| Hotline: 0983.970.780

Nuôi heo nói không với dịch bệnh

Thứ Tư 25/03/2020 , 11:15 (GMT+7)

Nhờ áp dụng giải pháp an toàn sinh học, nhiều lứa heo nuôi trong năm 2019 của bà Lệ vượt được “bão” dịch tả lợn châu Phi, cho bà khoản lợi nhuận tiền tỷ.

Hiện bà lệ xây dựng chuồng trại nuôi heo trên diện tích 1.200m2, đang nuôi 400 heo thịt theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: An Nhân.

Hiện bà lệ xây dựng chuồng trại nuôi heo trên diện tích 1.200m2, đang nuôi 400 heo thịt theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: An Nhân.

Tính đến nay, bà Trần Thị Lệ (54 tuổi) ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã có gần 15 năm trong nghề nuôi heo.

Công cuộc nuôi heo của bà Lệ bắt đầu từ năm 2005, lúc này bà nuôi quy mô nhỏ, chỉ 50 – 70 con. Khi ấy, mặc dù chưa áp dụng giải pháp nuôi an toàn sinh học, nhưng bà Lệ đã nhận thức được con giống là mấu chốt của sự thành bại, nên bà chỉ mua giống sạch bệnh ở những trang trại uy tín.

Nhờ đó, công cuộc nuôi heo của bà Lệ đã có những thành công nối tiếp thành công. Quy mô đàn heo của bà Lệ tăng dần từng năm.

Sau nhiều năm tích lũy từ nghề nuôi heo, đến năm 2018 bà Lệ quyết định mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi trên diện tích 1.200m2 tại thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) và tăng đàn heo thịt lên 400 con, đồng thời bắt đầu áp dụng giải pháp nuôi an toàn sinh học.

2 dãy chuồng nuôi heo của bà Lệ được xây dựng kiên cố, thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Heo được trang bị bể tắm, máng ăn uống tự động.

Đặc biệt, trang trại nuôi heo của bà Lệ nằm cách xa khu dân cư và các trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn, nên hạn chế được dịch bệnh bệnh lây lan từ những đàn heo bệnh hoặc từ những phương tiện vận chuyển gia súc nhiễm bệnh.

Năm 2019 là năm có không ít người nuôi heo ở Bình Định khốn đốn vì dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng đàn heo của bà Lệ vẫn “bình chân như vại”, cho bà khoản thu nhập tiền tỷ.

Năm 2019, dù dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi ở Bình Định nhưng trang trại nuôi heo của bà Lệ vẫn an toàn tuyệt đối. Trong năm 2019 bà Lệ xuất bán ra thị trường khoảng 800 con heo thịt, cho khoản lợi nhuận cả tỷ đồng.

Bà Lệ chia sẻ: “Để có đàn heo khỏe mạnh, trước tiên con giống phải sạch bệnh.

Do đó, tôi chỉ chọn mua giống ở những trang trại chuyên sản xuất heo giống quy mô lớn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trước khi cơ sở sản xuất heo giống xuất bán heo cho mình, tất cả heo giống đều được họ xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi, heo sạch bệnh họ mới bán nên mình yên tâm nuôi.

Sau khi về chuồng, heo giống tiếp tục được tiêm chủng tùy theo tình hình dịch tễ tại địa phương với các bệnh: Tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả lợn cổ điển…”.

Cũng theo bà Lệ, trong quá trình nuôi, công tác phòng dịch phải được thực hiện chặt chẽ. Lối đi vào khu nuôi heo được rắc vôi hàng ngày, chuồng trại được làm vệ sinh thường xuyên, mỗi tuần được phun sát trùng 1 lần.

Đặc biệt, bà Lệ tuyệt đối không để người ngoài đi vào chuồng trại, chỉ nhân viên làm việc trong trang trại mới được vào.

Nhờ nuôi heo theo hướng an toàn sinh học nên trong năm 2019 trang trại nuôi heo thịt của bà Lệ vượt qua được

Nhờ nuôi heo theo hướng an toàn sinh học nên trong năm 2019 trang trại nuôi heo thịt của bà Lệ vượt qua được "bão" dịch tả lợn châu Phi, cho bà lợi nhuận cả tỷ đồng. Ảnh: An Nhân.

Không chỉ nuôi heo trong trang trại nhà, bà Lệ còn hợp tác nuôi heo với những hộ chăn nuôi khác trong vùng.

Theo bà Lệ, do heo giống hiện có giá quá đắt, 1 con heo giống có trọng lượng chỉ 13kg đã có giá đến 2,3 triệu đồng, nên các hộ chăn nuôi trong vùng không có khả năng tái đàn.

Vả lại, hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp nên ngành chức năng khuyến cáo nông dân không được tái đàn kiểu bất chấp, do đó nhiều chuồng trại nuôi heo của bà con bị bỏ trống.

Vậy là bà Lệ hợp tác với nông dân theo kiểu “nuôi heo trả công”. Bà mua heo giống bỏ vào chuồng của bà con. Suốt quá trình nuôi bà Lệ cung ứng thức ăn và chịu trách nhiệm về thú y cũng như các giải pháp an toàn dịch bệnh.

“Sau khi xuất bán heo, tôi trả công cho người nuôi 200.000đ/1 con, nếu có lãi nhiều tôi sẽ cho thêm mỗi người nuôi 2 – 3 triệu đồng”, bà Lệ nói.

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.