| Hotline: 0983.970.780

Biến bất lợi thành lợi thế với mô hình lúa chét - nuôi cá

Thứ Hai 24/10/2022 , 09:20 (GMT+7)

THANH HÓA Nông dân xã Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa) biến bất lợi ruộng trũng, vụ mùa trồng lúa bấp bênh sang mô hình lúa chét - kết hợp nuôi cá, cho hiệu quả rất cao.

Trước đây khi còn lúng túng cách nghĩ, cách làm để tăng thu nhập, ngoài việc gắn bó với cây lúa, một bộ phận nông dân chuyên nghề đánh bắt cá theo kiểu tự phát đã tự bỏ vốn chung nhau sản xuất, ăn chia với nhau trên vùng đất mỗi năm chỉ canh tác một vụ lúa xuân, vụ mùa thường thất bát do úng lụt.

Hơn 7 năm nay, mô hình nuôi cá thời vụ trên đất một vụ lúa chiêm ở xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã tạo ra bước đột phá tích cực, mỗi năm thu lợi hàng tỷ đồng, gấp 2 - 3 lần trồng 2 vụ lúa.

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất 1 vụ lúa chét – cá truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập cao tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất 1 vụ lúa chét – cá truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập cao tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Cương.

Hà Lĩnh cũng là xã có diện tích trồng lúa kết hợp nuôi cá nhiều nhất huyện Hà Trung với khoảng 350ha trên đất một vụ lúa chiêm. Câu nói “Khoai Thanh Xá, cá Tiên Hòa” của người bản địa còn truyền lại tới bây giờ với hàm ý nhắc nhở người dân nơi đây cần phải khôi phục lại nghề nuôi cá truyền thống đã có từ lâu đời.

Địa hình tự nhiên ở xã Hà Lĩnh nhiều đồi núi, đồng ruộng thấp trũng lòng chảo bất lợi cho phát triển nông nghiệp, nguồn nước sản xuất lệ thuộc vào thiên nhiên... 

Tự nguyện lăn lộn trên vùng đất khó này, các tổ nuôi cá tự phát được đưa vào quản lý, tổ chức lại theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Nút thắt” quan trọng được tháo gỡ chính là tận dụng triệt để nguồn nước tự nhiên về mùa mưa, kết hợp khai thác nguồn nước cần thiết dự trữ từ các hồ đập của xã, các hộ sản xuất đã “vận hành” mô hình một vụ lúa chiêm ăn chắc và một vụ lúa chét kết hợp nuôi cá khá bài bản, đồng bộ và hiệu quả.

Nông dân thu hoạch cá trong mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa chét – cá truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP,

Nông dân thu hoạch cá trong mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa chét – cá truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TL.

Để thực hiện nuôi cá trên ruộng lúa chét tái sinh từ vụ xuân, các hộ tham gia mô hình đã tu sửa bờ vùng bờ thửa, khoanh vùng, treo biển cấm chăn thả gia súc gia cầm, thủy cầm và đánh bắt thủy sản tự do. Sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, người tham gia mô hình bắt tay ngay vào sản xuất vụ lúa chét (lúa tái sinh).

Trên diện tích lúa xuân mới thu hoạch, toàn bộ khóm rạ được để lại (dọn cỏ, vứt bỏ khóm rạ hư hỏng) và tiếp tục chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng, trừ dịch hại (nếu có)… Từng khóm rạ tiếp tục sinh trưởng phát triển thành khóm lúa xanh tốt, trỗ bông. Lúa chét khi chín sẽ không thu hoạch mà để lại làm thức ăn cho cá. Sản xuất lúa chét để tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá tuy năng suất chỉ đạt từ 70 - 100kg/sào (500m2), chỉ bằng khoảng 25% sản lượng so với vụ lúa xuân, nhưng ưu điểm dễ thấy là chi phí thấp (không phải làm đất, gieo cấy, ít công sản xuất, dễ chăm bón, khí hậu thời tiết thuận hơn vụ xuân, lượng phân bón ít...).

chet2

Cá trong mô hình thường được thu hoạch vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán nên rất được giá do nhu cầu lớn. Ảnh: TL.

