| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn TP.HCM phát triển vượt bậc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 14/05/2020 , 13:35 (GMT+7)

Sau 10 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân nông thôn TP.HCM tăng vượt bậc, từ gần 25 triệu đồng lên 90 triệu đồng/người/năm.

Mô hình trồng rau trong nhà kính phát triển mạnh ở ngoại thành TP.HCM. Ảnh: HTX rau sạch Củ Chi.

Mô hình trồng rau trong nhà kính phát triển mạnh ở ngoại thành TP.HCM. Ảnh: HTX rau sạch Củ Chi.

Giá trị sản xuất nông nghiệp gấp 5 lần trung bình cả nước

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thành ủy TP. HCM, khi bắt đầu xây dựng NTM (giai đoạn 2010 – 2020), số tiêu chí bình quân/xã của các xã trên địa bàn thành phố chỉ đạt 6/19 tiêu chí, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2008 đạt 117,5 triệu đồng/năm, năng suất lao động năm 2008 chỉ đạt 29 triệu đồng/người, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản hơn 7.300 tỷ đồng.

Đặc biệt, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị khá lớn (năm 2008, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 15,73 triệu đồng, thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm).

Đến nay, 56 xã của TP. HCM xây dựng NTM đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng NTM.

Thành phố đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các vùng nông thôn, duy tu, nâng cấp, làm mới 741 công trình giao thông, dài hơn 1.233 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.

Đầu tư 445 công trình thủy lợi, chiều dài 408 km, tổng vốn đầu tư hơn 907 tỷ đồng, góp phần giảm nguy cơ xâm nhập mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sửa chữa, xây mới 190 trường học, kinh phí đầu tư hơn 3.826 tỷ đồng. Có 215/277 trường công lập đạt chuẩn, tỷ lệ 77,61%.

Trong lĩnh vực HTX, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM có 76 HTX hoạt động mảng nông nghiệp (tăng 45 HTX so với năm 2010, tăng 31 HTX so với năm 2015) thu hút 1.370 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX.

5 huyện, 56 xã của TP. HCM đều xác định mô hình sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã, huyện để tập trung phát triển, gồm rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, heo thịt, thủy sản (lươn, cá thịt, tôm)… đều là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao phù hợp với đặc thù nông nghiệp đô thị.

Mô hình trồng dưa lưới ở huyện Hóc Môn. Ảnh: Hồng Thủy.

Mô hình trồng dưa lưới ở huyện Hóc Môn. Ảnh: Hồng Thủy.

Nông sản chủ lực của 56 xã đều được sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với hộ dân, hoặc bản cam kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa hộ dân với HTX, tổ hợp tác.

Sản phẩm chủ lực của một số xã (tập trung trên địa bàn huyện Củ Chi), như sản phẩm sữa bò, bắp giống, cá kiểng được doanh nghiệp, HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ 100% sản phẩm sản xuất ra (nếu đáp ứng quy trình, tiêu chuẩn sản xuất do doanh nghiệp, HTX đưa ra).

Nhiều năm nay, việc ứng dụng khoa học- công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến và nhân rộng. Nhờ vậy năng suất lao động khu vực nông thôn cải thiện, năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2018 đạt 90 triệu. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2018 so với năm 2008 là hơn 206%.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm 6,38%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 502 triệu đồng/ha/năm 2018 (gấp hơn 5 lần bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT).

Ông Lâm Văn Phận, một nông dân sản xuất máy bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, với giá rẻ chỉ bằng 1/5 giá máy mua từ Thái Lan, nhớ lại: “Đúng là cuộc sống người dân bây giờ khác xưa quá nhiều. Nếu ai đi xa 10 năm nay trở lại thì không chỉ không nhận ra bộ mặt nông thôn, mà còn không tin nổi cuộc sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn hiện nay khác xưa thế nào.

Quả thật xây dựng NTM mới đã giúp người dân đổi đời. Nghề bánh tráng có từ lâu đời ở Củ Chi, nhưng không phải ai cũng có tiền đầu tư vì giá máy nhập từ Thái Lan quá cao. Từ khi tôi mày mò, làm máy sản xuất bánh tráng với chức năng tương tự, má giá rẻ bằng 1/5 giá máy nhập, thì nhiều người đã khấm khá lên nhờ sản xuất bánh tráng”.

Cần giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập 

Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân về mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp. Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/năm, tăng 301,12% so với năm 2008 - năm đầu tiên bắt đầu thực hiện.

Ông Lâm Văn Phận (bìa trái), một trong những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của huyện Củ Chi. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Ông Lâm Văn Phận (bìa trái), một trong những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của huyện Củ Chi. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP.HCM bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị thì đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%. TP. HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm.

Đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ dưới 21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 1.777 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, sau 10 năm xây dựng NTM, vốn đầu tư cho xây dựng NTM lên tới 73.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là vốn xã hội hóa với 81%, còn lại là vốn ngân sách. Người nông dân cũng có đóng góp rất lớn, nhất là hiến đất làm đường, đây là điều rất quý giá.

Bên cạnh đó, các chỉ số đạt được cũng rất ấn tượng, TP. HCM không còn người nghèo theo chuẩn quốc gia. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha của TP. HCM cao gấp 5 lần mức trung bình cả nước. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng từ 24,9 triệu đồng/người/năm lên 90 triệu đồng. Phương thức sản xuất đã có sự thay đổi đáng kể, từ 31 HTX nay đã tăng lên 76 HTX, gấp 2,5 lần.

Tuy nhiên, vẫn còn một số kết quả chưa thể hài lòng. Chẳng hạn như toàn thành phố chỉ có 1.370 hộ tham gia HTX, mới chiếm 7,7% số hộ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập người dân nông thôn mới chỉ bằng 1/3 so với thành thị, cũng đồng nghĩa mức sống của họ mới chỉ bằng 1/3 so với người dân thành thị.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương triển khai tốt hơn nữa chương trình xây dựng NTM, tập trung vào các tiêu chí về giao thông, giáo dục, trường lớp, cơ sở vật chất, tỉ lệ học sinh, môi trường và an toàn thực phẩm...Phấn đấu ngay trong năm 2020, toàn thành phố phải có 56/56 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao.

Điều quan trọng là phải giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập, làm cho đời sống nông dân tốt hơn theo hướng phát triển làm ăn theo HTX, nhằm chủ động về cây con giống, đầu ra sản phẩm, gắn ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động. Chỉ khi nào chúng ta tăng được năng suất lao động, làm cho người dân giàu lên từ sản xuất nông nghiệp thì mới có thể phát triển bền vững.

"Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 110 triệu đồng/người/năm (gấp trên 1,8 lần so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp tối thiểu đạt 20% trên tổng số hộ nông dân trên địa bàn. 80% HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp xếp loại từ khá trở lên. Vận động 100% hộ hội viên nông dân đang sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.