| Hotline: 0983.970.780

Đi đến cùng câu chuyện cơ giới hóa ở ĐBSCL

Thứ Hai 20/02/2023 , 07:02 (GMT+7)

ĐBSCL là khu vực ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp mạnh mẽ nhất trong cả nước. Tuy nhiên, thiếu đồng bộ trong ứng dụng cơ giới hóa đang là điểm nghẽn lớn.

Lời Tòa soạn: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trăn trở, hiện nay, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề cơ giới hóa ở vùng ĐBSCL. Máy móc, thiết bị cơ giới ứng dụng nhiều nhưng không đồng bộ, khiến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận không tăng.

Loạt bài này sẽ đi sâu phân tích thực trạng ứng dụng cơ giới hóa hiện nay ở các địa phương vùng ĐBSCL. Đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy việc hình thành Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Bài 1: Máy móc ngoại nhập "làm chủ" sân nhà

Nhảy vọt máy móc thay sức người

Hàng ngàn năm trước, trồng lúa đã trở thành một nền văn minh của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại hành trình phát triển của cây lúa, bà con nông dân ai cũng phấn khởi khi giờ đây trên những cánh đồng, hình ảnh con trâu, cái cày đã không còn hiện diện. Thay vào đó là những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp chạy bon bon trên đồng mỗi khi vào vụ lúa.

Ảnh 1

Những chiếc máy gặt đập liên hợp đã góp phần giúp cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL đạt 95%. Ảnh: Kim Anh.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở ấp 1, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã hơn 30 năm trồng lúa, với diện tích trên 10.000m2. Nhớ lại giai đoạn làm lúa truyền thống, chưa có máy móc cơ giới hỗ trợ, bà than rất cực bởi mọi thứ đều làm thủ công. Chỉ tính riêng ruộng lúa nhà bà khi vào vụ thu hoạch, phải thuê người vác lúa, người cầm bao, người bưng lúa… vừa tốn chi phí nhân công, thời gian thu hoạch kéo dài.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch lúa của bà Vân cũng như nông dân ở huyện Kế Sách và cả khu vực ĐBSCL trở nên nhanh gọn, nhẹ chi phí, lúa được chuyên chở tới tận bến bãi, có thương lái chờ sẵn để cân.

“Bây giờ lỡ lúa sập, máy không cắt được, kêu nhân công tới cắt tay chi phí mắc gấp đôi cắt máy. Làm máy móc bây giờ rất thuận tiện, chỉ cần một người ra đồng là được rồi”, bà Vân phấn khởi chia sẻ.

Hơn nữa, khi thu hoạch lúa, máy sẽ cắt nguyên cánh đồng, vì thế bà con trong vùng phải cùng nhau liên kết, làm đồng loạt, từ lúc xuống giống cho đến thu hoạch, không phải như ngày xưa “mạnh ai nấy làm”. Điều này đã giúp cho nông dân hình thành thói quen làm việc tập thể.

Tại HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, vài năm trở lại đây, việc ứng dụng máy móc cơ giới hóa vào sản xuất lúa cũng được xã viên hưởng ứng nhiệt tình. Hiện nay, HTX đã đầu tư được máy cuốn rơm, máy sạ cụm, hướng tới sẽ đầu tư thêm máy bay nông nghiệp không người lái (drone) để phục vụ sản xuất lúa cho bà con xã viên.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX đánh giá, việc ứng dụng cơ giới hóa đã giúp lượng giống gieo sạ của HTX giảm từ 18kg/1.000m2 xuống còn 8kg lúa giống/1.000m2, năng suất lúa vẫn được đảm bảo. Hơn nữa, ban đầu nông dân ít chịu thay đổi, nhưng trải qua thời gian ứng dụng thực tế, xã viên thấy được hiệu quả, dần tiếp cận và hiện nay ứng dụng rất đồng loạt.

“Sản xuất nông nghiệp khi có cơ giới hóa sẽ được trọn vẹn, khoa học, giảm chi phí, nâng cao năng suất. Chuỗi sản xuất lúa gạo của HTX cơ bản sẽ ứng dụng cơ giới hóa đạt 100% vào vụ hè thu 2023 tới”, ông Hồng bộc bạch.

Tại vùng ĐBSCL, cơ giới hóa hiện nay đã bao trùm lên các khâu từ làm đất, bón phân, tưới tiêu, thu hoạch và cả công nghệ sau thu hoạch. Lợi ích của cơ giới hóa cũng rất rõ ràng. Đối với cây lúa, cơ giới hóa trong khâu làm đất đã đạt 100%, khâu thu hoạch đạt mức 95%, khâu chăm sóc và bảo vệ thực vật cũng đạt khoảng 85%, ở khâu gieo sạ và cấy ở mức 70%.

Ảnh 2

Cơ giới hóa ở ĐBSCL hiện nay thiếu đồng bộ, chưa bao trùm lên toàn bộ quy trình trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Một số địa phương sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Hậu Giang…, các khâu làm đất, bơm tưới, phun thuốc BVTV, thu hoạch đã hình thành được các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng chuyên cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa cho bà con nông dân.