Ngoài thức ăn chủ yếu cho cá là lúa chét kết hợp với thức ăn sẵn có trong tự nhiên khá phong phú, tuy vậy cần cho cá ăn bổ sung thêm các loại rau, lá, cây, cỏ,… sạch do người nuôi tự trồng được, không dùng thức ăn chăn nuôi chế biến sẵn, cũng không sử dụng thuốc hóa chất khi cá không xảy ra dịch bệnh.

Để phòng chống mưa lũ gây ngập tràn và tránh thiệt hại về mùa bão lụt, bờ bao được tu bổ, gia cố nâng cấp vững chắc. Vật liệu bảo vệ bờ bao được sử dụng cọc bê tông, tre, luồng, lưới thép B40, lưới cước... đảm bảo sản xuất an toàn. Khi xảy ra lũ lớn, chính quyền, thôn, HTX dịch vụ nông nghiệp sẽ phối hợp chỉ đạo, điều hành lực lượng ứng cứu, kịp thời khắc phục khai thông dòng chảy rút nhanh nước đệm nội đồng, tránh được tổn hại.

Khi cá cho thu hoạch, những nam giới vạm vỡ khỏe mạnh dùng lưới kéo, vật chuyên dụng để đánh bắt, và cũng chính họ là người đã liên kết cùng với các hộ đầu tư "từ A đến Z" (chi phí, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm...).

Mỗi vụ thu hoạch cá thực sự là một ngày hội, thu hút nhiều địa phương tới xã Hà Lĩnh tham quan.

Mỗi vụ thu hoạch cá thực sự là một ngày hội, thu hút nhiều địa phương tới xã Hà Lĩnh tham quan. Ảnh: TL.

Năm nào cũng vậy, các loại cá trắm đen, trắm cỏ lớn nhanh hơn, cân nặng lên tới 7 - 10kg/con và thường chiếm tỷ lệ cao, cá nhỏ số lượng không đáng kể. Tổ sản xuất tiêu biểu phải nói tới tổ Tiên Hòa 2 với 12 lao động, do ông Hoàng Văn Cương làm tổ trưởng; tổ Tiên Hòa 3 có 8 lao động, do ông Hoàng Đức Tuất làm tổ trưởng... và các tổ khác, mỗi vụ thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí). Cứ thế, mỗi năm một vụ thả nuôi các loại cá truyền thống khoảng 6 - 7 tháng, cho thu hoạch vào tháng 11 - 12 âm lịch, đúng thời điểm “cầu” lớn hơn “cung” khi Tết Nguyên đán cận kề, người tiêu dùng tăng nhiều so với ngày thường nên cá không đủ bán.

Khi thực hiện mô hình lúa - cá, người tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, được cấp chứng chỉ nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật, khi bị ảnh hưởng mưa lũ lớn sẽ được hỗ trợ với mức độ thiệt hại theo chính sách hiện hành của nhà nước... Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích bà con yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống.

chet4

Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào của vụ lúa chét, cá phát triển rất nhanh, chất lượng rất ngon. Ảnh: TL.

Nhằm biến bất lợi thành lợi thế vùng đất này, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lĩnh cho biết: Vụ mùa 2022, xã tiếp tục triển khai mô hình và mở rộng diện tích trong vụ đông xuân tới, dự kiến đạt từ 80 - 100ha (trong tổng số 350ha đất sản xuất lúa - cá luân phiên) đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông chia sẻ thêm về giống lúa ST24 xã mới đưa vào sản xuất thử nghiệm vụ chiêm xuân đầu tiên: Giống lúa thuần chất lượng cao ST24 sản xuất trên diện tích 35/350ha (214 hộ) tham gia trong mô hình lúa - cá luân phiên tập trung. Áp dụng mô hình sản xuất lúa ST24 trên ruộng lúa - cá cho thấy nhiều thuận lợi, vừa đảm bảo sản xuất lúa theo hướng an toàn, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, vừa là lợi thế để duy trì phát triển các loại cá truyền thống, vừa đảm bảo môi trường.

Xu hướng phát triển ngành nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững hiện nay đang được huyện Hà Trung (Thanh Hóa) chú trọng, trên cơ sở chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy thời gian tới, mô hình lúa - cá ở xã Hà Lĩnh sẽ tiếp tục được phát huy, kịp thời nhân rộng đến các xã có điều kiện tương tự (sản xuất lúa chét - cá) trong huyện.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.