| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong rừng ở Giăng Màn: [Bài cuối] Nâng tầm trên sàn OCOP

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:08 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Huyện Minh Hóa với mục tiêu sớm đưa các sản phẩm từ mật ong vào tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại và hướng đến xuất khẩu.

Ngoài việc nâng cao chất lượng thì người nuôi ong cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để khách hàng biết đến. Ảnh: T. Đức.

Ngoài việc nâng cao chất lượng thì người nuôi ong cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để khách hàng biết đến. Ảnh: T. Đức.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa (Quảng Bình), cho biết, nghề nuôi ong tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có từ rất lâu, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

“Hiện, toàn huyện có khoảng 6.200 đàn ong tập trung nuôi ở 13/15 địa phương. Trong đó nhiều nhất là ở các xã Xuân Hóa, thị trấn Quy Đạt, Hóa Hợp, Hồng Hóa, Hóa Phúc... Tổng sản lượng mật thu hoạch năm 2023 là trên 616 tấn”, bà Thanh Bê nói thêm.

Giá tăng nhờ sản phẩm OCOP

Dù huyện Minh Hóa có tổng đàn ong lớn, sản lượng nhiều, chất lượng mật rất tốt, song việc xây dựng thương hiệu chưa được người nuôi chú trọng. Từ đó, đó giá bán sản phẩm mật ong không cao, thương hiệu mật ong trên địa bàn chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Hiện, việc tiêu thụ chủ yếu đang còn là sản phẩm thô, bán theo can, theo chai.

Từ năm 2021, huyện Minh Hóa hỗ trợ cho xã Hóa Sơn xây dựng thương hiệu và sản phẩm mật ong tại xã Hóa Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, hiện xã có trên 50 hộ nuôi ong lấy mật.

Trước đây, bà con cũng tiêu thụ theo kiểu truyền thống, nghĩa là bán mật đong vào can, vào chai nút bằng lá chuối, lõi ngô mà thôi. Sau khi được huyện hỗ trợ, sản phẩm mật ong Hóa Sơn dần được người tiêu dùng biết đến.

“Hiện, người dân trong xã nuôi khoảng 800 đàn ong. Sản phẩm của chúng tôi được giới thiệu đến với người tiêu đùng được tốt hơn. Thu nhập mỗi hộ nuôi ong trung bình được trên 30 triệu đồng mỗi năm”, ông Đinh Hồng Tuyên cho hay.

Xã Hóa Sơn hiện có gần 450 hộ dân sinh sống tại 3 thôn và 2 bản là Lương Năng và Hóa Lương. Nhờ phát triển nuôi ong lấy mật nên có thu nhập khá ổn định và đời sống của bà con cũng đỡ vất vả hơn trước.

Theo nhiều người nuôi ong ở đây cho hay, sau khi sản phẩm mật ong được công nhận là sản phẩm OCOP thì sức tiêu thụ cũng được tăng lên, đồng thời giá cả cũng tăng lên nhiều và ổn định hơn so với trước đây.

Sản phẩm từ ong mật của huyện Minh Hóa được đánh giá chất lượng cao và có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Ảnh: T. Đức.

Sản phẩm từ ong mật của huyện Minh Hóa được đánh giá chất lượng cao và có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Ảnh: T. Đức.

Gia đình ông Nguyễn Viết Xuân (thôn Đặng Hóa), nuôi được 50 đàn ong, mỗi năm cũng có thu nhập thêm khoảng 45 triệu đồng. Tại bản Lương Năng, phong trào nuôi ong lấy mật cũng đã trên đà phát triển.

Ông Cao Cảnh, một người dân của bản đã phát triển lên đàn ong thứ 20 cũng rất phấn khởi cho hay: “Mỗi đàn ong lấy mật cũng cho thu nhập ít nhất là 800 ngàn đồng mỗi mùa lấy mật đó. Nhờ nuôi ong mà gia đình tôi cũng có được thu nhập cao trong điều kiện khó khăn ở vùng miền núi này. Gia đình cũng đang cố gắng để mỗi năm nuôi tăng đàn nhằm có thu nhập cao hơn”.

Thành lập Hợp tác xã nuôi ong

Chúng tôi trở lại xã Xuân Hóa, nơi đang phát triển nghề nuôi ong lớn nhất ở vùng miền núi này. Ông Ông Đinh Xuân Sòng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa cho biết, xã có diện tích rừng tự nhiên trên 4.700ha, nên tiềm năng phát triển nghề nuôi ong là rất lớn.

