Những ngày này, người dân sản xuất rau, hoa tại làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang tập trung cải tạo ruộng vườn, xuống giống cho vụ đông xuân, đặc biệt là tập trung sản xuất vụ rau, hoa Tết. Ông Nguyễn Đình Cũng, người sản xuất hoa cúc cho hay, năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nguồn thu từ vườn bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều lứa hoa gia đình không bán được đã dẫn đến thu không bù chi.
Hiện tại, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, các thị trường trong nước bắt đầu nhập hoa trở lại nên gia đình tập trung vào đầu tư, sản xuất. Ông cho hay: “Vừa rồi, gia đình tôi cố gắng duy trì vụ hoa cho rằm tháng 9 (15/9 âm lịch) và may mắn thị trường chạy trở lại. Hoa được tiêu thụ đều, giá cao nên gia đình có được khoản thu đáng kể. Sau lứa hoa này, chúng tôi tập trung vào sản xuất cho các tháng cuối năm, đặc biệt là hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.
Cũng tại phường 12, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ đang tập trung cải tạo lại vườn, bắt tay vào xuống giống rau. Gia đình bà Huệ có truyền thống thực hiện mô hình sản xuất rau xà lách, rau tần ô. Hồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát phải thực hiện giãn cách, rau của gia đình bà không bán được dẫn đến thua lỗ, gần 2ha vườn hầu như bỏ trống suốt thời gian từ tháng 8 đến nay. Hiện tại, khi thị trường dần khôi phục, bà đã bắt tay vào tái đầu tư, xuống giống vụ mới.
Ở phường 12, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cũng đang thực hiện hàng loạt kế hoạch sản xuất sau dịch. Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, diện tích liên kết của hợp tác xã với người dân hiện ở vào khoảng 80 ha rau các loại, sản lượng hàng năm là hàng nghìn tấn. Trong đợt dịch vừa qua, cụ thể là từ tháng 6 đến tháng 8, kênh tiêu thụ rau ăn lá của hợp tác xã bị đứt gãy, khoảng 70 tấn rau không bán được.
Ông Khẩn cho hay, hiện tại, hợp tác xã tổ chức xuống các giống rau như cà rốt, khoai tây, hành tây, ớt chuông… Đồng thời tăng diện tích trồng rau ăn lá ngắn ngày để đảm bảo các đơn hàng về chợ đầu mối TP.HCM. Theo ông Khẩn, thị trường mở cửa, hàng hóa lưu thông trở lại nên nhiều mặt hàng của hợp tác xã sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều loại rau không đủ hàng để cung ứng cho đối tác mặc dù giá cao hơn thường lệ nhiều lần.
“Trong các tháng dịch bệnh phải giãn cách, hợp tác xã duy trì sản xuất dù vấn đề đầu vào như phân bón, các vật tư nông nghiệp gặp khó. Sau dịch bệnh, chúng tôi cũng rút ra được bài học kinh nghiệm về sản xuất và ứng phó với các hiện tượng bất thường. Hiện nay, chúng tôi lên kế hoạch sản xuất theo đơn đặt hàng, đảm bảo về các yếu tố đầu vào để chủ động sản xuất.
Chúng tôi cũng chú trọng phát triển các loại rau, củ, quả phù hợp với điều kiện hiện tại và tăng cường công tác sơ chế, chế biến, bảo quản…”, ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cho hay.
Trong khi đó, các hộ trồng hoa ở làng Thái Phiên cũng bắt tay vào tái sản xuất sau đại dịch. Nhiều nhà vườn chuyên hoa cúc, hoa ly, cẩm chướng... đã xuống giống cho thị trường cuối năm, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Thành Cũng, người sản xuất hoa cúc lâu năm ở làng Thái Phiên cho biết, trong những tháng vừa qua, gia đình chịu thiệt hại nặng nề vì phải cắt bỏ hơn 2.000m2 hoa cúc. Kể từ đầu tháng 10, thị trường bắt đầu khôi phục nên gia đình vay mượn tiền để tái đầu tư, sản xuất.
Theo ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội nông dân phường 12 (TP Đà Lạt), địa phương có diện tích lớn với các sản phẩm chủ yếu là rau và hoa. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều gia đình sản xuất rau, hoa bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được khống chế, giãn cách xã hội được nới lỏng nên các mặt hàng rau hoa tại địa phương đã được tiêu thụ trở lại với giá tương đối tốt. Các diện tích vườn bị bỏ trống trong thời gian dịch bệnh đã được bà con nông dân cải tạo, xuống giống, khôi phục sản xuất. Các loại hoa dài ngày như cúc kim cương, hoa ly đang được người dân tập trung thực hiện để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
“Riêng hoa ly, địa phương hiện có khoảng 12-15ha đang chuẩn bị đất, giá thể để trồng cho vụ Tết. Việc sản xuất được đẩy mạnh nhưng nông dân đang gặp khó khăn về vốn và nguồn giống. Đối với hoa ly, người dân phải đặt giống từ nước ngoài và cọc tiền trước nên những hộ bị thua lỗ trong đại dịch rất khó để tái đầu tư. Do vậy, dự đoán khoảng 30% khó có giống sản xuất. Đối với hoa cúc, nhiều nhà sản xuất giống ở địa phương không duy trì được trong đại dịch nên nguồn giống phục vụ sản xuất Tết cũng thiếu khoảng 20-30%”, ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội nông dân phường 12 chia sẻ.