Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh
Anh Ma Văn Diện, trú tại xóm Trung, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) sinh ra trong gia đình có tới 11 anh chị em. Vốn đã không biết chữ, người vợ hiện nay của anh lại bị vấn đề về thính giác nên cuộc sống của anh Diện chưa lúc nào hết khó khăn.
Là hộ thuộc diện cận nghèo được hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024, anh Diện hy vọng “cần câu cơm” này sẽ giúp gia đình anh thoát nghèo.
“Đợt bão lũ vừa qua, toàn bộ diện tích trồng cỏ voi để nuôi trâu bị xoá sổ. Nước lũ dâng cao gần 2 mét cũng khiến lượng thóc dự trữ bị nảy mầm. Cuộc sống của gia đình tôi vì thế càng thêm khó khăn. Do đó, cặp trâu cái này đối với gia đình tôi chính là hy vọng cho tương lai học hành của con cái", anh Diện tâm sự.
Trước khi tiếp nhận trâu về nuôi, mỗi hộ dân phải trải qua lớp tập huấn về phương pháp nuôi và phòng chống dịch bệnh. Do không biết chữ, vợ lại bị nặng tai, vì thế mẹ vợ trở thành người đồng hành cùng anh Diện tới học tập kỹ thuật nuôi trâu sinh sản tại các lớp tập huấn.
Theo chia sẻ của cán bộ nông nghiệp xã Yên Đổ, ban đầu lớp học ai cũng thắc mắc chỉ có 8 hộ nhận trâu nhưng lại có tận 9 người tới học. Nhưng khi biết gia đình anh Diện có 2 người cùng học để hỗ trợ nhau ai cũng thông cảm và động viên, giúp đỡ.
Trao trâu, trao cả kỹ thuật chăm sóc
Xã Yên Đổ có 16 xóm, với 1.887 hộ, 7.389 nhân khẩu, gồm 9 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm 63%, dân tộc Kinh 37%. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao so với các xã trên địa bàn huyện Phú Lương với 63 hộ nghèo (chiếm 3,35%), 33 hộ cận nghèo (chiếm 1,75%).
Yên Đổ có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đặc thù là ngành chăn nuôi, nhưng chưa được phát huy hết khả năng hiện có của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ chưa tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, lực lượng lao động có trình độ nhận thức không đồng đều.
Để người dân được tiếp cận với nguồn sinh kế năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế giúp giảm nghèo bền vững và góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã triển khai Dự án “Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024”.
Năm 2024, huyện Phú Lương thực hiện cấp phát 48 con trâu cái giống (Tiêu chuẩn trâu Việt Nam có khối lượng từ 215 - 220kg/con), vật tư (tảng đá liếm 3kg/con, thức ăn tinh dạng viên 60kg/con, chế phẩm xử lý chuồng trại 0,75kg/con cho các hộ nông dân tham gia dự án).
Các hộ tham gia thực hiện mô hình chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực để thực hiện mô hình. Chuồng trại chăn nuôi tối thiểu phải có diện tích mặt nền từ 7-8m2 và có mái che mưa nắng, tường bao hoặc bạt tránh gió lùa, mưa hắt. Người dân phải có diện tích đất trồng cỏ tối thiểu là 1 sào... Ngoài ra, còn phải thực hiện cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường (dự án đã hỗ trợ chế phẩm để xử lý phân và môi trường chăn nuôi).
Tại xã Yên Đổ hiện đã chuyển giao hỗ trợ 16 con trâu cái giống nuôi sinh sản cho 8 hộ nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả có quản lý nhằm đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật để đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt.