| Hotline: 0983.970.780

Nuôi hàu trên đầm Nha Phu

Thứ Ba 12/11/2013 , 10:05 (GMT+7)

Từ năm 2011 đến nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Viện III) đã triển khai mô hình “Nuôi hàu thương phẩm ở đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa"...

Từ năm 2011 đến nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Viện III) đã triển khai mô hình “Nuôi hàu thương phẩm ở đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa" không chỉ mở ra triển vọng cho người nuôi hàu bởi giá trị kinh tế cao, mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường.

Theo ThS Nguyễn Văn Hà, cán bộ triển khai mô hình, sau khi tiến hành khảo sát chọn địa điểm, mô hình nuôi hàu thương phẩm đã triển khai tại các thôn Tân Đảo, Ngọc Diêm, Tân Thành, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ba địa điểm này thuộc đầm Nha Phu, có điều kiện nuôi hàu thích hợp bởi kín gió, độ mặn trong khoảng 20 - 30‰, mật độ sinh vật phù du dày.

Năm đầu tiên dự án được chọn 13 hộ dân tham gia. Trước khi triển khai, dự án cử cán bộ tổ chức tập huấn kỹ thuật đồng thời hướng dẫn các hộ chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị đúng theo quy trình để tiếp nhận con giống theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Đồng thời hỗ trợ với số lượng 160.000 con giống/hộ, tương đương nuôi 800 dây. Mô hình nuôi hàu được triển khai bằng 2 hình thức nuôi đó là nuôi treo dây hàu trên bè nổi ở khu vực nuôi tôm hùm và treo dây hàu trên các giàn cố định ở khu vực nuôi vẹm.

Trong quá trình nuôi các hộ nuôi nhận thấy dây hàu có mật độ giống dày, vì vậy khi hàu lớn cả hai mô hình nuôi đều được họ sang chiết bớt hàu bám trên dây sang nuôi trong rổ giống như nuôi hàu đơn.

Mặc dù việc sang chiết tăng thêm chi phí nhân công và vật tư nhưng đảm bảo mật độ hàu vừa phải trên mỗi chùm vật bám trên dây, không làm dây chịu trọng tải quá nặng giúp hàu lớn nhanh hơn và tăng được giá trị thương phẩm.

“Kết quả sau hơn 5 tháng thả, 10 hộ nuôi thu hoạch năng suất trung bình 4,02 kg/dây (khoảng 25 con/kg), tổng sản lượng thu hoạch hơn 31,168 tấn. Như vậy các hộ triển khai mô hình đều thành công, có hiệu quả và tỷ lệ sống rất cao.

Đặc biệt ở các hộ tham gia mô hình nuôi bằng hình thức treo dây hàu trên bè nổi có diện tích (6m x 6m) thì nuôi đạt hơn, tỷ lệ sống cao 55 - 67%; kích thước đạt 27 con/kg. Với giá bán bình quân 25.000 - 27.000 đ/kg, trong khi đó giá thành đầu tư 10.000 - 15.000 đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí hầu hết các hộ đều có lãi và tái đầu tư nuôi thương phẩm trong các vụ sau”, ThS Hà cho biết thêm.

Tại đầm Nha Phu, ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Ngọc Diêm, một trong những hộ nuôi hàu cho biết, đây là đối tượng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Chúng sống nhờ vào nguồn tảo có sẵn trong nước nên không phải tốn chi phí thức ăn. Bà con có thể kết hợp nuôi với các đối tượng khác như tôm hùm, cá… để tăng nguồn thu nhập.

Như gia đình ông, sau khi vụ đầu tiên tham gia dự án được hỗ trợ thả 16 vạn con giống nuôi thành công lãi hàng chục triệu đồng nên đến nay ông vẫn tiếp tục nuôi đối tượng này.

“Vụ năm ngoái tôi thả 17 vạn giống, thu hoạch gần 4 tấn, bán với giá 25.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi lãi hơn 50 triệu đồng. Còn năm nay gia đình tôi mở rộng diện nuôi thả với số lượng gần gấp đôi hiện hàu đã đạt kích thước 20 - 25 con/kg, sắp cho thu hoạch, với giá thị trường hiện nay 25.000 - 27.000 đ/kg, sau khi thu hoạch tôi sẽ lãi khá”, ông Tuấn tin tưởng.

Cũng như hộ ông Tuấn, gia đình bà Hồ Thị Xuân Hương, người cùng thôn, sau khi vụ đầu tiên nuôi hàu có lãi, thì diện tích nuôi hàu của bà không ngừng mở rộng theo từng năm.

Bà cho biết, năm ngoái thả nuôi gần 1.000 dây hàu cho thu hoạch 4 tấn, sau khi trừ chi phí thì lãi hơn nửa. Còn vụ năm nay gia đình bà thả số lượng hơn 1.200 dây, hiện hàu sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ bội thu.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất