| Hotline: 0983.970.780

Nóng đấu thầu lại đất trang trại ở Văn Giang: Lãng phí tài nguyên, tài sản

Thứ Bảy 10/08/2024 , 15:17 (GMT+7)

Sự bối rối của chính quyền xã Xuân Quan khiến các nông hộ hoang mang chưa tìm được hướng xử lý tài sản chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản dẫn tới lãng phí đất đai.

Nỗi buồn của các chủ hộ trang trại đang chờ được tái ký hợp đồng thuê đất sản xuất nông nghiệp ở Xuân Quan. Ảnh: Kiên Trung.

Nỗi buồn của các chủ hộ trang trại đang chờ được tái ký hợp đồng thuê đất sản xuất nông nghiệp ở Xuân Quan. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch huyện Văn Giang viện dẫn văn bản ban hành sau để hồi tố?

Ngày 24/7/2024, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Nguyễn Văn Tuấn ký ban hành Quyết định số 4133 về việc giải quyết khiếu nại của 5 chủ trang trại về 2 nội dung: Thứ nhất, toàn bộ diện tích đất của các hộ thuê thầu đã được phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt dự án vẫn còn hiệu lực và người dân vẫn có nhu cầu sử dụng nên đề nghị xã tiếp tục tái ký hợp đồng cho thuê đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 142 và khoảng 2 Điều 126 (Luật Đất đai 2013).

Thứ hai, khiếu nại, tố cáo việc chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn yêu cầu các chủ trang trại di chuyển toàn bộ tài sản trên trang trại, trả lại đất cho UBND xã tổ chức đấu giá cho thuê lại.

Trước đó, 5 nông hộ nói trên cũng đã gửi nhiều đơn thư khiếu tố cùng nội dung trên tới UBND xã Xuân Quan, UBND huyện Văn Giang, chính quyền cũng tổ chức các cuộc đối thoại tuy nhiên bà con vẫn chưa đồng tình vì nhận thấy các nội dung giải đáp chưa thỏa đáng.

Tại Quyết định 4133 vừa ban hành, chủ tịch huyện Văn Giang xác nhận, UBND xã Xuân Quan được giao quản lý đất công điền đã tiến hành cho các hộ thuê để phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho mình và cho xã hội là hoàn toàn đúng pháp luật, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh Hưng Yên.

Chủ trương này đã được UBND tỉnh đưa vào trong Quyết định số 46 ngày 15/6/2005 về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Ông Nguyễn Văn Toàn bên mô hình ao nuôi cá trước đây từng được cả tỉnh đến để học hỏi kinh nghiệm. Bên kia là khu chuồng trại nuôi lợn hiện bỏ hoang gần 3 năm qua. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Văn Toàn bên mô hình ao nuôi cá trước đây từng được cả tỉnh đến để học hỏi kinh nghiệm. Bên kia là khu chuồng trại nuôi lợn hiện bỏ hoang gần 3 năm qua. Ảnh: Kiên Trung.

Về nguồn gốc đất, UBND huyện cho biết: các hộ dân thuê đất công điền của xã giai đoạn đầu tiên (từ khoảng năm 2003 - 2009) bằng hình thức đấu thầu, các năm tiếp theo tái ký hợp đồng không qua đấu thầu; đơn giá cho thuê được căn cứ từ đơn giá đấu thầu trúng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế nhưng mức tăng giá cho thuê không vượt quá 30% của kỳ thuê trước đó.

Sau khi trúng đấu thầu và ký Hợp đồng thuê thầu đất công ích, các hộ dân đã lập hồ sơ dự án cải tạo ao nuôi cá sang mô hình trang trại VAC, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp, dự án xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp VAC trình UBND huyện Văn Giang, Sở NN-PTNT và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án.

Qua kiểm tra cho thấy, việc UBND huyện Văn Giang ban hành các Quyết định phê duyệt hồ sư Dự án trên là phù hợp với chủ trương, chỉ đạo, thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp của UBND tỉnh tại Quyết định số 03/2002, Quyết định 46/2005.

