| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà thả đồi gắn với tiêu thụ sản phẩm

Thứ Ba 26/12/2023 , 09:09 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Mô hình nuôi gà thả đồi gắn với tiêu thụ sản phẩm là dự án khuyến nông trung ương thực hiện tại Bình Định, giúphình thành mối liên kết mang lại hiệu quả cao.

Năm 2023, từ nguồn vốn hỗ trợ của khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Ân Hữu và Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân).

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ hộ chăn nuôi tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bền vững. Nông dân tham gia mô hình được đào tạo, tập huấn, tham quan để nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi. Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổng kết mô hình để nhân rộng nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định bàn giao gà giống cho các hộ trong mô hình. Ảnh: V.Đ.T.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định bàn giao gà giống cho các hộ trong mô hình. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Trần Thúy An , cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ: Mô hình triển khai nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng giá trị cho sản phẩm bằng việc xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Khi xây dựng dự án này, chúng tôi thuyết trình và đưa ra được những minh chứng cụ thể, tính khả thi cao nên bảo vệ được dự án trước hội đồng khuyến nông trung ương. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư; chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi, cam kết bao tiêu sản phẩm”.

Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai 2 đợt thả giống với quy mô 10.000 con. Mô hình phù hợp với điều kiện địa hình tại địa phương, tận dụng được gò đồi bỏ hoang hoặc vườn cây ăn quả để nuôi gà. Gà thả đồi đi lại nhiều nên thịt săn chắc, thơm ngon, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giá sản phẩm cao, cải thiện được thu nhập cho người chăn nuôi.

Gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, sau hơn 3 tháng nuôi gà đạt khối lượng trung bình 1,7 - 1,8kg/con. Nuôi gà thả đồi tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong nông hộ, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi gà gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi gà gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), 1 trong 5 hộ tham gia dự án chia sẻ: “Tham gia mô hình tôi được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vacxin tiêm phòng. Trong quá trình chăn nuôi, tôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tường tận từng khâu trong chăm sóc đàn gà. Trung tâm Khuyến nông Bình Định kết nối với HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá trị trường”.

Ông Trần Thanh Quan ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa) cho biết thêm: “Nhờ tham gia dự án nên tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi an toàn; tận dụng được không gian vườn để có chỗ cho gà đi lại, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận”.

Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, thành công bước đầu của dự án là cơ sở để đơn vị chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi an toàn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi của huyện Hoài Ân.

Các hộ tham gia mô hình chăm sóc đàn gà. Ảnh: V.Đ.T.

Các hộ tham gia mô hình chăm sóc đàn gà. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân đánh giá, mô hình liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai trên địa bàn là hướng đi của ngành nông nghiệp huyện để từng bước nâng cao chất lượng cho nông sản của địa phương. Riêng với chăn nuôi, Hoài Ân chú trọng phát triển gà thả đồi, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu.

“Mô hình liên kết chăn nuôi gà ở Hoài Ân chúng tôi không làm nửa vời như các mô hình khác mà liên kết tới nơi tới chốn. Ví như trước đây làm mô hình liên kết sản xuất, mối liên kết chỉ đến khâu tiêu thụ là chấm dứt, họ thu mua về làm gì mình không can thiệp. Nhưng với mô hình gà, Trung tâm Khuyến nông Bình Định liên kết xuyên suốt, khép kín. HTX Nông nghiệp Thanh Niên bao tiêu sản phẩm, tổ chức giết mổ, sơ chế, đóng bao bì để tiêu thụ với thương hiệu đặc sản gà đồi Hoài Ân”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.