| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Chương Mỹ, nhiều tiềm năng nhưng còn hạn chế

Thứ Ba 23/08/2022 , 10:57 (GMT+7)

Chương Mỹ là huyện ngoại thành Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp vì nhiều đất, đông dân trên 33 vạn trong đó số hộ nông nghiệp chiếm 32,5%.

Số lượng chuỗi ít so với nhu cầu

Về trồng trọt, huyện Chương Mỹ có trên 14.000 ha lúa và cây ăn quả trong đó đã quy hoạch vùng chuyên canh cây bưởi Diễn tại 7 xã, thị trấn với gần 700ha. Người trồng bưởi đã liên kết lại với nhau thành lập hợp tác xã để thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau thay đổi hình thức sản xuất, chuyển sang thâm canh, một số diện tích đang sản xuất theo phương pháp hữu cơ, VietGAP tại các xã Nam Phương Tiến, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai, đạt hiệu quả kinh tế trung bình từ 500-700 triệu đồng/ha.

Về chăn nuôi tổng đàn lợn có 203,5 nghìn con, đàn trâu bò có 13,1 nghìn con, đàn gia cầm có hơn 6,2 triệu con. Bên cạnh các mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn chăn nuôi lớn như CP, JAPA...ứng dụng công nghệ cao (khoảng trên 100 cái), huyện còn có 13 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.

Một số mô hình tiêu biểu như thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà của Công ty Cổ phần Tiên Viên; mô hình chăn nuôi thỏ của hợp tác xã thỏ Việt Nhật Chương Mỹ; mô hình chăn nuôi bò của hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Hoa Minh; mô hình sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước của các hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, hợp tác xã dịch vụ khoa học công nghệ và tiêu thụ nông sản Chương Mỹ...

Empty

Một trang trại nuôi bò thịt. Ảnh: Tư liệu.

Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021 - 2025” trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Chương Mỹ đã cụ thể hóa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo dựng và nâng cao một số thương hiệu nông sản chủ lực như bưởi, trứng gà, rau quả, gạo hữu cơ...

Sản xuất theo chuỗi, hiện có doanh nghiệp của CP Thái Lan đang thu hút hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện chăn nuôi gia công cho mình. Họ được cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật để sản xuất theo cùng một tiêu chuẩn, quy trình rồi được bao tiêu luôn sản phẩm nên khá an toàn. Tuy nhiên, lợi nhuận của các mô hình dạng chuỗi gia công này lại không thực sự cao, hấp dẫn bằng tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Empty

Thu hái cà gai leo làm dược liệu. Ảnh: NNVN.

Ngoài ra huyện có 11 mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi của các doanh nghiệp và các hợp tác xã trên chính địa bàn mình như: chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã nghiệp hữu cơ Đồng Phú; chuỗi sản xuất - tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi sản xuất - tiêu thụ trứng gà của Công ty Cổ phần Tiên Viên; Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiên cà…

Số lượng đó so với tiềm năng sản xuất nông nghiệp của huyện và nhu cầu nông sản của người tiêu dùng Thủ đô vẫn còn quá khiêm tốn. Nhìn chung là mô hình sản xuất theo chuỗi vẫn còn chưa có sức hút vì việc tổ chức cần liên kết nhiều đơn vị nên khó liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Lúc thị trường khan hàng, có giá cao thì nông dân thường bán ra ngoài, lúc hàng nhiều, giá thấp mới bán cho đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Cả hai bên đều hầu như chưa tìm được tiếng nói chung, thống nhất được giá cả và sự cam kết đồng hành, ổn định, lâu dài. Các chuỗi tuy đã thành hình nhưng còn “còi cọc” vì quy mô tổ chức sản xuất, tiêu thụ còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế đạt được vẫn khiêm tốn. Trong Nghị định 98 có nội dung hỗ trợ theo chuỗi nhưng thực tế cho thấy khó thực hiện vì chưa có hướng dẫn cụ thể để có cơ chế cụ thể mà hỗ trợ.

Empty

Trang trại nuôi gà Ai Cập lấy trứng. Ảnh: NNVN.

Hỗ trợ hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử

Trong bối cảnh vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, có nhiều hộ cá thể chưa đảm bảo được đầu ra, vừa qua UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành Kế hoạch số 157 nhằm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể OCOP, các hộ làng nghề tham gia sàn thương mại điện tử. Từ đó để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ trì vấn đề này, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân huyện và các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức đến hộ sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng về để họ hiểu về cách làm và ủng hộ. UBND các xã, thị trấn chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế rà soát, cung cấp danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp, các hộ sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, các sàn thương mại điện tử để thực hiện đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn. Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của huyện đăng ký lên các sàn thương mại điện tử; 100% hộ sản xuất, cơ sở sản xuất lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số.

Empty

Chuẩn bị xuất bán. Ảnh: NNVN.

Trong định hướng lâu dài, Chương Mỹ sẽ đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Tăng cường áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong ngành trồng trọt. Chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đồng thời khắc phục tình trạng bỏ ruộng canh tác vụ đông và vụ mùa.

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phát triển nhanh các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm, hoàn thiện cả sơ chế, đóng gói; tập trung hỗ trợ nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm;

Duy trì và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các mô hình sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ; nâng cao tính tự chủ và hoạt động của các hợp tác xã theo luật; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ của hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết, liên doanh theo chuỗi phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Chương Mỹ hiện có hơn 100 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Mô hình này có thuận lợi là tích tụ được đất đai, vốn, nhân lực, kỹ thuật giúp nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích so với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên khó khăn là vấn đề môi trường, việc xử lý chất thải, nước thải, khí thải của các trang trại phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí một số trang trại còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.