UBND huyện Văn Giang đã phê duyệt mục tiêu dự án và cho phép dự án được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp, đất trồng ngô sang chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn thịt, trồng cam đường canh, cải tạo từ ao nuôi cá trước đây sang mô hình trang trại VAC.

Điểm mấu chốt là thời hạn thực hiện dự án. Chủ tịch UBND huyện Văn Giang viện dẫn: ngày 26/4/2023, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 09/2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2023) về việc bãi bỏ các Quyết định số 03/2002, Quyết định số 46/2005 do các quyết định này không phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành. Từ đó, chính quyền Văn Giang cho rằng, các quyết định phê duyệt dự án VAC của 5 hộ cá thể nói trên không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, thời điểm 5 hộ trang trại hết thời hạn hợp đồng thuê đất là tháng 8/2021, còn Quyết định số 09 được ban hành 2 năm sau đó.

Một ô ao toen hoẻn được ông Đỗ Thanh Tùng giữ lại để làm nguồn nước tưới những bầu cây hoa giống...

Một ô ao toen hoẻn được ông Đỗ Thanh Tùng giữ lại để làm nguồn nước tưới những bầu cây hoa giống...

Việc sử dụng văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau để xử lý một vấn đề tồn tại từ trước được cho rằng có sự cứng nhắc và không đúng quy định, bởi các văn bản quy phạm pháp luật không có tính hồi tố.

Ngay thời điểm hết thời hạn hợp đồng thuê đất (tháng 8/2021), 5 hộ dân nói trên cũng nhiều lần đề nghị được xã tái ký hợp đồng.

Việc kéo dài, chưa tái kỷ Hợp đồng là do chưa có sự thống nhất về giá cho thuê do UBND xã Xuân Quan đang nâng mức giá lên 500%, cao hơn so với quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ (mức tăng giá cho thuê đất, cho thuê mặt nước là 15% và không cao quá 30% của giá thuê kỳ liền kề).

Sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi nhà nước có dự án rõ ràng, cụ thể

Về nút thắt này, các ông Nguyễn Văn Toàn, Đàm Văn Lụa, Đàm Ngọc Hân, Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khôi khẳng định, sẵn sàng bàn giao, trả lại mặt bằng cho xã khi nhà nước thu hồi để thực hiện dự án rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, các hộ dân đề xuất có chính sách đền bù tài sản, hoa màu, chuồng trại, cây trồng… trên đất trong trường hợp bị thu hồi.

Tuy nhiên, các ông cho biết, cùng thời điểm 5 hộ tham gia đấu thầu thuê đất của xã, còn có rất nhiều hộ khác cùng tính chất. Nếu vì lý do các quy định trước đó đã hết hiệu lực theo Quyết định 09 mới ban hành thì xã phải tiến hành thu hồi toàn bộ và tổ chức đấu thầu lại toàn bộ, không thu hồi kiểu “xôi đỗ” 5 hộ cá biệt như hiện nay.

Gần 5.000m2 ao để cạn lòng, biến thành vườn ươm cây giống vì chưa được tiếp tục ký hợp đồng thuê đất. Ảnh: Kiên Trung.

Gần 5.000m2 ao để cạn lòng, biến thành vườn ươm cây giống vì chưa được tiếp tục ký hợp đồng thuê đất. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Đàm Văn Lụa (77 tuổi), người có thâm niên lăn lộn với đồng bãi xứ Lành Canh nhiều chục năm cho hay: “Thời điểm xã tổ chức đấu thầu, khu vực mà chúng tôi đấu thầu trúng là thùng vũng, đất xấu không có khả năng canh tác, hoặc có thể gọi là đất hoang hóa nên xã mới tổ chức cho thuê, và cũng không có mấy ai mặn mà. Tốn nhiều thời gian, công sức mới có được bộ mặt như ngày nay, nếu không để cho chúng tôi tiếp tục sản xuất rất thiệt thòi cho người dân”.

Ông Đàm Văn Lụa (đứng), 77 tuổi có thâm niên làm klinh tế vườn, ao chuồng ở Xuân Quan. Ảnh: K.Trung.

Ông Đàm Văn Lụa (đứng), 77 tuổi có thâm niên làm klinh tế vườn, ao chuồng ở Xuân Quan. Ảnh: K.Trung.

Ông Lụa viện dẫn: Tại Quyết định số 46/2005, UBND tỉnh quy định: khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân thuê đất thùng vũng, chân đất chua xấu, đất ngoài bãi để phát triển kinh tế trang trại. Việc thuê đất, kể cả thuê đất công ích để làm kinh tế trang trại, phải thực hiện hợp đồng theo quy định của luật đất đai năm 2003. Các chủ trang trại được làm nhà tạm trên diện tích sử dụng của trang trại để chứa sản phẩm, dụng cụ, vật tư sản xuất và bảo vệ, diện tích xây dựng nhà tạm không quá 36m2 xây dựng. Không xây dựng nhà ở kiên cố trên đất làm trang trại.

Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu chủ trang trại, hộ nông dân thực hiện tốt các nghĩa vụ theo quy định nhà nước, thì tiếp tục được thuê lại đất cũ. Giá hợp đồng thuê đất tính ổn định 05 năm theo nhiệm kỳ của HĐND xã, hết 05 năm phải hợp đồng lại theo nhiệm kỳ của HĐND khóa mới, giá thuê đất theo quy định của UBND tỉnh tại thời điểm.

Ngoài ra, theo Điều 12 tại Quyết định số 46 do UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định về chính sách bảo hộ tài sản và nghĩa vụ của trang trại: Nhà nước bảo vệ quyền lợi và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ trang trại. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất trang trại để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội thì chủ trang trại được bồi thường theo quy định.

Mấy năm qua, huyện Văn Giang đang có chủ trương quy hoạch phát triển làng nghề trồng hoa cây cảnh, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái. Các làng nghề như Phụng Công, Xuân Quan… đang là những điểm sáng theo quy hoạch nông nghiệp đa giá trị của địa phương này. Việc các hộ dân đang làm mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi hoàn toàn phù hợp với chủ trương này.

“Đất đai chúng tôi đang thuê thầu, sử dụng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch, định hướng. Việc xã “rũ” ra sau đó đấu thầu từ đầu, rõ ràng là “đánh bùn sang ao” mà lại gây ách tắc, đình trệ sản xuất của người dân”, ông Lụa lập luận.

Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Hoa Cương (đương kim chủ tịch xã Xuân Quan từ đầu năm 2024) cho biết: “Việc người dân có đơn thư, khiếu nại, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND huyện. Xã thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên”.

Khu ruộng trồng cỏ voi nuôi bò sữa của ông Đàm Ngọc Hân giờ cũng bỏ hoang. Ảnh: K.Trung.

Khu ruộng trồng cỏ voi nuôi bò sữa của ông Đàm Ngọc Hân giờ cũng bỏ hoang. Ảnh: K.Trung.

Trong khi đó, ông Lê Quý Đôn, người đang có đơn thư tố cáo đích danh trong thời gian ông này làm lãnh đạo xã Xuân Quan cũng vừa được điều động, bổ nhiệm sang làm Chủ tịch UBND thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang thay vị trí của ông Hoàng Hoa Cương.

Ông Đôn giải thích: “Việc điều động sang phụ trách địa phương khác là theo sự phân công của tổ chức chứ không phải bị kỷ luật. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, đó là quyền của công dân”, ông nói thêm.

Trong tình cảnh nói trên, những nông hộ như các ông Đàm Văn Lụa, Nguyễn Văn Toàn… chỉ biết khoanh tay đứng nhìn chuồng trại, ao cá… bỏ hoang, đất đai để lãng phí, không dám đầu tư tái thả bởi thông báo thu hồi ở giữa thời điểm oái oăm, và một văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra áp dụng theo tính chất hồi tố đầy khó hiểu!?

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất