| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp công nghệ cao: Cao hơn cả lời hứa

Thứ Ba 28/05/2024 , 06:15 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại Quảng Trị chưa nhiều nhưng mô hình của DFARM có thể thể coi là điểm nhấn ở vùng đất nắng gió này.

“Mỏ vàng” nông nghiệp công nghệ cao

Có công ăn việc làm ổn định, là công chức địa chính nông nghiệp nhưng chị Trần Thu Trang ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khiến nhiều người ngỡ ngàng khi xin nghỉ việc, đầu tư mở nông trại nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Trị chưa nhiều nhưng nhưng mô hình của DFARM có thể thể coi là điểm nhấn. Ảnh: Võ Dũng.

Nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Trị chưa nhiều nhưng nhưng mô hình của DFARM có thể thể coi là điểm nhấn. Ảnh: Võ Dũng.

Cuối năm 2019, chị Trang đầu tư 4 tỷ đồng, thuê đất xây dựng 10 nhà màng với tổng diện tích 5.000m2 tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Trang trại được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, DFARM trồng dưa lưới, dưa lê, dưa hấu theo đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… và một phần tiêu thụ qua kênh bán lẻ với tổng sản lượng 25 tấn dưa các loại. Từ các loại dưa được trồng theo hướng hữu cơ, DFARM thu về 1,6 tỷ đồng mỗi năm, lãi ròng gần 1 tỷ đồng.

Từ tháng 10 - 12 là thời gian DFRAM trồng các loại rau, cà chua, táo phục vụ thị trường Tết. Tuy thời gian canh tác ngắn nhưng khoảng thời gian này cũng giúp DFRAM đút túi trên dưới 500 triệu đồng, lãi ròng gần 300 triệu đồng.

Theo chị Trang, điều giúp chị không bỡ ngỡ kể từ khi bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là nhờ có thời gian công tác trong ngành nông nghiệp. Bản thân gia đình chị trước đó đã từng trồng 2ha bưởi theo hướng canh tác tự nhiên. Trồng bưởi theo hướng canh tác tự nhiên tạo ra sản lượng lớn nhưng đầu ra không ổn định nên luôn khiến chị trăn trở, tìm tòi.

Chị bắt đầu lên các trang mạng xã hội tìm hiểu và nhận thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm này còn khó khăn và giá bán chưa tương xứng với giá thành do người tiêu dùng chưa có niềm tin với các sản phẩm. Cùng với đó, chính người sản xuất cũng phải từng bước nâng chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.

Các nhà màng được cung cấp nước, chất dinh dưỡng chỉ thông qua một động tác đơn giản. Ảnh: Võ Dũng.

Các nhà màng được cung cấp nước, chất dinh dưỡng chỉ thông qua một động tác đơn giản. Ảnh: Võ Dũng.

“Tôi tự hỏi phải làm sao giúp người tiêu dùng có niềm tin vào các sản phẩm do mình làm ra để có thể bán được với giá tương xứng. Câu chuyện có lẽ phải bắt đầu từ người sản xuất”, chị Trang tâm sự.

Từ suy nghĩ này, chị Trang đã đi nhiều nơi để tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp an toàn. Cuối cùng, chị đã tìm thấy đáp án, chỉ có nông nghiệp công nghệ cao với mô hình nhà màng, “đoạn tuyệt” hoàn toàn với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phải tạo dựng được thương hiệu mới mong có được lòng tin của người tiêu dùng.

“Biết là đầu tư vào nông nghiệp với một số tiền như vậy là quá lớn và không biết đến bao giờ mới thu hồi được nhưng tôi vẫn luôn có niềm tin. Muốn người khác tin mình, bản thân phải thực sự đáng tin. Hiện nay, các sản phẩm từ DFARM đã là sản phẩm hữu cơ từ hạt giống cho đến phương thức canh tác, sản phẩm. Nhiều khâu trong quá trình chăm sóc tại DFARM đã được tự động hóa”, chị Trang chia sẻ.

Người truyền lửa

Không khó để gặp được chị Trang vì gần như toàn bộ thời gian trong ngày chị đều dành cho DFARM. Thế nhưng, để chị có thời gian ngồi tiếp chuyện, giới thiệu về DFARM thì không nhiều.

Trong cái nắng như thiêu đốt ở miền Trung, người phụ nữ ngoại tứ tuần mở cửa bước ra từ một nhà màng với bộ quần áo lao động cũ kỹ, trán ướt đẫm mồ hôi. Ngoài trời nhiệt độ 30 - 35 độ C thì bên trong nhà màng thường cao hơn 3 - 4 độ C. Nhưng điều đó không ngăn được người phụ nữ ấy tận tụy với niềm đam mê của mình.

Kênh bán lẻ hiện đã chiếm 40 - 50% sản phẩm bán ra của DFARM. Ảnh: Võ Dũng.

