| Hotline: 0983.970.780

Nông dân tất bật gặt lúa mùa, chuẩn bị vụ đông

Thứ Sáu 16/09/2022 , 07:01 (GMT+7)

THANH HÓA Vụ mùa năm nay tại Thanh Hóa lúa sạch sâu bệnh, năng suất cao hơn năm ngoái nên bà con ai cũng rổn rảng.

Năng suất lúa ước đạt 56 - 57 tạ/ha

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa vụ mùa 2022. Không khí vui tươi, phấn khởi là điều dễ nhận thấy trên khắp các cánh đồng, đường làng, ngõ xóm khi năng suất vụ mùa năm nay cao hơn so với năm trước.

Ghi nhận tại huyện Quảng Xương, vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 6.600ha, cơ cấu chủ yếu bằng các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Đến hiện tại, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích với năng suất ước đạt 59 tạ/ha. Một số xã có tiến độ thu hoạch nhanh như Quảng Trường, Quảng Phúc, Quảng Đức, Quảng Định...

IMG_3911

Nông dân Thanh Hóa đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Bà Phạm Thị Hà, thôn Phú Đa, xã Quảng Đức (Quảng Xương) phấn khởi chia sẻ: Vụ mùa năm nay, lúa được mùa lớn, hơn 3 sào lúa của gia đình bà đều cho năng suất trung bình 3 tạ/sào (so với vụ mùa năm trước chỉ 2 - 2,3 tạ/sào).

Theo bà Hà, vụ mùa năm nay mật độ sâu bệnh hại lúa thấp, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt nên không phải tiến hành phun trừ, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí phân bón và thuốc BVTV.

“Mọi năm đủ các loại sâu bệnh, năm nay lại chẳng thấy, bông lúa to, hạt mẩy, phơi ở giữa đường đi nên ai ngang qua cũng ghé lại xem, hỏi thăm. Giờ chỉ mong thời tiết không mưa để phơi phóng cho được thuận lợi là có vụ mùa hoàn hảo”, bà Hà vui vẻ.

Không giấu được niềm vui khi 1 mẫu lúa của gia đình mình cho năng suất cao, bà Phạm Thị Xuân, thôn Xa Thư, xã Quảng Bình (Quảng Xương) cho biết: Vụ mùa năm nay gia đình bà gieo cấy muộn hơn so với mọi năm nên đầu vụ khá lo lắng. Tuy nhiên, không ngờ cấy muộn lại hay, sâu bệnh hại lúa ít, chỉ có một chút sâu đục thân và chuột. Hiện tại, gia đình bà đã thu hoạch được 70% diện tích với năng suất trung bình đạt 2,8 tạ/sào.

“Vụ mùa năm nay hầu hết bà con ở đây đều được mùa. Hộ nào chịu khó thăm đồng, chăm sóc thì lúa đều đạt năng suất cao, chứ cấy xong để đấy thì năng suất không ăn thua vì chuột cắn phá nhiều, tỷ lệ lúa lép cao”, bà Xuân chia sẻ.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa thông tin: Vụ mùa 2022 được đánh giá là vụ mùa an toàn về khung thời vụ, mật độ sâu bệnh gây hại thấp, chất lượng lúa được đảm bảo... Theo thống kê, đến hết ngày 14/9, tổng diện tích lúa mùa đã thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh hơn 38.300ha (đạt 33%). Năng suất lúa trung bình ước đạt 56 - 57 tạ/ha (so với vụ mùa 2021 là 55,6 tạ/ha).

z3724338517467_60b7c55bca4c0116232840b23e7776ef

Bà Phạm Thị Hà, thôn Phú Đa, xã Quảng Đức (Quảng Xương), phấn khởi vì năng suất lúa vụ mùa năm nay cao hơn năm trước. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Trung, để bảo vệ năng suất, chất lượng lúa, trong điều kiện thời tiết vẫn có những diễn biến khó lường, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đôn đốc người dân bám sát đồng ruộng, huy động nhân lực, các loại phương tiện, máy móc tập trung thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ mức giá thu gặt lúa của các chủ phương tiện, tránh tình trạng nâng ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân; theo dõi diễn biến của thời tiết, tổ chức ra quân nạo vét các tuyến kênh mương nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra. Đối với những diện tích lúa chưa đủ điều kiện thu hoạch, xảy ra trường hợp đổ ngã phải kịp thời dựng buộc, tránh hiện tượng bông lúa bị ngâm nước, mọc mầm...

Thu hoạch đến đâu, làm đất xuống giống vụ đông đến đó

Cũng theo ông Vũ Quang Trung, song song với việc khẩn trương thu hoạch vụ mùa, ngành nông nghiệp Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông với phương châm “thu hoạch tới đâu, giải phóng đất và gieo trồng cây vụ đông đến đó”.

Ông Quang thông tin: Trong vụ đông 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa triển khai theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo. Vì vậy, tỉnh đã xác định sử dụng đối tượng, giống cây trồng có lợi thế, tập trung mở rộng tối đa diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để gia tăng năng suất...

z3724305698211_2b4888846457c35f56ad5ce9c1c95952

Theo đa số người dân, vụ mùa 2022, mật độ sâu bệnh hại lúa thấp nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí phân bón và thuốc BVTV. Ảnh: Trung Quân. 

Các địa phương phấn đấu tăng tối đa diện tích các cây trồng chính như ngô, cây thức ăn chăn nuôi, rau vụ sớm có thể tiêu thụ nội tỉnh; mở rộng diện tích sản xuất các loại rau quả có giá trị kinh tế cao và có thể bảo quản lâu dài, có khả năng thuận lợi trong quá trình vận chuyển không cần phải sơ chế, đóng gói cầu kỳ như bí xanh, khoai lang, hành tỏi, su hào, khoai tây.

Thanh Hóa chủ trương chỉ sản xuất các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu khi có hợp đồng và bảo lãnh tiêu thụ nông sản; tính toán rải vụ sản xuất một cách phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, tránh hiện tượng thừa thiếu cục bộ.

Bên cạnh đó, gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trồng trọt vụ đông, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; hạn chế tình trạng sản xuất không đáp ứng nhu cầu thị trường hoặc dư thừa nông sản gây thất thiệt cho người sản xuất...

Về thời vụ gieo trồng, đối với nhóm cây ưa ấm, gieo trồng vụ đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 10/10; nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau ngày 10/10, cây khoai tây tập trung trồng từ 20/10 - 5/11.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề ra mục tiêu: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông phấn đấu đạt 46.000ha trở lên. Trong đó, ngô 15.000ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 72.000 tấn; khoai lang 2.700ha, năm suất 77 tạ/ha, sản lượng 20.790 tấn; lạc 1.500ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 3.150 tấn; rau đậu các loại và cây trồng khác 26.800ha. Tổng giá trị sản xuất vụ đông phấn đấu đạt 3.404 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 74 triệu đồng/ha gieo trồng (tăng 1,4 triệu đồng/ha so với vụ đông 2021 - 2022).

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.