Sinh kế của người dân sống ven rừng
Đầu tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026. Chính sách nói trên được áp dụng cho các cá nhân, tổ chức tham gia nuôi gà thả đồi trên địa bàn 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão cùng 2 huyện trung du là Tây Sơn và Hoài Ân.
Chính sách phát triển gà thả đồi của Bình Định đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, gồm: Kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gà đồi…
Ngoài được hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các địa phương nói trên còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đủ tiêu chuẩn vệ sinh, thú y phục vụ chế biến và tiêu thụ gà đồi trên địa bàn Bình Định.
Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng hoàn thiện bộ quy trình phù hợp chuyển giao cho người chăn nuôi. Những địa phương được hưởng lợi chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi ở Bình Định xem đây là cơ hội lớn để người dân sống ven rừng tham gia chăn nuôi, mở hướng phát triển kinh tế, tạo thêm sản phẩm chủ lực cho ngành nông nghiệp.
Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, cho hay, Tây Sơn là địa phương đang khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn. Những hộ có đủ điều kiện được hỗ trợ, tham gia nuôi gà thả đồi dưới tán rừng gỗ lớn sẽ có thêm nguồn thu nhập giúp họ lấy ngắn nuôi dài, trang trải sinh hoạt gia đình trong thời gian nuôi rừng gỗ lớn.
“Chính sách này góp phần giúp Tây Sơn sớm hoàn thành các tiêu chí về phát triển sản xuất ở khu vực vùng núi xã Vĩnh An, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây”, ông An vui mừng chia sẻ.
Chính sách có hiệu lực từ giữa tháng 8/2022 nhưng đến tháng 6/2023 mới thực hiện được. Bởi thời gian trước đó, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm giảm, nên hầu hết người chăn nuôi trên địa bàn Bình Định thận trọng trong việc đầu tư tái đàn gia cầm. Đến nay, đã có 23 hộ dân ở 2 huyện Tây Sơn và Hoài Ân đủ điều kiện tham gia thực hiện với tổng số gà thả nuôi 81.500 con.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát triển nuôi gà thả đồi trên địa bàn là sự biến động bất lợi về giá cả thị trường và sự liên kết chuỗi. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Định tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi. Khi người dân thấy cơ hội rộng mở, sản phẩm tiêu thụ ổn định thì chắc chắn họ sẽ tham gia ngày càng đông”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.
Vướng Luật Lâm nghiệp
Tuy nhiên, nuôi gà thả đồi nếu không được quy định cụ thể sẽ vướng Luật Lâm nghiệp. Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, tại khoản 2, Điều 25, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định: Đối với rừng phòng hộ, chủ rừng, bên nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ổn định là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, ảnh hưởng đến chất lượng, sức tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng.
Còn đối với rừng sản xuất tại khoản 2, Điều 30, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định: Đối với diện tích đã có rừng, chủ rừng được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, ảnh hưởng đến chất lượng và sức tái sinh của rừng.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, nuôi gà thả đồi là phải nuôi trên đồi. Dù gà nuôi được thả rông, nhưng chủ nuôi cũng cần có chuồng trại để trong giai đoạn đầu, khi mới mua con giống về có chỗ để úm gà con. Lồng úm gà con thiết kế ở một khu riêng, cần ấm vào mùa đông và luôn luôn thoáng mát, khô ráo về mùa hè, không có gió lùa, mưa tạt.
Khi gà lớn lên, chúng được thả rông đi kiếm thức ăn trong thiên nhiên để giảm chi phí đầu vào. Gà đi đứng nhiều thịt săn chắc, chất lượng thịt sẽ ngon hơn gà nuôi nhốt, nhưng khi gặp trời mưa cần phải có chuồng trại để gà vào trú. Chuồng trại còn có nhiệm vụ che chắn gió vào ban đêm, ngăn sự xâm nhập của côn trùng nhằm bảo đảm sức khỏe cho đàn gà và làm nơi dự trữ thức ăn.
“Thế nhưng xây dựng chuồng trại sẽ vấp phải những quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về một số điều của Luật Lâm nghiệp”, ông Diệp bộc bạch.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi gà thả đồi của bà con chủ yếu với quy mô nhỏ, thời gian nuôi ngắn, 1 vụ nuôi chỉ 3 - 4 tháng nên không cần làm chuồng trại kiên cố. Chuồng trại cũng được làm trên diện tích đất trống nên không làm thay đổi hiện trạng đất đang sử dụng, cũng không tác động đến rừng.
Do đó, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết, Sở NN-PTNT đã đề xuất với UBND tỉnh Bình Định cho hộ tham gia chăn nuôi gà thả đồi cam kết xây chuồng trại tạm thời. Không xây dựng kiên cố trên khoảng đất trống, không làm thay đổi mục đích sử dụng rừng và chấp hành cam kết tháo dỡ khi không còn chăn nuôi hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đối với những dự án chăn nuôi gà thả đồi lớn cần lắp dựng chuồng trại kiên cố, nhà kho, nhà bảo vệ trên đất đồi phải được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.