| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó nuôi biển Kiên Giang: [Bài 5] Rào cản lớn với phát triển nuôi biển

Thứ Sáu 28/06/2024 , 09:49 (GMT+7)

Quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt và thủ tục giao mặt nước biển phải xin ý kiến nhiều Bộ, ngành đang là rào cản lớn đối với phát triển nuôi biển.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Hữu Toàn (ảnh), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển nhưng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực tế.

Kiên Giang là tỉnh có vùng biển rộng lớn, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, được xem là tỉnh trọng điểm về khai thác và nuôi trồng thủy sản ở phía Nam. Xin ông cho biết hiện lĩnh vực thủy sản của tỉnh đang phát triển ra sao và có đóng góp như thế nào đối với kinh tế - xã hội?

Ngành thủy sản Kiên Giang là một ngành kinh tế tổng hợp cả trong đất liền, trên biển và hải đảo về các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong thời gian qua, ngành thủy sản đã đạt được sự tăng trưởng đáng khích lệ và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác lớn nhất cả nước, với trên 8.000 tàu đang đăng ký hoạt động, riêng đội tàu đánh bắt xa bờ là 3.634 tàu. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 290.000ha và gần 4.000 lồng bè nuôi cá trên biển. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 800.000 tấn/năm, trong đó thủy sản khai thác chiếm khoảng 435.000 tấn.

Toàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản, trong đó có 25 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quy mô lớn, với công nghệ sản xuất tiên tiến đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang các nước trên thế giới.

Tổng giá trị sản xuất khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt khoảng 32.860 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh bình quân giai đoạn này đạt trên 250 triệu USD, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đã giải quyết công ăn, việc làm cho trên 200.000 lao động phổ thông của tỉnh, trong đó có hơn 70.000 người lao động trực tiếp trên biển, góp phần rất đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.

Vướng mắc trong giao mặt nước biển cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đang là rào cản lớn đối với phát triển nuôi biển hiện nay. Ảnh: Trung Chánh.

Vướng mắc trong giao mặt nước biển cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đang là rào cản lớn đối với phát triển nuôi biển hiện nay. Ảnh: Trung Chánh.

Nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch sắp xếp lại đội tàu và ngành nghề khai thác, giảm cường độ cường khai thác, tăng cường phát triển nuôi trồng để giữ vững sản lượng. Vậy tỉnh đã có chính sách gì khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng?

Kiên Giang có đội tàu khai thác lớn, hoạt động khai thác quá mức dẫn đến mất cân bằng giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản. Do đó, nhiều năm qua, tỉnh đã có chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu, ngành nghề khai thác theo hướng giảm dần số lượng, nhất là đối với tàu đánh bắt ven bờ, tàu hành nghề khai thác có tính chất hủy diệt, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái. Năm 2024, toàn tỉnh sẽ cắt giảm khoảng 45.000 tấn hải sản khai thác so với kế hoạch năm trước.

Để bù đắp sản lượng khai thác sụt giảm, tỉnh đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác sang nuôi trồng, nhất là nuôi biển công nghệ cao; Tập trung khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững; Từng bước giảm dần số lượng tàu, giảm áp lực khai thác, tăng quy mô, năng suất, sản lượng nuôi biển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển;

Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, hỗ trợ ngư dân chuyển từ nghề khai thác sang nuôi biển, đầu tư chuyển từ lồng nuôi truyền thống bằng cây gỗ sang lồng nuôi hiện đại bằng chất liệu HDPE, nuôi công nghệ cao xa bờ; Tập huấn chuyển đổi quy trình nuôi cá biển sử dụng nguồn thức ăn bằng cá tạp đánh bắt ngoài tự nhiên sang thức ăn viên công nghiệp, nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giảm ô nhiễm môi trường.

Được biết, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ông có thể khái quát những mục tiêu mà đề án này hướng tới?

Kiên Giang đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt là chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Theo đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để ngư dân tập trung phát triển nghề nuôi biển, làm giàu từ biển.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích mặt nước nuôi lồng đạt 16.000ha, số lượng lồng nuôi biển là 14.000 lồng. Diện tích nuôi nhuyễn thể là 25.000ha. Sản lượng nuôi biển đạt khoảng 207.200 tấn, trong đó nuôi lồng bè là 105.700 tấn, nuôi nhuyễn thể là 101.500 tấn, sản lượng ngọc trai đạt 520.000 viên. Lĩnh vực nuôi biển giải quyết việc làm cho khoảng gần 48.000 người.

Quy hoạch vùng nuôi biển, bao gồm thành phố Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải, xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương. Đối tượng nuôi biển bằng lồng bè gồm: cá mú, cá bóp, cá chim vây vàng, cá chẽm và một số loài thủy sản khác như: tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc...

Vùng ven biển, gồm thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh, An Biên. Phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể như sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, hàu...

Nhìn chung, kết quả việc triển khai thực hiện Đề án nuôi trồng thủy sản trên biển đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, nuôi biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phần lớn các lồng bè nuôi biển tại Kiên Giang hiện nay là do ngư dân tự chế bằng cây gỗ, sức bền và khả năng chịu sóng gió kém, chỉ có thể nuôi gần bờ, hiệu quả không cao. Ảnh: Trung Chánh.

Phần lớn các lồng bè nuôi biển tại Kiên Giang hiện nay là do ngư dân tự chế bằng cây gỗ, sức bền và khả năng chịu sóng gió kém, chỉ có thể nuôi gần bờ, hiệu quả không cao. Ảnh: Trung Chánh.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã trao quyết định đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn… nhưng vì sao vẫn chưa được triển khai vào thực tế? Có khó khăn, vướng mắc gì cần kiến nghị tháo gỡ, thưa ông?

Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư và hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều doanh nghiệp đã được tỉnh Kiên Giang trao chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, với tổng diện tích mặt nước biển đăng ký thực hiện trên 2.600ha. Trong đó, có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế, công nghệ và được xem là cánh chim đầu đàn dẫn dắt trong lĩnh vực nuôi biển hiện đại, công nghệ cao.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Quy hoạch không gian biển Quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được phê duyệt. Các thủ tục về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021, phải xin ý kiến nhiều Bộ, ngành nên công tác triển khai giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện việc giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân nuôi lồng bè trên biển theo quy định.

Đây chính là rào cản lớn đối với phát triển nuôi biển tại Kiên Giang hiện nay, khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể triển khai dự án vào thực tế dù đã được cấp chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện nay vừa yếu vừa thiếu, còn nhiều hạn chế, việc triển khai các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng phục vụ công tác nuôi biển của cơ quan Trung ương và địa phương còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu so với tốc độ phát triển của nghề nuôi biển.        

Xin cảm ơn ông!

Cùng với việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển, các sở ngành và địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Đặc biệt, tạo điều kiện để các dự án của Tập đoàn, doanh nghiệp đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư sớm đi vào hoạt động. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng biển đảo của tỉnh Kiên Giang và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.    

Xem thêm
Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

HÀ TĨNH Thời tiết nắng mưa xen kẽ làm môi trường nước thay đổi đột ngột, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Bạc Liêu xóa đăng ký 40 tàu cá ngưng hoạt động

Bạc Liêu đã tiến hành các thủ tục để xóa đăng ký theo quy định tàu mục nát nằm bờ không hoạt động đối với 40 tàu cá.

Cà Mau đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm

Cà Mau vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì.

Hơn 220 suất quà có ý nghĩa đến với ngư dân Quảng Ngãi

Những suất quà là nguồn cổ vũ, động viên để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.