Chiều 30/7, khi mặt biển bớt động, chúng tôi mới có thể tiếp cận thôn Bản Sen, xã Bản Sen (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), nơi vẫn chìm nghỉm trong 11 m nước. Thứ duy nhất còn trồi lên khỏi mặt nước là hai cây cột điện cao thế. Gần 100 con người phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.
"Mất trắng rồi chú ơi!"
Ngoài thôn Bản Sen chìm sâu trong nước, tuyến đường huyết mạch của trung tâm xã cũng bị lũ quét gây sạt lở, nhiều đoạn hoàn toàn bị chia cắt. Việc tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho người dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn. |
Sau bữa cơm trưa chớp nhoáng tại Cửa Ông, chúng tôi lại lên đường ra Bản Sen, nơi được coi là “rốn” lụt của tỉnh Quảng Ninh.
Đường tỉnh lộ 334 đoạn qua cầu 2 bị sạt lở nghiêm trọng, toàn bộ phương tiện qua đây đều phải chờ lực lượng chức năng khắc phục sự cố. Rất may, có lực lượng xe ôm túc trực, cuối cùng chúng tới cũng tới trung tâm huyện lỵ Vân Đồn.
Những PV chúng tôi, đoàn khách đặc biệt được bố trí lên tàu cao tốc Vân Đồn 01 đi từ cảng Cái Rồng vượt qua vịnh Bái Tử Long để ra đảo Bản Sen. Trời vẫn mưa như trút, chiếc tàu cao tốc lướt trên mặt biển đục ngầu bùn đất. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi đã có mặt trên đảo Bản Sen.
Ngay từ bến tàu xã Bản Sen, khung cảnh tơi bời sau mưa lụt đập vào mắt chúng tôi. Cây cối, bùn đất ngổn ngang khắp nơi. Nhưng Bản Sen, nơi vẫn chìm trong biển nước, cách chỗ chúng tôi đang đứng hơn 7 cây số.
Đất đá sạt lở gần như lấp kín 1 ngôi nhà tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn
Đường vào Bản Sen, vô số đoạn bị đất đá, cây rừng chắn ngang. Có những đoạn hoàn toàn biến mất, những tảng đá cả mấy người ôm thay cho mặt bê tông. Người đi trước kéo tay người kia, lần lượt vượt qua các cửa ải. Đi tiếp một đoạn, chúng tôi phải dừng lại vì không biết phải đi đường nào.
Lũ từ trên thượng nguồn đổ về cuốn phăng toàn bộ con đường, biến nó thành con suối hung dữ, nước cuộn lên đục ngầu như máu. Nước khoét sâu vào lòng bê tông tạo thành những hàm ếch rộng vài mét, rung lên bần bật khi có người đi qua.
Sau khi có người dẫn đường là một cán bộ xã, chúng tôi từng người lần lượt vượt qua được hai con suối hung dữ. Không một ai dám đi nhanh, tất cả chờ nhau, vì chỉ sơ sẩy là bị nước cuốn phăng.
Con đường bê tông biến thành dòng suối hung dữ
Vào tới thôn Đồng Gianh, nơi 27 hộ dân thôn Bản Sen đang tạm trú ùa ra đón đoàn PV. Chị Lê Thị Miến, thôn Bản Sen mếu máo hỏi tôi: “Chú ơi, cho tôi hỏi hôm nay là thứ mấy?”. Tôi bất ngờ khựng lại giây lát, như có luồng điện chạy qua sống lưng.
“Nhà tôi có 5 khẩu, chạy lụt ra thôn này được 5 hôm rồi, mất trắng rồi chú ơi. Anh nhà mấy hôm nay đổ bệnh nằm bẹp một chỗ, con cái gửi mỗi nhà một đứa. Đứa út nhà tôi mấy hôm nay bị muỗi đốt kinh quá, sốt cầm cập, tôi mới gửi cháu ra huyện, không biết giờ tới chưa. Tôi hỏi chú thứ mấy vì mấy hôm nhà không có lịch, điện mất, chẳng biết ngày tháng là gì nữa”, chị Miến nói một hồi.
“Hôm nay thứ 5 chị ơi. Mà từ hôm đó tới nay, nhà mình ăn uống, quần áo, tắm giặt kiểu gì, có bị thiếu thốn nhiều không?”, tôi hỏi. Chị Liên ôm mặt khóc rưng rức bảo tôi: "Thì từ hôm đi ở nhờ, cũng được xã, huyện, bà con trong thôn quan tâm cho gạo, nước sinh hoạt. Quần áo thì mỗi người cho một bộ, cũng có cái mà thay. Không chết là may rồi chú ạ. Chỉ tiếc mỗi đống đồ đạc, hai vợ chồng làm ăn dè sẻn mãi mới mua được, nay chẳng còn gì”.
