| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá trên ruộng lúa gắn với liên kết cộng đồng: Lợi đôi đường

Thứ Tư 25/10/2023 , 09:29 (GMT+7)

HẬU GIANG Hậu Giang chuyển đổi 2.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trong đó xây dựng mô hình 'nuôi cá trên ruộng lúa gắn với liên kết cộng đồng'.

Hậu Giang khuyến khích người dân chuyển đổi điện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá ruộng và hỗ trợ xây dựng mô hình 'Nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng'. Ảnh: Trung Chánh.

Hậu Giang khuyến khích người dân chuyển đổi điện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá ruộng và hỗ trợ xây dựng mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng”. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng diện tích nuôi cá ruộng thêm 2.000ha

Tận dụng nguồn nước từ mùa nước nổi và nước mưa, nhiều năm qua, nông dân tỉnh Hậu Giang không đầu tư làm lúa vụ 3 ở những nơi kém hiệu quả mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp do không tốn tiền mua thức ăn, cá sống trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ. Ngoài ra, việc cắt giảm vụ lúa còn giảm nguy cơ dịch bệnh, chất hữu cơ tồn dư sau vụ nuôi cá, giúp giảm chi phí phân bón vụ lúa tiếp theo.

Từ những lợi ích này, tỉnh Hậu Giang có kế hoạch chuyển đổi 2.000ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả (lúa vụ 3) sang thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, nâng tổng chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi thủy sản trên ruộng lúa năm 2023 lên 7.500ha.

Bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết, nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi thủy sản, tỉnh có kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng” với tổng quy mô diện tích 200ha, đối tượng nuôi trong mô hình được khuyến cáo là cá lóc.

Theo bà Lam, đối tượng được hỗ trợ thực hiện mô hình là các hộ dân có kiến thức, kỹ thuật tốt, có công trình đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, có nhân công chăm sóc, quản lý mô hình còn trong độ tuổi lao động, có đủ nguồn vốn đối ứng để đầu tư thực hiện. Ưu tiên các hộ là thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết trực tiếp giữa người thực hiện mô hình và cơ sở chế biến, tiêu thụ, chú trọng tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập

Việc khai thác tiềm năng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh để kết hợp nuôi một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Tỉnh phát triển nuôi thủy sản với đối tượng chủ yếu để tăng diện tích nuôi trên ruộng lúa là cá lóc đầu nhím. Bên cạnh đó, người dân có thể đầu tư nuôi thêm một số loài cá ăn thực vật, hữu cơ như chép, mè... để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có trên ruộng.

Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp do không tốn tiền mua thức ăn, cá sống trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp do không tốn tiền mua thức ăn, cá sống trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ. Ảnh: Trung Chánh.

Đồng thời, Hậu Giang xây dựng mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa có hiệu quả cao, tạo địa điểm để người dân tham quan học tập, nhân rộng trong sản xuất. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang hiện có 2 hình thức nuôi cá trên ruộng lúa được nông dân áp dụng khá hiệu quả.

Một là nuôi quảng canh cải tiến, nông dân tận dụng ruộng ngập nước, vây lưới theo bờ mẫu và thả cá giống vào nuôi, chủ yếu là các loại cá trắng ăn thực vật, rong tảo, chất hữu cơ. Hai là nuôi bán thâm canh, ruộng có đầu tư đào mương nước chung quanh và quây lưới, thả nuôi cá lóc, cá trê, cá rô và một số loài cá trắng.

Những tháng đầu năm 2023, nông dân Hậu Giang đã thả nuôi thủy sản được 5.382ha, trong đó có một số loài chủ lực như cá tra, cá thát lát, lươn... Tổng sản lượng thủy sản đã thu hoạch ước đạt hơn 29.400 tấn, chủ yếu là sản phẩm nuôi trồng, chiếm hơn 28.000 tấn. Đóng góp sản lượng nhiều nhất là cá tra 14.100 tấn, cá thát lát 538 tấn, lươn 493 tấn. Sản lượng khai thác nội địa 1.350 tấn, gồm tôm, cá sông và cá đồng tự nhiên.

Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện phát triển mô hình nuôi thủy sản năm 2023 theo kế hoạch nêu trên của tỉnh Hậu Giang là hơn 29,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.