cuộc bầu cử địa phương ở Uttar Pradesh - bang đông dân nhất của Ấn Độ chỉ còn sáu tháng nữa là tới.

“Cuộc biểu tình của nông dân hôm nay là một nỗ lực nhằm mở rộng đến nhiều khu vực khác nhau, nơi sắp diễn ra bầu cử. Cử tri ở bang Uttar Pradesh sẽ đi bỏ phiếu, và chúng tôi biết rằng chính phủ do đảng Bharatiya Janata (viết tắt là BJP- hay còn gọi là Đảng Nhân dân Ấn Độ) lãnh đạo rất sợ bầu cử và chúng tôi muốn dạy cho họ một bài học”, Ashutosh Mishra, lãnh đạo của Ủy ban điều phối Kisan Sangharsh toàn Ấn Độ - cơ quan bảo trợ của các tổ chức nông dân cho hay.

Theo kế hoạch của những nhà lãnh đạo biểu tình, nông dân sẽ tỏa ra tất cả các ngôi làng của bang Uttar Pradesh và yêu cầu mọi người tẩy chay phiếu bầu cho đảng BJP nếu họ không hành động chống lại ba luật nông nghiệp mới vừa qua.

Bang Uttar Pradesh được coi là một bang quan trọng đối với nền chính trị Ấn Độ, và nếu đảng này thất bại ngay trong vòng bầu cử địa phương thì có thể họ sẽ không thành công trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Khu vực nông nghiệp vốn nhạy cảm khi chiếm tới hơn 200 triệu người Ấn Độ tham gia và họ đang là lực lượng lao động chính của đất nước. Ảnh: Reuters

Khu vực nông nghiệp vốn nhạy cảm khi chiếm tới hơn 200 triệu người Ấn Độ tham gia và họ đang là lực lượng lao động chính của đất nước. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo liên minh nông dân Bhartiya Kisan Union, Sunil Pradhan cho biết: Đảng BJP rất ngạo mạn và để cứu những người nông dân trong liên minh của mình, họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ.

 “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc khởi động một mặt trận mới quy mô lớn chống lại đảng cầm quyền vì các chính sách đi ngược lợi ích nông dân và đi đêm với các doanh nghiệp sân sau của họ”, ông Sunil Pradhan tố cáo.

Trong khi đó, đảng cầm quyền BJP coi cuộc biểu tình lần này là "có động cơ chính trị". Người phát ngôn của BJP tại bang Uttar Pradesh, Rakesh Tripathi, nói với Arab News: “Có những người đang làm chính trị dưới danh nghĩa nông dân và chính họ đã mở ra các mặt trận chống lại BJP. Đó là một sự kích động có động cơ chính trị và nó sẽ chẳng đi đến đâu".

Đến nay, các giới chức thuộc đảng BJP ở Ấn Độ đã tổ chức tổng cộng 10 vòng đàm phán với nông dân kể từ khi bắt đầu nổ ra các cuộc biểu tình và đã đề nghị lùi thời điểm thực thi ba đạo luật nông nghiệp mới 15 tháng. Tuy nhiên đại diện những người biểu tình đã từ chối lời đề nghị này và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ các đạo luật.

Khu vực nông nghiệp vốn nhạy cảm khi chiếm tới hơn 200 triệu người Ấn Độ tham gia và họ đang là lực lượng lao động chính của đất nước. Ảnh: Reuters

Khu vực nông nghiệp vốn nhạy cảm khi chiếm tới hơn 200 triệu người Ấn Độ tham gia và họ đang là lực lượng lao động chính của đất nước. Ảnh: Reuters

Ông Tripathi cho biết, chính phủ vẫn sẵn sàng quay lại bàn đàm phán. “Chính phủ vẫn để ngỏ cho các cuộc đàm phán. Các nhà lãnh đạo phong trào nông dân đang lan truyền tình trạng vô chính phủ thông qua các cuộc biểu tình và nếu họ muốn nói chuyện với chính phủ thì hãy nên với một tinh thần cởi mở", vị này nói.

Theo nhà phân tích chính trị Surya Pratap Singh, có trụ sở tại Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, trong các nền dân chủ sức mạnh luôn được thể hiện thông qua sự thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Ông Singh nói: “Những gì bạn chứng kiến trong cuộc tụ tập ngày hôm nay chính là sự phản ánh của cảm giác chống đối trong dân chúng. Cuộc biểu tình này sẽ ảnh hưởng đến cơ đồ của chính quyền do đảng BJP lãnh đạo. Nó cũng có thể lật đổ chính phủ của Thủ tướng Modi trong các vòng bầu cử tiếp theo".

(Arab News; Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.