| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa tinh thần 'khuyến nông không giới hạn'

Thứ Tư 14/12/2022 , 19:35 (GMT+7)

HÒA BÌNH Bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể làm khuyến nông. Không chỉ người dân mà doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương… đều có thể làm khuyến nông.

Hội thảo chuyên đề

Hội thảo chuyên đề "Triển khai hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc". Ảnh: Phạm Hiếu.

Khuyến nông với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu

Trong 2 ngày 13 và 14/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo chuyên đề "Triển khai hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc".

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng trong việc thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT về tổ chức sản xuất, xây dựng và và phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng tại vùng nguyên liệu cây ăn quả.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Sau đó, ngày 3/8/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng vùng nguyên liệu và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 - 2025.

Empty

Đề án khuyến nông cộng đồng hiện đã triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, Đề án đã triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).

Vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc đã được triển khai tại 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã thành lập được 2 tổ khuyến nông cộng đồng với 10 thành viên; tỉnh Sơn La thành lập được 2 tổ khuyến nông cộng đồng với 14 thành viên cùng với quy chế hoạt động theo kèm.

Ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm 12 tỉnh đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ). Trong đó có một số tỉnh, thành đã thành lập số lượng lớn các tổ khuyến nông cộng đồng như: Hải Phòng (132 tổ); Hậu Giang (50 tổ); Quảng Nam (đến 2024 phấn đấu 100% xã có tổ khuyến nông cộng đồng)…

Empty

Các tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả thông qua việc hỗ trợ người dân sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, HTX, doanh nghiệp...). Các tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả thông qua việc hỗ trợ người dân chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX nông nghiệp; hỗ trợ, tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, Đề án thí điểm khuyến nông cộng đồng đã vượt qua khuôn khổ của một đề án khi đã đưa lực lượng cộng đồng vào cùng tham gia. Đồng thời, Đề án cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền địa phương các cấp đến các doanh nghiệp, qua đó đáp ứng được nhu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Ông Thanh cho rằng, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng sẽ lan tỏa tinh thần khuyến nông không có giới hạn, không có mô hình mẫu mà phải phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Empty

Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng sẽ lan tỏa tinh thần khuyến nông không có giới hạn. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Mục đích chính phải làm sao hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp với hiệu quả cao nhất, doanh nghiệp có thể thu mua, kinh doanh thuận lợi nhất, chính quyền quản lý tốt nhất, chính sách ban hành sát với thực tế… Chính vì thế, bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể làm khuyến nông. Không chỉ người dân mà doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương… đều có thể làm khuyến nông”, ông Lê Quốc Thanh khẳng định.

Ông Lê Quốc Thanh cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ gấp rút hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn cho tổ khuyến nông cộng đồng về chuyển đổi số, kết nối thị trường, quản lý HTX, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ… Đó sẽ là cẩm nang đắc lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tổng kết các ý kiến của 13 tỉnh thí điểm để làm cơ sở chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý giá cho các tổ khuyến nông cộng đồng trên cả nước.

“Các vùng thí điểm Đề án cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể về những khóa đào tạo, huấn luyện cho các tổ khuyến nông cộng đồng thành những chuyên gia, hỗ trợ một cách hiệu quả hơn nữa cho người sản xuất cũng như bà con nông dân”, ông Lê Quốc Thanh bày tỏ.

Hình thành những tổ khuyến nông chuyên nghiệp

Theo ông Lê Quốc Thanh, để những tổ khuyến nông cộng đồng có thể hoạt động hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là sự hỗ trợ từ các nguồn lực.

Ông Thanh cho rằng, trong khuôn khổ Đề án thí điểm, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hòa Bình và Sơn La cần lên kế hoạch, nội dung đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực một cách phù hợp, theo đúng nhu cầu thực tiễn của từng tổ khuyến nông cộng đồng. 

Công ty Doveco, tổ khuyến nông cộng đồng và HTX kí kết biên bản hợp tác trong khuôn khổ Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Doveco, tổ khuyến nông cộng đồng và HTX ký kết biên bản hợp tác trong khuôn khổ Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, Trung tâm Khuyên nông Quốc gia sẽ cam kết bố trí, triển khai công tác đào tạo những tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động một cách chuyên nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào nội dung chuyển đổi số và phát triển HTX nông nghiệp.

“Muốn đào tạo, hướng dẫn nông dân sản xuất chuyên nghiệp, trước tiên người làm khuyến nông phải tự chuyên nghiệp hóa bản thân. Chỉ khi chuyên nghiệp mới có thể giúp đỡ được người dân và hợp tác tốt với doanh nghiệp. Chỉ khi chuyên nghiệp mới sống được bằng nghề khuyến nông”, ông Lê Quốc Thanh chia sẻ.

Về nguồn lực tài chính, ông Lê Quốc Thanh đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì những chính sách, chế độ hỗ trợ cũ cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để triển khai hỗ trợ một phần kinh phí trong thời gian thực hiện Đề án thí điểm.

Đặc biệt, ông Thanh cũng đề nghị các doanh nghiệp bố trí nguồn lực về tài chính để hỗ trợ, đồng hành và tham gia một cách cụ thể với các tổ khuyến nông cộng đồng.

Về vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) bày tỏ sự đồng tình và cho biết, doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành cùng các tổ khuyến nông.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Chính các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các tổ khuyến nông cộng đồng. Từ trước đến nay, doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa tìm được một đội ngũ kỹ thuật giỏi để hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp. Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là những người giúp doanh nghiệp thực hiện điều đó”, ông Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ.

Bên cạnh đó, đại diện Doveco cũng cho rằng, các tổ khuyến nông cộng đồng cũng cần hoạt động, gắn bó, gắn kết với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, năm 2021, Doveco Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La triển khai dự án trồng và thâm canh dứa an toàn với 5ha mô hình. Năm 2022, Doveco Sơn La phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc với tổng diện tích 150ha cho 3 cây trồng gồm dứa, chanh leo và xoài.

“Các dự án khuyến nông đã tạo ra các vùng nguyên liệu ổn định cho Trung tâm Chế biến của Doveco. Từ kết quả của các mô hình, bà con nông dân đã tận mắt chứng kiến quá trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch, đặc biệt nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng hiện có và lối canh tác truyền thống”, ông Tùng chia sẻ.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.