Khi tôi đang đứng nói chuyện, bỗng một người đàn ông khoảng 60 tuổi chạy đến tu lên khóc như một đứa trẻ: “Các cô chú ơi, mất hết rồi. Cả đời vợ chồng tôi tiết kiệm, vừa mua được cái ti vi, một nồi cơm điện thì mưa lũ ập về, chỉ kịp mang mỗi túi quần áo bỏ chạy. Còn lại mất hết”.
Kinh hoàng chưa từng thấy
Ông Phạm Văn Thành (68 tuổi), Trưởng thôn Bản Sen, dẫn nhóm PV tiếp cận hiện trường. Ông Thành bảo, sống gần hết cuộc đời mà chưa bao giờ có trận mưa lũ kinh hoàng như thế này.
Cả thôn có 27 hộ, hơn 30 nóc nhà với 75 khẩu nay chìm nghỉm trong biển nước đục ngầu. Thứ duy nhất tôi có thể nhìn thấy còn tồn tại ở Bản Sen là ngọn hai cây cột điện cao thế.
“Nhà tôi nằm lưng đồi, thuộc diện cao nhất thôn. Năm 2013, ở đây cũng bị ngập nhưng mức nước chỉ khoảng 5 m. Tôi vứt đồ đạc ra đằng sau là không bị trôi. Nhưng năm nay, nước ngập sâu đến 13 m, không gì giữ nổi, trâu bò lợn gà trôi sạch, đau xót lắm chú ơi”.
5h chiều, chúng tôi rời Bản Sen, trời vẫn lẫn phất mưa, tối không nhìn rõ mặt người. Từng đoàn người lom khom đi ngược chúng tôi cõng mì tôm, rau xanh, nước uống… vừa nhận được. Ai nấy đều tỏ rõ sự mệt mỏi, thỉnh thoảng có những nụ cười méo xệch. |
Tuy nhiên, ngay trong đêm 25/7, khi mưa lớn xảy ra, toàn bộ người dân thôn Bản Sen được bố trí di chuyển ra trung tâm, nơi an toàn hơn để ở.
Căn nhà cũ của Chủ tịch UBND xã Bản Sen, ông Lê Hồng Phương cũng bị đất đá vùi lấp gần đến mép cửa trên. Ông Phương kể, đêm đó, khoảng 4h sáng, khi tỉnh dậy đi vệ sinh thì nghe tiếng uỳnh uỳnh từ trên vọng xuống. Chỉ trong giây lát, đất đá từ đâu cuồn cuộn đổ về san phẳng cả quả đồi phía sau nhà.
Ngôi nhà cũ, nằm ngay sau ngôi nhà gia đình ông Phương đang ở, bị đất đá vùi lấp. Nhìn từ ngoài đường chỉ còn thấy mái của ngôi nhà. Ngay buổi sáng hôm đó, ông Phương chỉ đạo lực lượng địa phương kiểm tra thiệt hại, giúp đỡ các hộ dân, đặc biệt tại Bản Sen ổn định nơi ăn, chốn ở.
Ngọn cây, cột điện, thứ duy nhất còn nhìn thấy ở Bản Sen
Ông Phương cho biết thêm, toàn xã Bản Sen hiện có 40ha hoa màu bị ngập trắng; hơn 800 lồng nuôi hàu, tôm nuôi trên vịnh Bái Tử Long bị nước bẩn từ trên núi tràn xuống làm chết hàng loạt, hàng chục ha cam sành của người dân sắp được thu hoạch cũng bị đất đá quăng quật nát như tương. Tổng thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng.
“Trước mắt, chúng tôi tiếp tục tổ chức cấp phát mỳ tôm, nước uống cho bà con chờ nước rút. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi sẽ thống kê lại thiệt hại, giúp đỡ bà con dọn dẹp nhà cửa, ổn định lại cuộc sống”, ông Phương chia sẻ.
Đi cùng đoàn PV tới Bản Sen có ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Nhiều hàng hóa cứu trợ cũng được mang lên tàu phân phát cho người dân ngay chiều 30/7.
Ông Luân cho biết, biện pháp trước mắt, huyện sẽ phối hợp với xã hỗ trợ người lều bạt, thực phẩm để tạm thời tránh trú. Nếu mưa lũ tiếp tục kéo dài, sẽ có phương án chuyển trẻ em, người già, đau ốm vào khu vực trung tâm, nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Theo kinh nghiệm ở đây, ít nhất phải một tuần nữa nước mới rút hết, nhưng nếu mưa lớn kéo dài thì chưa biết thế nào, huyện sẽ phải lên phương án khác.
Cũng theo ông Luân, huyện đã báo cáo lên tỉnh, ngay sau khi nước rút sẽ khảo sát lại địa hình toàn thôn. Nếu cần sẽ di chuyển toàn bộ người dân đến nơi ở mới, nhưng cái quan trọng là làm sao chọn được nơi có điều kiện sinh sống, canh tác thích hợp để họ ổn định cuộc sống.