| Hotline: 0983.970.780

NTM không phải cái gì xa xôi

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:51 (GMT+7)

Đời sống nâng lên, suộc sống nông thôn phải văn minh hơn, an ninh trật tự đảm bảo, mọi nhà đoàn kết, cuộc sống đầm ấm chính là cái đích của việc xây dựng NTM.

Trong các ngày 31/5 và 1/6, nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Huy Ngọ, Cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Không sách vở

Ngày 31/5, đoàn công tác đã đến kiểm tra việc xây dựng NTM tại 3 thôn của xã La Bằng huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ông Lê Huy Ngọ và đoàn công tác đến thăm một số nhà dân, xem thực trạng nơi ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, giếng nước và quy hoạch sân phơi, vườn rau. Nói chuyện với người dân, ông Ngọ giải thích: "NTM không phải là thứ gì quá xa xôi, sách vở hay những tiêu chí cứng nhắc gây tốn kém nhiều tiền của mới có được, hay buộc phải có ngay những thứ quá sức mình, mà cốt lõi của NTM là chất lượng cuộc sống của từng người dân".

Khi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Bằng, thôn La Bằng xã La Bằng, đoàn công tác đi xem chuồng chăn nuôi lợn, gà. Thấy khu chăn nuôi nhà anh Bằng thiết kế liền ngay chái nhà ở và quá gần bếp nấu ăn, ông Ngọ nhắc: "Công trình chăn nuôi, công trình phụ (dùng tro bếp ủ phân) mà ở liền kề nhà ở thì không thể tránh được mùi ô nhiễm và chất lượng cuộc sống không thể nói là cao. Làm NTM mới chính là mỗi gia đình cần bố trí phù hợp các chỗ ở và chăn nuôi cho hợp vệ sinh, không ảnh hưởng chính nhà mình và có mùi hôi hám lan sang nhà hàng xóm".


Đoàn công tác đến thăm bà con xóm La Bằng xã La Bằng huyện Đại Từ Thái Nguyên

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về xây dựng NTM, ông Lê Huy Ngọ đã lắng nghe ý kiến đóng góp của chính quyền, đoàn thể và các ngành liên quan, để cùng cùng tìm hướng tháo gỡ những khó khăn trong triển khai, nhất là huy động và lồng ghép các nguồn vốn cho NTM thế nào đúng quy định, phát huy mặt thuận lợi để làm sao Thái Nguyên đảm bảo tiến độ xây dựng Chương trình NTM. 

Phải linh hoạt

Ngày 1/6, đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Bắc Kạn. Đến thời điểm này, Bắc Kạn đã hoàn thành công tác đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện chưa có xã nào đạt trên 10 tiêu chí, chỉ có 18 xã đạt 5-9 tiêu chí và có tới 94 xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí. Tiến độ lập đồ án quy hoạch, xây dựng đề án NTM ở các địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao và hiện chưa có xã nào được phê duyệt đồ án quy hoạch.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bắc Kạn đã nêu những vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Các tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người, lao động phi nông nghiệp và một số tiêu chí cứng về xây dựng cơ sở hạ tầng là chưa thực sự phù hợp với địa bàn miền núi, nhất là tỉnh khó khăn như Bắc Kạn.

Việc áp dụng cứng các tiêu chí sẽ rất khó thực hiện và tỉnh Bắc Kạn đề xuất với Trung ương là không nên cùng chung tiêu chí với các tỉnh vùng trung du, vì lợi thế của trung du khác hẳn với vùng cao Bắc Kạn. Lãnh đạo Bắc Kạn cũng đề xuất về vấn đề quy hoạch và cách thức xây dựng NTM tại địa phương này phải dựa trên nền tảng văn hoá, kinh tế và nhu cầu thực thụ của người dân, chắc chắn hướng xây dựng NTM tại Bắc Kạn sẽ mang một bản sắc riêng dựa trên 19 tiêu chí đã quy định.

Các địa phương sẽ lựa chọn, làm sao cho thật phù hợp với địa phương. Bắc Kạn sẽ dùng các nguồn lực đầu tư từ Trung ương để xây dựng NTM, trên cơ sở những cái gì đầu tư về cho dân thì lựa chọn đầu tư cho phù hợp các tiêu chí. Nếu làm tốt việc lồng ghép, Bắc Kạn sẽ có nguồn lực đủ mạnh để xây dựng NTM. Tuy nhiên, từ Ban chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành liên quan phải có cơ chế, chính sách phù hợp và linh hoạt để hướng dẫn địa phương thực hiện, tránh việc khó khăn trong giải ngân. Vì các nguồn vốn đến Bắc Kạn hiện nay đã có địa chỉ cụ thê, nếu không có hướng dẫn cụ thể lồng ghép thì rất khó thực hiện nhanh các tiêu chí xây dựng NTM. 

Trong thời gian công tác tại Bắc Kạn, đoàn công tác đã dành thời gian cùng lãnh đạo Bắc Kạn đi kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng NTM tại một số thôn bản, thăm gặp một số hộ gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọn của bà con nông dân, làm việc với chính quyền, đoàn thể tại 2 xã điểm trong xây dựng NTM của Bắc Kạn trong giai đoạn 2011 - 2015, đó là: xã Nông Hạ huyện Chợ Mới và xã Xuất Hoá thị xã Bắc Kạn.

Đoàn công tác rất vui mừng khi người dân tại một số thôn xóm hưởng ứng Chương trình NTM, họ đã sẵn sàng vào cuộc để góp phần sức lực của mình xây dựng một NTM cho tương lai con em mình có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Lê Huy Ngọ ghi nhận những đề nghị của tỉnh Bắc Kạn và chỉ rõ: Trên cơ sở các tiêu chí, Bắc Kạn cần quy hoạch một cách thật linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện cụ thể, của từng địa phương, hộ gia đình. Việc xây dựng đồ án quy hoạch cần làm nhanh và đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn và phù hợp với đời sống văn hoá, thuần phong mỹ tục ở từng cơ sở.

Đối với nguồn lực xây dựng NTM, Bắc Kạn cần coi việc phát triển sản xuất, gắn với nâng cao thu nhập, tạo nhiều việc làm tốt cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Phải tranh thủ tạo mọi nguồn lực, thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án, các nguồn vốn đầu tư và phát huy nội lực.

NTM phải đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, cái cốt lõi của vấn đề là phát triển sản xuất, tạo ra nhiều của cải cho xã hội và thu nhập cao của từng hộ gia đình. Đời sống nâng lên, suộc sống nông thôn phải văn minh hơn, an ninh trật tự đảm bảo, mọi nhà đoàn kết, cuộc sống đầm ấm chính là cái đích của việc xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.