Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. |
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 4/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 856,7 triệu USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 582 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 4 tháng qua, có đóng góp rất lớn bởi thị trường Mỹ (thị trường lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam).
Trong 4 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 1,4 tỷ USD, tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ trong năm 2019 (tăng 19,3% so năm 2017). Và nếu duy trì được đà xuất khẩu như trên, chắc chắn trong năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ sẽ lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Mỹ là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, khi mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 10/5/2019.
Trước đó, trong danh sách các mặt hàng của Trung Quốc dự kiến bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung, có mặt hàng gỗ, nội thất. Như vậy, khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế, các nhà nhập khẩu Mỹ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Trung Quốc đang là nhà xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất vào thị trường Mỹ, với giá trị khoảng gần 10 tỷ USD/năm. Tiếp theo là Việt Nam với giá trị xuất khẩu vào Mỹ năm 2018 là 3,897 tỷ USD. Như vậy, khoảng cách về giá trị xuất khẩu gỗ sang Mỹ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang khá lớn. Do đó, khi các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển từ gỗ và sản phẩm gỗ Trung Quốc sang sản phẩm tương tự của Việt Nam, cơ hội gia tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ là rất lớn.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể khiến không ít nhà đầu tư, bao gồm cả doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Trung Quốc, tìm nơi sản xuất thay thế, hoặc đa dạng hóa nơi sản xuất.
Theo đó, thách thức lớn mà ngành gỗ phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị cơ quan thương mại Mỹ để ý về việc lẩn tránh thuế của doanh nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ có thể phải chịu việc kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian tới.
Còn theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, nhiều công ty gỗ của Trung Quốc hiện có công nghệ rất bình thường. Những công ty này nhiều khả năng sẽ phải đẩy mạnh việc lẩn tránh xuất xứ như sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại đưa vào Việt Nam để “đội lốt” đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Để tránh gặp phải những bất lợi từ thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại…
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã mở một cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD)/thuế đối kháng (CVD) liên quan đến nhập khẩu đồ nội thất nhà bếp và các mặt hàng đồ nội thất từ Trung Quốc do có sự nghi ngờ các sản phẩm nhập khẩu này đang được bán trên thị trường Hoa Kỳ với giá thấp hơn và không hợp lý. Theo báo cáo của DOC, tỷ lệ bán phá giá giả định nằm trong khoảng 177,4-262,2%. Thuế đối kháng được sử dụng để xác định xem các nhà sản xuất Trung Quốc có được hưởng lợi từ trợ cấp của nhà nước bất hợp pháp trong việc kinh doanh sản xuất và xuất khẩu hay không. Cuộc điều tra liên quan đến đồ nội thất nhà bếp, tủ bếp và các bộ phận nội thất tương ứng được sản xuất từ gỗ hoặc tấm gỗ, hay một bộ phận được trang bị cho tủ nhà bếp hoàn thiện. Các sản phẩm nội thất lắp ráp sẵn bị ảnh hưởng như: Tủ khung mặt, tủ không khung và các bộ phận tủ như mặt trước, ngăn kéo, tấm phía sau, bàn làm thức ăn và bàn khác. |