| Hotline: 0983.970.780

Từ 'đốm lửa' Đồng Phú nhen nhúm lên hướng đi hữu cơ ở Chương Mỹ

Thứ Hai 15/08/2022 , 08:42 (GMT+7)

'Đốm lửa' ấy khởi nguồn từ dự án 'Nâng cao năng lực sản xuất cho hộ nông dân' do JICA Nhật phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai năm 2012.

Lúc đầu chỉ có vỏn vẹn 9 hộ dân tham gia với 2 mẫu lúa, đến nay diện tích sản xuất của xã Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ gần 24ha, chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam 42ha và vụ xuân 2022 tiếp tục mở rộng thêm 10ha. Đồng Phú cũng là 1 trong 3 xã của huyện đã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, được đánh giá tốt về tiêu chí môi trường, chất lượng cuộc sống.

Nhận thức được rằng, trước tiên là phải bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình, sau nữa là bảo vệ môi trường cho làng xóm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, suốt gần 10 năm, qua 19 vụ lúa nông dân Đồng Phú đã không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học;

Nước tưới dùng trong sản xuất được lấy từ Sông Bùi rồi lọc qua than hoạt tính để loại bỏ chất độc hại, có sự kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào ruộng. Vào vụ sản xuất nông dân xách xô ra đồng bắt ốc bươu vàng thay vì dùng thuốc trừ ốc, cào cỏ bằng tay thay vì dùng thuốc trừ cỏ và chỉ bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục. Họ còn ý thức tự giám sát chéo lẫn nhau nên việc áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn hữu cơ được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.  

Cánh đồng hữu cơ Đồng Phú thu hút nhiều khách đến chụp ảnh. Ảnh: Tư liệu.

Cánh đồng hữu cơ Đồng Phú thu hút nhiều khách đến chụp ảnh. Ảnh: Tư liệu.

Nhờ đó hạt gạo giống Nhật J02 được trồng ở đây có màu sắc trong, tỷ lệ bạc bụng thấp, cơm khi nấu chín có mùi thơm nhẹ đặc trưng, ăn ngon, đậm đà mà ít có loại gạo nào có thể sánh được. Gạo hữu cơ Đồng Phú không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Châu Âu và chào hàng sang các thị trường có tiềm năng như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Dù không sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật nhưng với việc áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI vào sản xuất đã hạn chế được sâu bệnh, năng suất lúa vẫn đạt 170-200kg/sào, giá trị thu nhập đạt hơn 180 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với phương pháp sản xuất lúa thông thường. Giá gạo hữu cơ Đồng Phú đang bán trên thị trường là 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Hiệu quả thực sự vững bền của Đồng Phú đã truyền cảm hứng cho nhiều xã trên địa bàn. Quan điểm của huyện Chương Mỹ là tạo điều kiện tối đa cho các HTX để phát triển theo hướng hữu cơ và phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho nông dân để chuyển đổi sang hình thức này. Họ được tuyên truyền rằng khi sản xuất hữu cơ là bảo vệ sức khỏe và môi trường cho chính mình, ra đồng không phải ngửi thuốc sâu, nhà có gạo sạch ăn rồi mới nghĩ đến bán ra thị trường.

Nước chảy vào ruộng phải qua túi than hoạt tính để lọc tạp chất. Ảnh: Tư liệu.

Nước chảy vào ruộng phải qua túi than hoạt tính để lọc tạp chất. Ảnh: Tư liệu.

Nhờ đó mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã được nhân rộng ra trên nhiều thôn của xã Nam Phương Tiến và xã Quảng Bị. Tại xã Nam Phương Tiến đã phát triển vùng trồng lúa hữu cơ Japonica từ năm 2019 với diện tích được chứng nhận là 20ha, đã được công bố nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến, Chương Mỹ”.  Ở đây có thuận lợi ven sông Bùi, nước sạch, vùng đồi gò giáp với núi rừng nên rất phù hợp cho phát triển hữu cơ.

HTX đứng ra tổ chức chỉ đạo sản xuất, cam kết thu mua cho bà con tuy nhiên sơ chế vẫn phải thuê doanh nghiệp bên ngoài, giá bán gạo chưa cao, chỉ vào khoảng 30.000 đồng/kg và sản lượng còn nhỏ. Thêm một khó khăn nữa là khi sản xuất, nếu gặp mưa lớn thì cánh đồng ở đây rất dễ bị ngập úng nên Nam Phương Tiến đã đề nghị lên Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ xây dựng hệ thống lái lũ để điều tiết nước.

Ở xã Quảng Bị, nơi đang có 5ha do HTX đứng ra tổ chức sản xuất, thuê ruộng của nông dân để làm từ 1 năm nay. Nhờ đó HTX chủ động toàn bộ về kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhưng việc tích tụ ruộng đất khó vì cần đồng thuận của nhiều người dân. Hiện đơn vị đã có sản phẩm gạo nhưng chưa được chứng nhận vì phải cần thêm 1 - 2 năm chuyển đổi để có thể đạt tiêu chuẩn hữu cơ thực sự.

Khó khăn chung của tất cả những mô hình sản xuất gạo hữu cơ ở huyện Chương Mỹ là chuyện sơ chế. Các HTX chưa đủ sức đầu tư hệ thống sơ chế hàng chục tỷ đồng nên phần lớn là liên kết với các công ty để bán sản phẩm tươi, còn lại một số ít sơ chế kiểu thủ công để bán mang tính giới thiệu. Hiện sản phẩm chỉ được bán theo số lượng ít, giá cao, chưa đủ khả năng để đi vào thị trường.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.