| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới đã đi vào chiều sâu

Chủ Nhật 03/01/2021 , 08:40 (GMT+7)

Trong thời gian tới, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ được đẩy mạnh thực hiện theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững,…

Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Diện mạo vùng nông thôn thay đổi. Ảnh: MP

Diện mạo vùng nông thôn thay đổi. Ảnh: MP

Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, năm 2020 được xác định là năm bản lề của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đây là thời điểm để đánh giá lại những gì đã thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2021 – 2025. 

Đến nay, cả nước có 3 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh Hà Nam đã được Hội đồng thẩm định Trung ương họp xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Hiện tỉnh đang làm hồ sơ để trình Thủ tướng quyết định công nhận. Tỉnh Thái Bình và TP Cần Thơ đã có 100% số xã và đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, hiện cũng đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Ngay từ đầu năm 2020, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình năm 2020. Đồng thời yêu cầu một số địa phương rà soát, điều chỉnh phương án phân bổ đảm bảo đúng nội dung, đối tượng hỗ trợ theo quy định

Văn phòng cũng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT lồng ghép nội dung kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương gắn với đoàn công tác liên ngành của Trung ương đi thẩm định các đơn vị cấp huyện đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các trường đại học và các cơ quan có liên quan tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng NTM của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn (Quảng Bình, Quảng Nam, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn,…)

Trong năm 2020, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM góp phần hoàn thành các văn bản cơ chế, chính sách,… và tổ chức thành công 13 hội nghị và 07 hội thảo chuyên đề. 

Theo ông Tiến, tất cả các địa phương đều tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt hơn, dồn nguồn lực nhiều hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng, đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mô hình hợp tác xã kiểu mới phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, môi trường và văn hóa cộng đồng,… đã được nhiều địa phương chỉ đạo thực hiện.

Đến hết tháng 12/2020, cả nước có khoảng 5.506 xã đạt chuẩn NTM, tăng 700 xã so với cuối năm 2019. Có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (tăng 0,72 tiêu chí so với năm 2019); cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Cùng đó, cả nước có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019.

Về xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, đến nay, cả nước đã có 54 tỉnh, thành phố ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao theo hướng dẫn của Bộ. 38 tỉnh, thành đã ban hanh tiêu chí xã NTM kiểu mẫu theo quy định. Đã có 236 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Phấn đấu 70% xã đạt chuẩn NTM năm 2021

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang trong thời kỳ chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, vừa nỗ lực chạy nước rút về đích vừa chuẩn bị cho hành trình “chạy bền” tiếp theo.

Người dân chung sức xây dựng NTM. Ảnh: HG

Người dân chung sức xây dựng NTM. Ảnh: HG

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, trong thời gian tới, Văn phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn.

Phấn đấu năm 2021, cả nước có khoảng 70% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 6% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Cùng đó, phấn đấu có 200 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, 7-8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 4.000 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

Và trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội khóa XV phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Tham mưu Bộ NN- PTNT rà soát, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Tham mưu Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững…

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo ông Tiến, Văn phòng sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp ngày càng chuyên nghiệp. Ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về công tác xây dựng NTM.

Ngoài ra, tham mưu lãnh đạo Bộ NN- PTNT đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương gắn với lòng ghép nội dung kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương. Đồng thời đoàn công tác liên ngành của Trung ương cũng sẽ đi thẩm định các đơn vị cấp huyện đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM.

Văn phòng cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành Trung ương tổ chức một số đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình trong năm 2021, cũng như xây dựng kết hoạch triển khai giai đoạn 2021-2025 theo địa bàn được phân công.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi cả nước. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân.

Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, theo đó hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng được hoàn thiện.

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.