Buổi sớm, vùng biên huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) chìm trong màn sương, nhưng bên khu ruộng lúa chín vàng thuộc xã Hữu Khánh (huyện Lộc Bình) lại không hề yên ắng.
Bà Vi Thị Hiền (bản Khiếng, xã Hữu Khánh) có mặt từ rất sớm, nhưng đi tay không. Đồ đạc bà mang theo là những bao tải dứa gai để chuẩn bị chứa thóc. Nhà bà Hiền có 8 sào ruộng (sào 360m2). 8 năm nay, bà không còn biết đến cảnh gánh lúa về nhà, bởi máy gặt đập liên hợp đã được đưa đến tận chân ruộng.
Anh Đào Xuân Hào - chủ máy gặt quê ở tỉnh Hưng Yên. Anh là một trong những người đầu tiên kéo máy lên các huyện vùng biên xứ Lạng để cắt lúa thuê khi mùa màng dưới quê anh đã thu hoạch xong. Với cách thức này, không những giúp sử dụng tối đa hiệu suất của máy gặt, gia đình anh Hào còn có thêm nguồn thu từ dịch vụ nông nghiệp.
Một sào lúa tiền công máy gặt là 130 ngàn đồng. Khoảnh ruộng 2 sào của bà Hiền nằm sát với đường tỉnh 236, anh Hào chỉ gặt máy trong vòng chưa đầy nửa giờ.
“Ngày trước chưa có máy gặt, chúng tôi phải kêu gọi bà con, hàng xóm đến gặt lúa giúp. Đi thuê người gặt lúa bây giờ tiền công 200 ngàn đồng/ngày, sau đó lại phải gồng gánh về nhà, tiếp tục thuê máy tuốt lúa, mất thêm nửa ngày nữa mới xong. Giờ có máy gặt ngoài ruộng, thời gian rút xuống tính bằng tiếng, mà không phải nhọc công gồng gánh, thích lắm” – bà Hiền đứng trên bờ ruộng, nhìn anh Hào điều khiển chiếc máy gặt thành thục lượn đi lượn lại quanh khu ruộng, phấn khởi.
Không riêng bà Hiền, nhiều bà con vùng biên mấy năm qua đã sử dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Cả cánh đồng rộng bạt ngàn, trong một buổi sáng, hai chiếc máy gặt xử lý ngon lành.
Những chiếc máy gặt đang thu hoạch lúa ở huyện Lộc Bình đều là những chiếc máy cỡ nhỏ, phù hợp với những chân ruộng bé. Chiếc máy gặt chạy vòng quanh khoảnh ruộng, đi từ ngoài vào trong, vẽ thành những đường tròn. Máy đi đến đâu, chân rạ để lại đến đó. Rơm đùn ra chạy thành một vệt dọc quanh thửa ruộng, nhìn gọn gàng như người cắt tóc.
Mặc dù là huyện vùng biên, Lộc Bình vẫn giữ ổn định diện tích canh tác lúa mỗi năm trên 10.000ha, tổng sản lượng lương thực trên 37 ngàn tấn. Trong kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện chủ trường đẩy mạnh phát triển hạ tầng phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, trọng điểm sản xuất lúa tập trung tại các xã Tú Đoạn (hơn 704ha), Đông Quan (gần 650ha), Tú Mịch (hơn 418ha); Sàn Viên (gần 408ha), Thống Nhất (hơn 407ha)…
Để thực hiện nhiệm vụ cơ giới hóa nông nghiệp, Lộc Bình tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống hồ đập, trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương... Có hạ tầng tốt, sản xuất nông nghiệp được ổn định, bền vững, từ đó tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
So với các tỉnh vùng xuôi, khu vực miền núi khó khăn hơn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất do diện tích canh tác hạn hẹp, địa hình không bằng phẳng. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện địa hình, người dân vùng biên áp dụng cơ giới hóa từng bước với các loại máy nhỏ, thích hợp với các chân ruộng ô khoảnh, manh mún.
“Cơ giới hóa giúp bà con giải phóng được sức lao động, không còn nhọc nhằn, vất vả mà tiết kiệm chi phí rất nhiều. Có những năm ngại làm, nhiều người còn bỏ ruộng, không cấy. Giờ có máy, nhà ai cũng cấy lúa, vừa giữ ruộng vừa đủ gạo cho cả gia đình ăn, ăn không hết đem bán cũng có một món tiền” – bà Vi Thị Hiền (bản Khiếng, xã Hữu Khánh) chia sẻ.
Kế bên khu ruộng của gia đình bà Hiền, một chiếc máy gặt khác cũng đang miệt mài làm việc. Một nhóm người khác đứng lên thụp xuống cắt liềm, bà Hiền giải thích: "Đấy là những ô ruộng trũng, thấp và lún, máy không vào được nên bà con phải cắt tay. Nhưng giờ gặt tay ít lắm".
Cơ giới hóa nông nghiệp ở vùng biên, đó là những bước đi chậm, muốn đi nhanh cũng không được, nhưng nếu không bước chân vào, sẽ không thành những con đường!