| Hotline: 0983.970.780

Biến chương trình OCOP thành nguồn lực và động lực thúc đẩy phòng trào sản xuất

Thứ Hai 01/07/2024 , 15:59 (GMT+7)

Hà Tĩnh Song hành phát triển về số lượng, huyện Kỳ Anh định hướng các cơ sở OCOP nâng hạng 'sao' nhằm tạo thành nguồn lực và động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững.

Hướng tới OCOP 4 sao, 5 sao

Mặc dù là đứa con “sinh sau đẻ muộn”, tiềm lực kinh tế trông chờ chính vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nguồn thu ngân sách hạn chế, song quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Kỳ Anh luôn được tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao khi kiến tạo nhiều “bứt phá”, nhất là trong tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân – yếu tố tiên quyết mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con.

Huyện Kỳ Anh đang đồng hành cùng các cơ sở nâng hạng sao các sản phẩm nhằm biến chương trình OCOP thành nguồn lực và động lực thúc đẩy phòng trào sản xuất. Ảnh: TN.

Huyện Kỳ Anh đang đồng hành cùng các cơ sở nâng hạng sao các sản phẩm nhằm biến chương trình OCOP thành nguồn lực và động lực thúc đẩy phòng trào sản xuất. Ảnh: TN.

Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ năm 2020, Kỳ Anh tập trung hỗ trợ các cơ sở thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả, đến nay, toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP đang còn hiệu lực, trong đó 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Có 2 cơ sở đang chuẩn bị đánh giá phân hạng cấp tỉnh và 1 cơ sở có sản phẩm 4 sao dự kiến xây dựng lên sản phẩm 5 sao.

Ông Phan Công Toàn, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Kỳ Anh cho hay, từ năm 2024, song hành với việc thực hiện kế hoạch lựa chọn, xây dựng 1 điểm giới thiệu, chuyên bán sản phẩm OCOP trên địa bàn; đưa doanh số bán hàng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bình quân hàng năm tăng tối thiểu 15%; phấn đấu có thêm sản phẩm OCOP đủ điều kiện xuất khẩu; có 100% cơ sở tham gia có triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP ở cấp cấp huyện, cấp xã và 100% chủ thể OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP…, huyện Kỳ Anh sẽ lựa chọn, tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt để một số cơ sở nâng hạng sao, từ 3 lên 4 sao, từ 4 lên 5 sao, nhằm tạo thành nguồn lực và động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững.

Nước mắm Phú Phương đang trên đà phát đấu đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ảnh: TN.

Nước mắm Phú Phương đang trên đà phát đấu đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ảnh: TN.

“Dự kiến, trong năm nay chúng tôi sẽ phối hợp các cấp đánh giá, nâng hạng sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm từ 3 sao lên 4 sao; sản phẩm nước mắm Kỳ Phú giữ hạng 4 sao; sản phẩm nước mắm Phú Khương nâng hạng 4 sao lên 5 sao. Đồng thời, phấn đấu có 4 - 5 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và có thêm 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên”, ông Toàn nhấn mạnh.

Theo ông, mục tiêu này “khó nhằn” nhưng hiện tại các cơ sở đang nỗ lực nâng cấp hạ tầng, đâu tư thiết bị máy móc nâng quy mô, chất lượng sản phẩm để đảm bảo yêu cầu theo quy định của từng hạng sao.

Ghi nhận tại HTX thu mua và chế biến thuỷ hải sản Phú Khương, xã Kỳ Xuân cho thấy, trên tổng diện tích hơn 5.500 m2, hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất được đầu tư hiện đại, từ bể nước mắm composite, hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống chiết rót và đóng chai tự động..., đạt tiêu chuẩn HACCP.

Theo bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX, hiện cơ sở có 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao là nước mắm Phú Khương, sản lượng cung ứng 150.000 lít/năm và sản phẩm ruốc quết Phú Khương đạt 3 sao, với sản lượng hơn 20 tấn/năm. Thị trường cung ứng của cơ sở trải rộng trên địa bàn cả nước. Riêng năm 2023, doanh thu HTX đạt gần 15 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 13 lao động.

“Tham gia OCOP chúng tôi không chỉ chú trọng về mặt bao bì, nhãn mác, tem truy xuất mà đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó, yếu tố giữ hương vị truyền thống luôn được đặt lên hàng đầu”, vị giám đốc một đời gắn bó với nghề làm nước mắm nói.

Theo bà, toàn bộ nguyên liệu cá cơm được tuyển chọn kỹ từ vùng biển Kỳ Anh để đảm bảo độ ngọt và chất lượng của thành phẩm, muối ủ cá phải được trữ trên 2 năm. Đặc biệt, cơ sở còn sử dụng thính rang từ gạo tạo cho nước mắm mùi thơm nồng đặc trưng.

Bánh đa vừng Nguyên Lâm nâng hạng 4 sao để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: TN.

Bánh đa vừng Nguyên Lâm nâng hạng 4 sao để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: TN.

HTX cũng đã đầu tư hơn 120 bệ nước mắm bằng tấm năng lượng mặt trời tự đảo, giúp quá trình sản xuất bỏ qua được việc mở nắp thùng ủ nên không bay hơi, đảm bảo chất lượng thành phẩm; giảm một nửa thời gian sản xuất và thu nước mắm cốt nhiều hơn 30% so với công đoạn truyền thống.

Riêng quá trình đóng chai, nhận thấy thực hiện thủ công bộc lộ nhiều hạn chế về năng suất lao động và an toàn vệ sinh thực phẩm nên từ giữa năm 2019, HTX đã đưa vào hoạt động hệ thống máy chiết rót và đóng chai tự động trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Với hệ thống này, quá trình sản xuất rút ngắn, đảm bảo độ chính xác, định lượng đồng đều và tiết kiệm chi phí cho HTX.

Không bó hẹp thị trường nội địa

Sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương nhưng nhiều chủ cơ sở thay vì bó hẹp thị trường nội tỉnh, nội khu vực, họ đã áp dụng chuyển đổi số vào công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm xuất ngoại.

Điển hình phải kể đến sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm, xã Kỳ Tiến. Xuất phát từ nghề làm bánh đa vừng truyền thống của gia đình, năm 2021 anh Lê Văn Duẩn (SN 1985) kêu gọi 10 thành viên cùng chung chí hướng thành lập HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (HTX Nguyên Lâm), tổ chức sản xuất các sản phẩm chính như: bánh đa vừng Nguyên Lâm, miến vừng đen Nguyên Lâm, miến gạo Nguyên Lâm, kẹo cu đơ Nguyên Lâm…

Anh Lê Văn Duẩn (áo trắng) cho biết, năm 2023, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu bánh đa của cơ sở đạt con số hơn 1,2 tỷ đồng. Ảnh: TN.

Anh Lê Văn Duẩn (áo trắng) cho biết, năm 2023, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu bánh đa của cơ sở đạt con số hơn 1,2 tỷ đồng. Ảnh: TN.

HTX Nguyên Lâm hiện đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Trên cương vị giám đốc HTX, anh cùng các cộng sự đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm. Theo anh, giai đoạn đầu chuyển công nghệ, chưa quen với việc sản xuất hàng loạt nên sản phẩm bánh đa vừng khi nướng cháy, khi nướng sống, sản phẩm chưa đồng đều. Qua thời gian, việc điều chỉnh nhiệt độ căn theo thời tiết, cộng với việc phối trộn bột, phơi sấy theo công thức chuẩn nên sản phẩm sản xuất ngày càng đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Năm 2020, thông qua chính sách xây dựng sản phẩm OCOP, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh hỗ trợ  chúng tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường ra ngoại tỉnh, ngoại quốc”, vị giám đốc trẻ nói.

Các công đoạn sản xuất đều được thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: TN.

Các công đoạn sản xuất đều được thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: TN.

Anh Duẩn nhẩm tính, bình quân sản lượng 2 năm qua ước đạt 3 triệu bánh/năm và hơn 40 tấn sản phẩm miến các loại; doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng/năm. HTX có 2 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là bánh đa vừng Nguyên Lâm và miến vừng đen Nguyên Lâm. Riêng sản phẩm bánh đa vừng, năm 2023 HTX xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Nga, Ba Lan hàng triệu bánh, đem về doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định cho hoạt động sản xuất, HTX Nguyên Lâm đã và đang liên kết sản xuất, bao tiêu từ 450 – 500 tấn lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ với 248 hộ dân trên địa bàn huyện thông qua 2 Tổ hợp tác; liên kết sản xuất, thu mua 60 tấn vừng đen cho người dân huyện Hương Sơn, Hương Khê…

Việc thúc đẩy phát triển cơ sở OCOP đã góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập cao, ổn định. Ảnh: TN.

Việc thúc đẩy phát triển cơ sở OCOP đã góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập cao, ổn định. Ảnh: TN.

“Chúng tôi đang phấn đấu cuối năm nay nâng hạng được sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm lên OCOP 4 sao. Nếu đạt, đây sẽ là tiền đề để HTX mở rộng xuất khẩu ra thị trường ra các nước châu Âu, góp phần tạo động lực cho các cơ sở khác khởi nghiệp, đưa sản phẩm truyền thống của huyện Kỳ Anh nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung vươn xa khỏi thị trường nội địa”, anh Lê Văn Duẩn đặt niềm tin.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.