| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển đa canh tổng hợp phù hợp với điều kiện ngư dân

Chủ Nhật 30/06/2024 , 11:06 (GMT+7)

KIÊN GIANG Lồng nuôi hiện đại với quy trình nuôi biển đa canh tổng hợp kết hợp du lịch theo hướng phát triển bền vững là hướng đi phù hợp với điều kiện của ngư dân.

Cần đưa nuôi biển vào quy củ

Ngày 28/6 tại TP Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” với sự tham dự của cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người nuôi trồng thủy sản.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh có ngư trường hơn rộng 63.200km2, đứng thứ 3 cả nước, có vị trí trọng điểm đối với nghề cá của ĐBSCL. Tiềm năng, lợi thế đã tạo điều kiện cho Kiên Giang phát triển một ngành thủy sản đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững như lồng bè nuôi có kết cấu thô sơ, quy mô nhỏ, thiếu cơ sở sản xuất con giống, thức ăn viên, ô nhiễm môi trường nuôi và dịch bệnh nhiều. Công tác giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm so với yêu cầu.

Tại hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp đã chia sẻ, trao đổi, giới thiệu về công nghệ lồng nuôi, những kỹ thuật, quy trình nuôi biển hiện đại ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, giúp giảm chi phí, đạt năng suất và tăng lợi nhuận.

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, hiện nuôi biển còn nhiều bất cập, cơ sở nuôi biển của Việt Nam nhiều nhưng quy mô nhỏ và nuôi tự phát là chủ yếu. Hiện nay, cả nước có gần 14.700 cơ sở nuôi biển, khoảng 333.400 lồng nuôi với thể tích gần 10 triệu m3.

Tuy nhiên, mới có 116 cơ sở nuôi biển được cấp phép, 35 cơ sở được giao khu vực biển và 99 cơ sở được cấp mã số lồng nuôi, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Về sản xuất giống, cả nước có 1.414 cơ sở, sản lượng sản xuất trên 134 triệu con/năm. Sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển có 23 cơ sở, với 213 sản phẩm, sản lượng 35.000/809.000 tấn theo thiết kế.

Mô hình nuôi biển đa loài

Tại hội thảo, ông Lê Bền, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín đã giới thiệu mô hình nuôi biển đa canh tổng hợp (IMTA), giải pháp bảo vệ môi trường kết hợp du lịch theo hướng bền vững.

Theo ông Bền, hiện nay nuôi biển tại Kiên Giang chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, gần bờ, ô nhiễm khu vực ven bờ. Trong khi đó, nuôi xa bờ đầu tư lớn, chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực lớn.  Vì vậy, giải pháp phát triển mô hình nuôi đa canh tổng hợp đa loài, gồm cá, nhuyễn thể và rong biển, chất thải của vật nuôi này là dinh dưỡng của vật nuôi khác trong chuỗi theo quy trình khép kín sẽ phù hợp với đa số ngư dân.

Mô hình này giúp giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng trên cùng diện tích và tăng thu nhập. Theo đó, cần phải chọn đối tượng nuôi phù hợp, tránh tranh chấp, đối kháng lẫn nhau và chọn công nghệ lồng nuôi, thiết kế quy trình nuôi tuần hoàn theo chiều ngang hoặc chiều dọc tùy theo nhóm đối tượng nuôi.

Giám đốc vận hành Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam Hoàng Ngọc Bình cho biết, qua quá trình khảo sát, vùng biển Nam Du (huyện đảo Kiên Hải) có điều kiện tự nhiên phù hợp để Công ty đầu tư mở rộng vùng nuôi cá chẽm xuất khẩu. Hiện Công ty đã hoàn thành nuôi thử nghiệm tại vùng biển này đối với loại lồng nhỏ. Sang năm 2025, dự kiến sẽ thực hiện 2 khu nuôi với 14 lồng nuôi, năng suất có thể đạt từ 200 - 300 tấn cá thương phẩm.

Kiêng Giang có tiềm năng rất lớn về nuôi biển. Ảnh: Trung Chánh.

Kiêng Giang có tiềm năng rất lớn về nuôi biển. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, hiện Công ty cũng gặp một số khó khăn do nuôi quanh các đảo xa bờ, điều kiện đi lại khó khăn, làm tăng thêm chi phí vận chuyển vật tư, thức ăn. Các đảo cũng còn thiếu cơ sở hậu cần phục vụ phát triển nuôi biển.  

Ngư dân Nguyễn Đức Minh (xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương) mong muốn doanh nghiệp sản xuất có chính sách bán trả chậm để ngư dân được tiếp cận với công nghệ lồng nuôi hiện đại HDPE. Hoặc các doanh nghiệp có quy trình nuôi khép kín có thể liên kết với ngư dân, cung cấp con giống, thức ăn, quy trình nuôi để ngư dân nuôi gia công, doanh nghiệp thu mua.

Ông Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam giới thiệu về công nghệ lồng nuôi loại lắp ráp rất đơn giản, có độ bền cao, thân thiện với môi trường. Nhằm hỗ trợ ngư dân Kiên Giang chuyển đổi sang công nghệ lồng nuôi mới, Công ty cam kết có chính sách giảm giá 40% từ nay đến hết năm 2024.

Xem thêm
Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển