| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch về "ốc đảo" Đông Bình

Thứ Sáu 18/11/2011 , 10:59 (GMT+7)

Sau bao nhiêu năm đợi chờ, giờ đây hàng trăm hộ dân nghèo ở "ốc đảo" Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã có được dòng nước sạch...

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Măng mới có được nước ngọt dùng thoải mái

Sau bao nhiêu năm đợi chờ, giờ đây hàng trăm hộ dân nghèo ở "ốc đảo" Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã có được dòng nước sạch, mát rượi dẫn về từng gia đình. Niềm vui rạng ngời trên những gương mặt đen sạm vì nắng và gió.

Thôn Đông Bình được ví như một "ốc đảo" của xã miền biển Duy Vinh. Nơi đây mênh mông sóng nước, con đường duy nhất để đến được với Đông Bình là phải đi qua cây cầu phao nằm chông chênh trên dòng Trường Giang. Từ trước tới nay, Duy Vinh nói chung và Đông Bình nói riêng được xem là "điểm nóng" về tình trạng thiếu nước sạch. Người dân ở đây bao đời nay phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn được lấy từ giếng đào dưới lòng đất lên để tắm giặt, còn nước dùng để uống, nấu nướng thì phải đi mua với cái giá đắt đỏ.

Lãnh đạo chính quyền cùng các ngành liên quan và nhiều tổ chức từ thiện đã vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm ra phương án hiệu quả nhất để giải bài toán khó về nước sạch cho cư dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh, tâm sự: "Trước đây, tổ chức Đông Tây hội ngộ đã về đầu tư xây dựng 5 cái bể để lọc nguồn nước lấy từ những giếng đào nhằm giúp người dân Duy Vinh, trong đó có thôn Đông Bình nhưng sau 6 năm thì nước bị nhiễm phèn trở lại, dân tình phải tiếp tục đi mua nước ngọt về dùng".

Vừa qua, người dân ở "ốc đảo" Đông Bình đã đón nhận tin vui khi công trình nước sạch do Quỹ Phát triển quốc tế OPEC tài trợ chính thức được bàn giao cho chính quyền địa phương. Vượt bao sóng nước đến Đông Bình trong những ngày này, chúng tôi dễ dàng nhận thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Ông Võ Đức Cương, Trưởng thôn Đông Bình, không giấu được xúc động: “Nước sạch là niềm ao ước bao đời nay của dân Đông Bình. Đại diện cho 1.350 nhân khẩu của thôn, tôi hết sức biết ơn Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội đã quan tâm đến người dân quê nghèo này. Giờ đây, có nước ngọt dùng thoải mái mà không sợ hết nên ai nấy đều phấn khởi".

Cũng theo ông Cương, trước đây, mua 1 lít nước ngọt, dân Đông Bình phải trả 3.500 đồng, hằng tháng trung bình mỗi hộ mua khoảng 300 lít. Như vậy, cả thôn có hơn 300 gia đình, tính ra 1 tháng người dân nơi đây phải chi hàng trăm triệu đồng cho việc mua nước sạch. Bây giờ, có công trình do OPEC tài trợ, họ chỉ trả 4.000 đồng/m3 nước, nên đỡ tốn cả bội phần.

"Nước trong veo và mát lắm chú à! Tui sống ở cái thôn ni gần hết cuộc đời rồi, bây giờ mới thấy nước ngọt nhiều như thế này. Con cái tui đứa lấy chồng, đứa đi làm ăn xa nên ở nhà chỉ mỗi mình tui. Lâu nay, hàng ngày, để có nước sạch phục vụ việc ăn uống, tui phải còng lưng gánh bộ gần chục cây số. Bây giờ, có nước ngọt dẫn vô đến nhà rồi, không phải đi gánh nước nữa nên mừng lắm", cụ Đỗ Thị Măng (73 tuổi), một người dân thôn Đông Bình, nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất