| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá bóp, lợi nhuận cao

Thứ Tư 13/05/2009 , 09:56 (GMT+7)

So với các loại cá khác, cá bóp dễ nuôi, mau lớn, tỉ lệ hao hụt không đáng kể và ít rủi ro hơn. Chúng ăn cá sống, loại cá tạp nên không sợ thiếu mồi.

Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 đảo lớn nhỏ, trong đó có 3 hòn nổi tiếng với nghề nuôi trồng hải sản, đó là Hòn Lớn (thuộc xã An Sơn), Hòn Ngang và Hòn Mấu (thuộc xã Nam Du).

Ông Nguyễn Trung Thành, thường trực Đảng uỷ xã cho biết, Nam Du gồm  10 đảo được tách ra từ xã An Sơn năm 2005, trong đó Hòn Ngang là đảo đông dân nhất với 3.600 nhân khẩu, đa số sống bằng nghề khai thác, đánh bắt, đặc biệt là nuôi cá lồng bè. Một số ít làm nghề sơ chế hải sản và dịch vụ thương mại.

Về nuôi trồng hải sản, xã Nam Du đã có 224 lồng (mỗi bè có từ 1 – 5 lồng), hầu hết là cá mú sao, mú đen và cá bóp (bốp). Từ đầu năm 2009 đến nay, Nam Du xuất trên 45 tấn cá nuôi (nhiều nhất là Hòn Ngang), thu về 3,5 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch năm 2009.

Một trong những người nuôi cá bóp đạt hiệu quả cao nhất ở Hòn Ngang là vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thoa. Chị cho biết sau một thời gian nuôi cá tra ở An Giang đã kiệt sức vì giá cả bấp bênh, chị liền tìm đến huyện đảo Kiên Hải để chuyển sang nuôi cá bóp và cá mú, hai loại cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay.

Đầu năm 2008 chị bắt đầu thả và đã thu hoạch được vài đợt, kết quả mang đến thật bất ngờ. Hiện trong bè còn 2.000 cá bóp, trọng lượng từ 7 – 12kg/con. Theo kinh nghiệm của chị, mỗi lồng nuôi cá bóp nên giữ độ sâu 5 mét và dưới đáy nên dằn 6 cục đá để cá có thể hoạt động dễ dàng.

Theo chị, so với các loại cá khác, cá bóp dễ nuôi, mau lớn, tỉ lệ hao hụt không đáng kể và ít rủi ro hơn. Chúng ăn cá sống, loại cá tạp nên không sợ thiếu mồi. Điều trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn con giống, bà con phải thu mua từ những người đánh bắt trong thiên nhiên hoặc lấy con giống từ Đài Loan. Cá bóp (Rachycenton canadum) trong tự nhiên thường sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9 nên bà con thường mua giống thả từ tháng 7. Cá thương phẩm trên thị trường hiện có giá từ 57.000đ – 60.000đ/kg. Theo ước tính của chị Thoa, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi con cá bóp nuôi trưởng thành còn lời khoảng 100.000 đồng.

Ông Năm Bửu ở ấp An Phú, Hòn Ngang cũng là người nuôi cá bóp thành công. Ông cho biết sau 12 tháng cho ăn đầy đủ, cá có thể nặng trên 10 kg, tỉ lệ hao hụt từ 3 – 5%. Mới đây, ông đã thu hoạch trên 5 tấn cá, bán với giá 60.000đ/kg. Tuy nhiên, muốn nuôi cá bóp thành công, theo ông người nuôi phải biết chọn lựa con giống cho thật tốt, cho ăn đầy đủ và mồi cũng được thay đổi tuỳ theo cá lớn, nhỏ. Cá dưới ba tháng tuổi mồi phải được băm nhỏ. Hằng tháng cá phải được tắm thuốc và thay lưới hoặc làm vệ sinh lồng bè. Có thế cá mới lớn nhanh, lớn khoẻ và tránh được rủi ro.

Cá bóp hiện nay được coi là đặc sản có giá trị thương phẩm cao nên được ngư dân Đài Loan nuôi nhiều. Tại các vùng biển nước ta nghề nuôi cũng đang phát triển mạnh để xuất khẩu và dùng trong nội địa. Loại cá này ngon nhất là đầu nấu canh chua, thân kho tộ, kho lạt hoặc chiên, sốt cà chua.

Từ kết quả phấn khởi trên, xã Nam Du hiện đã thành lập Hợp tác xã nuôi cá bóp lồng bè.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).