| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò VietGAP lấy phân bón cây ăn trái, hiệu quả nhân đôi

Thứ Hai 03/07/2023 , 15:44 (GMT+7)

Cùng với chăn nuôi bò VietGAP, anh Hiếu trồng hàng chục ha cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả kinh tế và công ăn việc làm ổn định cho 10 người dân địa phương.

Anh Hà Trung Hiếu cho biết, khi trang trại đi vào hoạt động ổn định sẽ hỗ trợ giống cho người dân xung quanh để có điều kiện thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Anh Hà Trung Hiếu cho biết, khi trang trại đi vào hoạt động ổn định sẽ hỗ trợ giống cho người dân xung quanh để có điều kiện thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Năm 2021, anh Hà Trung Hiếu từ huyện Hóc Môn (TP.HCM) đến Đắk Nông chọn mảnh đất nằm xa khu dân cư đầu tư xây dựng một trang trại nuôi bò và trồng cây khép kín. Nguồn phân bón cho cây trồng được lấy từ chính đàn bò nuôi tại trang trại. 

Anh Hà Trung Hiếu chia sẻ, trước đây đã xây dựng một trang trại tại tỉnh Bình Phước nhưng quy mô nhỏ. Sau nhiều lần tìm hiểu, nhận thấy vùng đất Tuy Đức (Đắk Nông) màu mỡ nên anh đã chọn nơi đây để sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Theo anh Hiếu, để làm được điều này, vấn đề quan trọng nhất là nguồn phân bón để phục vụ sản xuất. Học hỏi nhiều mô hình và vận dụng những kinh nghiệm trước đó anh đã thực hiện tại tỉnh Bình Phước, anh đã nuôi bò để sản xuất phân bón hữu cơ.

Trang trại nuôi bò được đầu tư theo quy chuẩn kỹ thuật, thoáng mát và cách xa khu dân cư. Chuồng nuôi có diện tích 1.000m2, được chia làm 2 khu, gồm khu ăn nghỉ và khu chơi của bò.

Trang trại bò của anh Hà Trung Hiếu nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Quang Yên.

Trang trại bò của anh Hà Trung Hiếu nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Quang Yên.

“Giống bò mà trang trại đang nuôi là Angus, giá nhập về bình quân 45 triệu đồng/con. Để bảo đảm nguồn thức ăn tươi thường xuyên cho bò, trang trại đầu tư trồng cỏ trên diện tích lớn và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đàn bò được tiêm phòng định kỳ các loại dịch bệnh thường gặp." anh Hiếu chia sẻ.

Ngoài ra, việc vệ sinh chuồng trại, tắm cho bò hay cho bò ăn, uống nước… được thực hiện theo khung giờ cố định. Qua đó, tạo thói quen, giúp đàn bò tăng trưởng tốt. Đặc biệt, chất thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học nên dù nuôi với số lượng lên đến 150 con nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi phát tán ra môi trường. Dự kiến thời gian tới, đàn bò đồng loạt sinh sản, tổng đàn sẽ tăng lên trên 250 con.

Chủ trang trại cho biết thêm, vì số lượng bò lớn và khối lượng công việc hàng ngày tương đối nhiều nên ưu tiên tuyển những lao động địa phương vào làm việc. Hiện trang trại bò tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, tất cả trong số này đều thuộc diện hộ nghèo của xã với mức thu nhập trung bình tháng khoảng 7,5 triệu đồng, chưa kể các khoản thưởng tăng thêm.

“Trang trại hiện ngoài nuôi bò còn trồng thêm mắc ca, cà phê, sầu riêng, bơ… Tôi dùng phân bò để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây ăn trái. Khi trang trại đi vào hoạt động ổn định tôi sẽ thông qua chính quyền địa phương liên kết với những hộ khó khăn để hỗ trợ giống bò. Việc này để giúp những hộ dân này có công việc ổn định để thoát nghèo”, chủ trang trại nói.

Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ thôn 1 xã Đắk Búk So) làm việc tại trang trại được hơn một năm nay. Công việc hàng ngày của ông Nam là cắt cỏ và cho bò ăn. Nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, có thời gian biểu cố định nên ngoài làm việc tại trang trại, ông Nam có thể tranh thủ về làm thêm việc nhà. Đối với ông, công việc này phù hợp, mang lại thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.

“Trước đây, tôi chỉ ở nhà làm rẫy, ai kêu gì làm đó, công việc không ổn định nên ngày nào cũng lo không có việc làm. Từ ngày được nhận vào trang trại làm việc, tôi còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm để chăn nuôi bò, trồng trọt, sẽ giúp ích rất nhiều cho tôi sau này”, ông Nam nói.

Trang trại bò VietGAP của anh Hiếu tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động nghèo tại địa phương. Ảnh: Quang Yên.

Trang trại bò VietGAP của anh Hiếu tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động nghèo tại địa phương. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Long cho biết, trước khi vào làm nghĩ rằng việc nuôi bò sẽ vất vả, nhất là việc cho ăn và dọn dẹp vệ sinh khu chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Long khi được anh Hiếu nhận vào làm và hướng dẫn kỹ thuật đã thay đổi suy nghĩ.

“Chúng tôi đều là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/tháng. Tôi cũng rất mong trang trại sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân xung quanh khu vực”, ông Long nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết, trang trại dù mới đi vào hoạt động nhưng đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động. Riêng thời điểm thu hoạch nông sản và cung ứng thịt cho thị trường, trang trại đã tạo việc làm cho khoảng 20 lao động thời vụ.

Theo ông Thương, trang trại đã nhận các lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn vào làm việc. Nếu mô hình này được nhân rộng, không những khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên của địa phương mà còn góp phần bảo đảm an sinh, việc làm cho người dân trên địa bàn xã.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng đào Tết

Quảng Ninh Nhờ cây đào Tết, nhiều hộ dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên khá giả.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.