| Hotline: 0983.970.780

Nữ khuyến nông viên giỏi trên đất lửa Quảng Trị

Thứ Sáu 06/03/2020 , 08:57 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Thái, xã bãi ngang ven biển huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hồng đã có niềm say mê nông nghiệp.

Chị Hồng lựa chọn nấm để thu hoạch.

Chị Hồng lựa chọn nấm để thu hoạch.

Tốt nghiệp đại học năm 2014, với mong muốn trở về quê hương để được cống hiến sức trẻ và lòng nhiệt huyết, giúp bà con phát triển kinh tế, chị được tuyển dụng làm cán bộ Khuyến nông viên xã Vĩnh Thái. Đây thực sự là cơ hội để chị thực hiện ước mơ cũng như phát huy năng lực của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trong công việc chị luôn tìm tòi, học hỏi, đồng hành với người nông dân, làm những mô hình hay, những cách làm mới. Nhờ vậy, chị đã thực hiện thành công nhiều mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện triển khai ở cơ sở.

Là cán bộ Khuyến nông nhưng chị như một người làm công tác Dân vận. Với sự khôn khéo trong ứng xử, cùng với bản tính hiền lành, gần gũi với người nông dân kết hợp với kiến thức chuyên môn sâu, chị đã thuyết phục nông dân tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng thành công những tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời giúp người dân thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống kém hiệu quả.

Tâm sự với chúng tôi chị Hồng cho biết, trải qua 5 năm làm việc tại cơ sở trong vai trò của một cán bộ Khuyến nông trẻ. Mọi chuyện vui, buồn đều có, thành công cũng nhiều và thất bại cũng không thể tránh khỏi. Lúc mới đi làm chị rất hăng hái, chịu khó nghiên cứu tài liệu kết hợp với kiến thức được học trong nhà trường và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước nên cũng có được những thành công bước đầu.

Tuy nhiên công việc của Khuyến nông viên ở xã thực sự là không hề dễ. Vì bản thân chị chỉ được đào tạo một chuyên môn, nhưng phải triển khai nhiều công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp nên không khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn khác.

“Do tính chất công việc khuyến nông ở địa phương, ở cơ sở đa lĩnh vực, nên lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh hết sức quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc, bổ sung các kiến thức chuyên môn khác ngành được đào tạo cho đội ngũ khuyến nông viên xã. Vì thế bản thân tôi mới có đủ tự tin để tham mưu cho chính quyền xã trong phát triển sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn bà con nông dân thực hành sản xuất”, chị Hồng nói.

Tuy thời gian làm việc chưa dài nhưng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xã những bước đột phá để thay đổi cách làm cũ hiệu quả không cao.

Chị đã chung tay cùng Khuyến nông, chính quyền và các các cơ quan ban ngành của xã đưa các mô hình hay về nhằm làm thay đổi diện mạo cây trồng trên vùng đất cát.

Cụ thể trong quá trình làm công tác khuyến nông chị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện thực hiện thành công mô hình trồng keo lưỡi liềm trên cát; Phối hợp triển khai thực hiện các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt để chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, từ năm 2014 đến nay chị đã tích cực tham gia vào các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất cát.

Cùng với Khuyến nông, chị đã phụ trách triển khai các lớp đào tạo nghề, xây dựng các mô hình trồng lạc và ném trên cát.

Trước đây, người dân địa phương xã Vĩnh Thái có tập quán thường quen với cách sản xuất truyền thống, không mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới.

Nhưng bằng sự vận động khôn khéo, chị đã thuyết phục bà con tham gia vào các mô hình.

Trong quá trình triển khai chị luôn tuyên truyền, vận động bà con đến tham quan và học tập. Nhờ vậy, từ diện tích ném năm 2014 là 8 ha, đến năm 2019 đã tăng diện tích lên 40 ha. Hiện ném là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Đối với trồng lạc, trước đây bà con chủ yếu canh tác giống lạc lì Tây Nguyên, sau đó thực hiện mô hình Khuyến nông đưa giống lạc L14 vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao. Hiện bà con phát triển lên đến 68 ha, sử dụng loại giống lạc L14 phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với sự nhiệt tình trong công việc cũng như thái độ làm việc có trách nhiệm cao, chị Hồng được bà con nông dân trong xã luôn đặt niềm tin và hết lòng khen ngợi.

Chị Hồng tham gia hoạt động thả rùa về biển.

Chị Hồng tham gia hoạt động thả rùa về biển.

Ngoài ra, chị Hồng đã tham gia vào nhiều chương trình khác như: Tình nguyện viên bảo vệ, bảo tồn và cứu hộ rùa biển của BQL Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; Tham gia phụ trách dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững” do tổ chức ROP tài trợ; Cán bộ chỉ đạo kỹ thuật phụ trách mô hình thuộc dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biến chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”…

Chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Trong học tập và làm theo gương Bác, tôi rất tâm đắc với phong cách gần dân, hiểu dân của Bác. Từ đó tôi luôn cố gắng làm theo Bác, dù chỉ là đóng góp một phần công sức nhỏ bé của bản thân mình. Trong lĩnh vực công tác của mình, đòi hỏi người cán bộ phải luôn gần gũi và gắn bó với nông dân...".

Với tinh thần, thái độ hết lòng phục vụ nhân dân, trách nhiệm, sáng tạo và nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ chị đã chiếm được sự tin yêu của bà con nông dân, lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được lãnh đạo các cấp biểu dương khen thưởng.

Do đặc thù công việc của người cán bộ Khuyến nông là phải nắm bắt nhiều kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị phải luôn nỗ lực phấn đấu và gắn trách nhiệm của mình vào công việc của người nông dân, lấy hiệu quả sản xuất của người dân làm thước đo cho quá trình công tác của bản thân mình.

Ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, chị Hồng vẫn tranh thủ thời gian để xây dựng cho riêng mình mô hình trồng nấm chất lượng cao.

Công việc của người cán bộ Khuyến nông cơ sở phải chịu nhiều áp lực, dù khó khăn, vất vả là vậy nhưng chị Hồng vẫn không chút nản lòng, không chịu khuất phục trước những khó khăn.

Chị đã cố gắng vượt qua tất cả bằng chính nghị lực và sức trẻ của bản thân mình để cùng với người dân quê hương đi đến cái đích cuối cùng, đó là: “Làm thay đổi diện mạo nông nghiệp trên vùng đất cát. Đồng thời chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế một cách tốt nhất, bền vững nhất”.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.