Kênh bán lẻ hiện đã chiếm 40 - 50% sản phẩm bán ra của DFARM. Ảnh: Võ Dũng.

Với chị Trang, sau khi các nhân công kết thúc giờ làm việc cũng là lúc chị đi kiểm tra lại tổng thể tất cả các nhà màng để đảm bảo cây trồng được chăm sóc một cách chu đáo nhất. Ở DFARM thời điểm đầu tháng 5, dưa lê, dưa hấu đã chuẩn bị cho thu hoạch. Các loại rau như bầu, bí cũng đã bắt đầu cho sản phẩm. Táo hữu cơ thì đang vươn cành để chuẩn bị ra hoa, đậu quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mùa thu hoạch đồng nghĩa với việc chị Trang sẽ dành hầu hết thời gian trong ngày tại DFARM.

Chị Trang dẫn chúng tôi vào xem hệ thống tưới tự động và cho biết, chỉ cần một động tác nhẹ nhàng, toàn bộ 10 nhà màng sẽ được cung cấp nước tưới nhỏ giọt. Chất dinh dưỡng truyền cho cây trồng theo tùng thời kỳ cũng đã được lập trình sẵn.

“Làm nông nghiệp công nghệ cao cũng không nhàn rỗi như nhiều người lầm tưởng. Cỏ phải tự phát cuốc, cây trồng vẫn phải được quan sát, kiểm tra hàng ngày và rất nhiều công đoạn khác nữa vẫn phải có bàn tay con người”, chị Trang chia sẻ.

Vất vả và liến thoắng tay chân trong ngày nhưng điều khiến chị Trang vui nhất chính là thành quả sau 5 năm khởi nghiệp. Nếu như năm 2019, khách hàng mua lẻ chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì đến nay, lượng khách hàng này đã chiếm 40 - 50% sản lượng nông sản lượng bán ra của DFARM. Với chị Trang, đó là một tín hiệu không còn gì vui hơn.

“Sản phẩm từ DFARM thường cao hơn giá nông sản sản xuất theo hướng truyền thống ở ngoài thị trường 2 - 2,5 lần nhưng lượng khách bán lẻ trong tệp của chúng tôi đã tăng lên rất nhanh và ổn định chỉ sau 2 - 3 năm. Điều đó cho thấy, tư duy của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều. Không còn gì vui hơn khi sản phẩm của mình làm ra đã được những người tiêu dùng sử dụng, ghi nhận”, chị Trang phấn khởi.

Bà chủ trang trại say sưa với nông nghiệp tử tế cũng khiến những cộng sự không thể ngồi yên. Chị chính là người đã truyền lửa vào những kỹ sư nông nghiệp, lao động trẻ đang làm việc tại DFARM. Hiện DFARM có 8 nhân công làm việc với mức thu nhập hàng tháng 5 - 8 triệu đồng. Đó chưa phải là một mức thu nhập quá cao, nhất là với những kỹ sư nông nghiệp. Có người đến với DFARM chưa hẳn đã vì thu nhập mà bởi tình yêu đối với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Nguyễn Lâm Nhật Anh, một kỹ sư nông nghiệp đến từ Quảng Nam là trường hợp như vậy.

Chị Trang (bên phải) truyền lửa đam mê nông nghiệp tử tế cho các kỹ sư trẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Chị Trang (bên phải) truyền lửa đam mê nông nghiệp tử tế cho các kỹ sư trẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2019, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, Nhật Anh đã tìm đến và “đầu quân” cho DFARM. Thời gian làm việc tại đây, Nhật Anh đã học hỏi được rất nhiều. Môi trường sản xuất tại DFARM cho Nhật Anh nhiều trải nghiệm và cả những cách nhìn mới về tương lai của nông nghiệp tử tế. Đó chính là lý do khiến em muốn gắn bó với DFARM, gắn bó với con đường làm nông nghiệp công nghệ cao.

“Nông nghiệp công nghệ cao bắt nhịp được xu thế tất yếu của thời đại. Ở đây, nhiều công đoạn vẫn phải do bàn tay con người tự làm, những công đoạn đáng được cơ giới hóa thì có máy móc tham gia. Nhưng em thích nhất là môi trường trong lành, an toàn với người sản xuất lẫn người tiêu dùng”, Nhật Anh tâm sự.

Đam mê và đã có những thành công nhất định nhưng con đường DFARM đang đi không chỉ trải đầy hoa hồng. Cây trồng trong nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thường có thời gian sinh trưởng dài ngày, mẫu mã không thực sự bắt mắt và cũng rất kén khách hàng. Đó chính là lý do khiến con đường phía trước của chị Trang vẫn còn đó những khó khăn.

“Không cần những lời cam kết có cánh bởi giá trị cốt lõi của sản phẩm chính là thước đo. Nhưng chúng tôi dám khẳng định, con đường chúng tôi đang đi sẽ là xu thế tất yếu và chúng tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường ấy”, chị Trần Thu Trang trải lòng.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.