| Hotline: 0983.970.780

Trâu béo khỏe đẻ giỏi nhờ phòng bệnh từ sớm từ xa

Thứ Năm 07/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Nhận hỗ trợ trâu sinh sản chưa đầy một năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hà ở huyện Đại Từ đã chào đón thêm chú nghé khỏe mạnh, lanh lợi.

Trâu sinh sản sau một năm được ông Nguyễn Văn Hà nuôi dưỡng. Ảnh: Quang Linh.

Trâu sinh sản sau một năm được ông Nguyễn Văn Hà nuôi dưỡng. Ảnh: Quang Linh.

Bí quyết nuôi trâu béo khỏe

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hà (xóm Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) ai cũng phải trầm trồ “sao lão nông chăm trâu khéo thế”. Nhận trâu sinh sản từ tháng 12/2023 theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo, chưa đầy một năm gia đình ông Hà đã chào đón thêm chú nghé khoẻ mạnh.

Trâu nhà ông Hà to, khoẻ, cơ bắp, chưa từng mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào từ khi tiếp nhận, người làng còn nói đùa rằng “ông này đi chăn trâu sớm hơn thoát nghèo từ lâu rồi”.

Ông Hà cho hay, sau khi tiếp nhận trâu sinh sản, gia đình luôn chăm sóc theo đúng hướng dẫn của tổ hợp tác, cơ quan thú y với phương trâm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

“Tôi chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ. Ở các bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi tôi thường xuyên phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước để hạn chế mầm bệnh. Đến lịch tiêm vacxin, trâu nhà tôi luôn có mặt sớm nhất”, ông Hà chia sẻ bí quyết nuôi trâu béo, khỏe.

Gia đình ông Nguyễn Quang Nghị là hộ cận nghèo (xóm Hoà Bình, xã Khôi Kỳ) nhận trâu vào tháng 12/2023. Đến nay, trâu sinh trưởng và phát triển tốt, không mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào.

“Con trâu là tài sản lớn đối với gia đình để vươn lên thoát nghèo, nên tôi chăm sóc kỹ lắm. Ngày nào tôi cũng kiểm tra xem trâu có biểu hiện gì bất thường không. Nếu có bệnh tôi sẽ báo ngay cho các anh ở uỷ ban”, ông Nghị cho hay.

Từ ngày tiếp nhận, trâu sinh sản của gia đình ông Nguyễn Quang Nghị chưa mắc bất kì loại bệnh truyền nhiễm nào. Ảnh: Quang Linh.

Từ ngày tiếp nhận, trâu sinh sản của gia đình ông Nguyễn Quang Nghị chưa mắc bất kì loại bệnh truyền nhiễm nào. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nghị và ông Hà đều là những nông dân chất phác, chăm chỉ cần cù lao động nhưng thiếu vốn để đầu tư giống vật nuôi chất lượng. Nay được nhà nước hỗ trợ con giống cùng quy trình chăm sóc, các hộ gia đình đều tuân thủ biện pháp nuôi dưỡng và phòng bệnh, trâu vì thế cũng phát triển tốt.

Nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Đại Từ đã phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thực hiện Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tham gia Tiểu dự án 1 có các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là thành viên các tổ hợp tác sản xuất chè và chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở các xã An Khánh, Tân Thái, Khôi Kỳ…

Với địa hình chủ yếu gồm đồi núi thấp, hệ thống sông, suối, khe rạch xen kẽ xã Khôi Kỳ có điều kiện thuận lợi để chăn nuôi gia súc phát triển. Tuy nhiên, hiện nay đàn gia súc trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy hết lợi thế của địa phương.

Dự án “Hỗ trợ chăn nuôi trâu sinh sản giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Khôi Kỳ năm 2023” hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và thu hẹp chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các xóm và các hộ trên địa bàn xã.

Bí quyết nuôi trâu béo khỏe của ông Hà là phòng bệnh từ sớm, từ xa. Ảnh: Quang Linh.