Điển hình tại TP Cần Thơ, hiện có 24 tổ kỹ thuật ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt. Hoạt động chủ yếu của các tổ kỹ thuật này là cung cấp các dịch vụ bơm tưới, làm đất và thu hoạch bằng cơ giới. Ngoài ra, Thành phố cũng có 110 tổ dịch vụ phun thuốc, bón phân, sạ lúa, bơm nước. Có khoảng 1.300 lò sấy với công suất 20 - 40 tấn/lò, qua đó đáp ứng được 100% sản lượng lúa thu hoạch của Thành phố.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn 2011 – 2021. Cụ thể, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80% và máy phun thuốc BVTV tăng 3,5 lần.

Đặc biệt, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2008 – 2021 cũng có sự gia tăng đáng kể: Khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%; khâu gieo sạ, cấy tăng từ 5% lên 65%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%; khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm rạ đạt 90%.

Máy móc, thiết bị nhập ngoại "làm chủ" sân nhà

Bức tranh cơ giới hóa ở vùng ĐBSCL đã có rất nhiều gam màu tươi sáng, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ giới hóa, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo. Đặc biệt là tinh thần dám đổi mới, sáng tạo của bà con nông dân. Tuy nhiên, để câu chuyện ứng dụng cơ giới hóa ở vùng ĐBSCL đi đến tận cùng, gốc rễ, phải nhìn nhận thực trạng cơ giới hóa hiện nay còn thiếu đồng bộ.

Empty

Hầu hết những máy móc, thiết bị cơ giới đồng ruộng ở ĐBSL hiện nay đều là "hàng ngoại". Ảnh: TL.

Có dịp trò chuyện với ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Nghiêm trăn trở: Đối với lĩnh vực sản xuất chính là lúa, khâu cơ giới hóa như chăm sóc, bón phân, gieo giống, phun thuốc BVTV vẫn còn hạn chế. Trong sản xuất cây ăn trái, chủ yếu vẫn đang dựa vào sức lao động chân tay là chính. Kể cả lĩnh vực thủy sản, việc ứng dụng cơ giới hóa vẫn còn khiêm tốn, một số khâu như thu hoạch, vận chuyển thủy sản từ ao nuôi chưa có thiết bị cơ giới hóa đồng bộ để hỗ trợ cho quá trình sản xuất của bà con nông dân.

Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Nghiêm xuất phát từ quy mô sản xuất của bà con nông dân ở TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung tương đối manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, điều kiện và đặc điểm về vùng đất của từng địa phương ở ĐBSCL khác nhau.

Thực tế, đa số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay được nhập khẩu từ các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Những thiết bị này khi đưa vào ứng dụng thực tiễn cho nền đất tại TP Cần Thơ lại không phù hợp.

Điển hình là thiết bị máy cấy lúa, hiện nay khi đưa xuống đồng ruộng phần lớn xảy ra hiện tượng lún khá phổ biến trong các vụ canh tác lúa do nền đất ở Thành phố tương đối yếu. Do đó, bà con nông dân khó có điều kiện sử dụng ngay. Điều này đòi hỏi các đơn vị nhập khẩu, doanh nghiệp phải trải qua quá trình cải tiến lại để phù hợp với điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng máy, thiết bị nông nghiệp hiện nay chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ. Người sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp chưa được đào tạo và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Ảnh 3

Các loại máy, thiết bị nông nghiệp hiện nay đa phần được nhập khẩu. Các loại máy được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 20 - 30% thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ, thiết bị done hiện đang được địa phương nhân rộng cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Toàn rất quan tâm đến vấn đề đào tạo cho người điều khiển máy. Bởi hiện nay việc tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho đối tượng này lại chưa được tổ chức thực hiện sâu rộng, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng cũng như sức khỏe con người.

Một thống kê của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho thấy, toàn quốc hiện có hơn 10 triệu hộ nông nghiệp với mức độ trang bị động lực bình quân chỉ đạt 2,4cv/ha canh tác. Vùng ĐBSCL được xem là khu vực có mức độ trang bị động lực cao nhất cả nước nhưng cũng chỉ đạt 2,8 cv/ha. Tỷ lệ hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn thấp, bình quân khoảng 50 hộ mới có một máy kéo. Mức trang bị này thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…

PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí – Công nghệ (Đại học Nông lâm TP.HCM thông tin: Các loại máy được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp hiện chỉ chiếm khoảng 20 - 30% thị trường. Phần lớn vẫn là máy nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khảo sát tại khu vực ĐBSCL, hiện nay vùng chỉ có một số cơ sở, xưởng cơ khí quy mô nhỏ lẻ. Ngay cả tại tỉnh An Giang, địa phương trọng điểm sản xuất lúa gạo của vùng nhưng hiện tỉnh này chưa có các xưởng chế tạo máy, chủ yếu chỉ là các cơ sở hàn tiện, sửa chữa nhỏ.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.