| Hotline: 0983.970.780

Nông dân có “cần câu cơm”

Thứ Tư 07/03/2012 , 09:42 (GMT+7)

Chưa bao giờ phong trào học nghề của nông dân Khánh Hoà lại diễn ra sôi nổi như hiện nay.

Nhờ được đào tạo, giờ đây anh Luận thu nhập đều đặn từ gà thả vườn

Chưa bao giờ phong trào học nghề của nông dân Khánh Hoà lại diễn ra sôi nổi như hiện nay. Nhờ phương pháp học dễ hiểu, học đi đôi với hành nên nông dân hấp thụ kiến thức khá tốt; có “cần câu cơm” đa số  vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Viết Luận ở xã Diên An, huyện Diên Khánh sau khi học nghề nuôi gà thả vườn đã về cải tạo lại chuồng trại để nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trước đây, gia đình anh Luận là hộ nghèo trong xã, ít ruộng lại đông con nên ai thuê việc gì vợ chồng anh cũng làm. Làm thuê cuốc mướn quanh năm nhưng vẫn không đủ tiền nuôi 4 đứa con ăn học. Năm 2008, anh Luận vay ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư nuôi gà thả vườn với quy mỗ mỗi lứa 100- 200 con.

Anh Luận cho biết: Lúc mới đầu tôi cứ nghĩ nuôi gà không khó nên làm theo kiểu “xưa làm nay bắt chước”, không theo tiêu chuẩn nào nên hiệu quả không cao, gà chậm lớn hay bị dịch bệnh; đặc biệt năm 2009 đàn gà 200 con nuôi sắp đến ngày xuất bán thì lăn đùng ra chết hết, cụt cả vốn.

Sau một thời gian, anh Luận mới chiêm nghiệm ra một điều đó là, muốn thành công thì phải có kiến thức. Do đó đầu năm 2011 anh đã quyết định đăng ký khoá đào tạo kỹ thuật nuôi gà thả vườn an toàn tại Trung tâm Dạy nghề huyện Diên Khánh.

Tại lớp học anh Luận được trang bị khá kỹ kiến thức nuôi gà thả vườn, cách phòng dịch bệnh từng thời kỳ, các loại bệnh gà hay mắc phải và dùng thuốc ra sao cho hiệu quả, thức ăn của gà từng thời kỳ như thế nào… “Nhờ bài giảng sinh động, hấp dẫn sát với thực tế nên kiến thức chúng tôi học được ở lớp đều được vận dụng vào SX và đã đem lại hiệu quả cao”, anh nói.

Nhờ học được biện pháp kỹ thuật, anh Luận đã mở rộng quy mô nuôi gà lên tới 3.000 con, đều đặn mỗi tháng xuất bán 1.000 con, trừ mọi chi phí còn lãi 15 triệu đồng; đặc biệt vào dịp lễ tết thì lãi gấp đôi ngày thường. Trước đây tỷ lệ gà hao hụt đàn gà rất lớn nhưng giờ chỉ hụt khoảng 3- 5% tổng đàn.

Bác Đỗ Văn Cuộc, thôn Ninh Tây, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh thông qua khoá đào tạo nghề tại xã do Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh mở, bác đã chọn học nghề nuôi ếch bò. Vì vốn đầu tư ban đầu không nhiều, dễ nuôi và ít dịch bệnh. Từ những kiến thức đã học trong 3 tháng về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh… bác Cuộc đã xây bể xi măng diện tích 30m2 và mua con giống về thả với tổng chi phí khoảng 15 triệu đồng.

Sau hơn một năm nuôi ếch, bác Cuộc đã dần mở rộng số lượng lên 3.000 con mỗi lứa. Theo bác thì nuôi ếch bò dễ nuôi, nhanh lớn, năng suất cao (mỗi lứa nuôi khoảng 3 tháng, khi ếch đạt trọng lượng khoảng 300 gram thì xuất bán) thị trường tiêu thụ lại ổn định. Nuôi ếch không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu nhưng nghề này đòi hỏi phải chăm chỉ, hàng ngày phải thay nước sạch nếu không sẽ làm cho ếch bị bệnh, chậm lớn.

Hiện tại, mỗi năm gia đình bác Cuộc có thu nhập 30- 50 triệu đồng. Thấy có hiệu quả nhiều gia đình khác cũng làm theo mô hình này. Bác còn hướng dẫn bà con trong xã nuôi ếch, đến nay đã có trên 20 hộ làm theo.

Bác Ngà cho biết: Ngay từ buổi đầu học nghề ai cũng ham thích bởi cách học đơn giản dễ hiểu, dễ ứng dụng lại được thực hành từ chính các loại cây cảnh của học viên. Nói thật, tôi đã lớn tuổi đi học cũng có cái khó nhưng vừa học vừa hành nên rất nhanh thạo nghề.

Trong khi đó, bác Cao Như Ngà, thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hoà cùng 23 nông dân khác sau khi tốt nghiệp chứng chỉ nghề kỹ thuật trồng chăm sóc cây cảnh do Trường Trung cấp nghề Ninh Hoà đào tạo ngay tại xã. Đến nay không những vườn cây cảnh của bác Ngà được chăm sóc tốt hơn mà từ ngày có chứng chỉ bác còn được nhiều nơi thuê chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Nhờ vậy bác có thêm khoản thu nhập hàng tháng được vài ba triệu.

Anh Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Ninh Ích phấn khởi thông báo: Trong năm 2011 xã đã tổ chức được 2 lớp học nghề trồng chăm sóc cây cảnh và nghề nấu ăn cho người nông dân. Tổng cộng có 58 người trong xã được đào tạo nghề (24 người trồng chăm sóc cây cảnh, 34 người học nấu ăn). Đến nay lớp học cây cảnh có 6 người tự tạo việc làm bằng cách trồng cây cảnh tại nhà, 10 người đã xin được vào làm tại các DN với mức thu nhập ổn định, số còn lại đang xin vào các công ty. Còn học viên lớp nấu ăn, đa số  đều mở các nhà hàng, quán ăn tại gia đình, một số ít xin được việc tại các nhà hàng trong TP Nha Trang.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.