Bí quyết nuôi trâu béo khỏe của ông Hà là phòng bệnh từ sớm, từ xa. Ảnh: Quang Linh.

Thực hiện từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2025 với tổng kinh phí hơn 370 triệu đồng, các hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản được hỗ trợ về con giống, kỹ thuật chăm sóc. Ngoài 60% kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các hộ tham gia Tiểu dự án 1 đối ứng 40% kinh phí.

Dự án sẽ tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, nâng cao nhận thức, kiến thức về chăn nuôi trâu sinh sản. Từ đó, tăng số hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo, cận nghèo sau khi tham gia dự án, góp phần khẳng định hiệu quả gắn kết giữa kinh tế hộ, thúc đẩy hình thành phát triển kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã.

Đối tượng thụ hưởng là Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản giảm nghèo bền vững xã Khôi Kỳ, tổ hợp tác có tất cả 10 thành viên, trong đó toàn bộ là hộ nghèo.

Để thực hiện hiệu quả dự án sản xuất được phê duyệt và nhiệm vụ được giao, ông Phạm Văn An, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi trâu sinh sản giảm nghèo bền vững xã Khôi Kỳ cho biết, Tổ hợp tác chủ động đôn đốc bà con tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn trâu.

“Các hộ dân cần kết thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quản lý tốt con giống, nguồn nước, thức ăn; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, chủ động thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, bảo đảm không để gia súc mắc bệnh, không lây lan dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương”, ông Phạm Văn An lưu ý.

Nghé con lanh lợi, khỏe mạnh sau sinh từ trâu dự án. Ảnh: Quang Linh.

Nghé con lanh lợi, khỏe mạnh sau sinh từ trâu dự án. Ảnh: Quang Linh.

Không lơ là chủ quan trong phòng bệnh

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ cho biết, trước khi chuyển giao vật nuôi cho người dân, địa phương đã thực hiện chặt chẽ quy trình kiểm soát con giống, con giống nhập về nuôi khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, qua kiểm dịch theo quy định, thực hiện nuôi cách ly trước khi nhập đàn.

Cùng với đó, xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và biện pháp phòng chống từng hộ chăn nuôi trâu, bò và cộng đồng.

Hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học như thường xuyên chăm sóc tốt cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại (che ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè), định kỳ ít nhất 1 lần/tuần tiêu độc khử trùng bằng các chất sát trùng.

Hiện nay, giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng… trên trâu vẫn là tiêm phòng vacxin. Cán bộ thú y địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân tiêm định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên.

Từ nay đến cuối năm, trước diễn biến dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, UBND xã Khôi Kỳ sẽ tăng cường quản lý tổng đàn vật nuôi tại địa phương, tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ tại các điểm buôn bán, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò.

Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình vệ sinh 5 phòng, chống dịch. Căn cứ tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch tại địa phương để xem xét, đề xuất phát động triển khai các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nhằm chủ động tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập làm phát sinh và lây lan dịch.

Trong trường hợp gia súc mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, ông Lê Anh Tuấn đề nghị người dân báo ngay cho nhân viên thú y, chính quyền địa phương, cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh theo yêu cầu của nhân viên thú y cấp xã và chính quyền địa phương.

“Cách ly ngay gia súc mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh tại khu cách ly riêng tránh xa nơi có nguồn nước hoặc nguồn cung cấp thức ăn cho đàn trâu, bò khác. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, vứt xác trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh, trâu bò chết, sản phẩm trâu, bò mang mầm bệnh ra môi trường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Dự án kỳ vọng khi kết thúc sẽ giúp tỷ lệ thoát nghèo đạt 8/10 hộ tham gia. Với hình thức chăn nuôi trâu sinh sản, lợi nhuận thu lại trong năm đầu có thể chưa có, chủ yếu là tận dụng được nguồn phân bón cho sản xuất trồng trọt của gia đình.

Từ năm thứ 2 trở đi, trâu cái sinh sản ra nghé con tạo thành các con giống cho các hộ. Từ đó nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế của các hộ nghèo và hộ cận nghèo, giúp các hộ ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.