Hiện, Xuân Hóa là địa phương có nhiều hộ gia đình nuôi ong lấy mật đứng đầu tại huyện Minh Hóa với với gần 2.000 đàn ong. Mỗi năm, sản lượng mật thu về khoảng trên 14 tấn, tương đương khoảng 1,4 tỷ đồng. Nhờ nghề nuôi ong, kinh tế của các hộ dân đã ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Để tạo điều kiện cho những gia đình gặp khó khăn phát triển kinh tế hộ, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi ong. “Vừa qua, từ nguồn vốn của chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã giải ngân hơn 300 triệu đồng hỗ trợ các gia đình nuôi ong là hộ nghèo 14 triệu đồng, hộ cận nghèo 12 triệu đồng và hộ mới thoát nghèo 8 triệu đồng”, ông Đinh Xuân Sòng cho biết thêm.

Sản phẩm mật ong Xuân Hóa đang tiến đến có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: T. Đức.

Sản phẩm mật ong Xuân Hóa đang tiến đến có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: T. Đức.

Hiện, nhiều địa phương của huyện miền núi Minh Hóa, dù nuôi ong lấy mật đang là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân, số lượng đàn ong không ngừng tăng lên theo từng năm. Riêng xã Xuân Hóa năm 2023 là 1.400 đàn ong thì năm 2024 đã tăng thêm trên 300 đàn ong. Song, các hộ nuôi vẫn cảm thấy bất an trong khâu tiêu thụ khi mật ong tại xã Xuân Hóa vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu, chưa có chỉ dẫn địa lý.

Dù là địa phương đứng đầu về nuôi ong lấy mật ở huyện Minh Hóa, nhưng người nuôi ong ở xã Xuân Hóa vẫn tiêu thụ sản phẩm mật ong đều là tự phát, người nuôi tự liên hệ các mối tiêu dùng thân quen mua để dùng và làm quà biếu trong huyện, trong tỉnh, giá bán khá thấp.

Ông Đinh Xuân Hưng là một người nuôi ong lành nghề ở xã Xuân Hóa, cho rằng, chất lượng mật ong tại xã Xuân Hóa được đánh giá là rất tốt, sản phẩm từ tự nhiên. Song, do một số khó khăn trong việc đăng ký nhãn mác, đăng ký kinh doanh để khẳng định thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm mật ong tại địa phương đang không ổn định. Dù mang lại thu nhập kinh tế cao, nhưng nhiều hộ dân vẫn e ngại tăng đàn để nâng cao sản lượng.

“Mong muốn của bà con là sản phẩm mật ong Xuân Hóa sớm được đăng ký nhãn mác, đăng ký kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Qua đó, sản phẩm mật ong địa phương có thể xâm nhập được tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản sạch địa phương, việc tiêu thụ ổn định và giá bán cao hơn”, ông Hưng nói thêm.

Để sản phẩm mật ong Xuân Hóa được đưa ra thị trường rộng với nhiều khách hàng biết đến, xã Xuân Hóa đã chỉ đạo thành lập Hợp tác xã nông sản Xuân Hóa. Ông Đinh Thanh Bình được bà con tín nhiệm “tiến cử” làm giám đốc.

Theo ông Bình, mật ong xã Xuân Hóa có màu vàng cánh gián đặc quánh, có độ kết dính cao, hương thơm mang hương vị nhẹ nhàng của các loài hoa núi rừng tự nhiên nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

“Hiện, giá mật ong giao động khoảng 150.000 đồng/chai 1,5 lít. Vì vậy, hợp tác xã phải xây dựng thương hiệu trên cơ sở chất lượng của sản phẩm để tăng thêm đầu ra và có giá cả hợp lý hơn nhằm tăng thu nhập cho bà con”, ông Bình nói.

Nuôi ong ở huyện miền núi Minh Hóa phát triển đa dạng ở môi trường nuôi vùng nông thôn. Ảnh T. Đức.

Nuôi ong ở huyện miền núi Minh Hóa phát triển đa dạng ở môi trường nuôi vùng nông thôn. Ảnh T. Đức.

Cũng theo ông Bình, Hợp tác xã nông sản với nhiều sản phẩm nhưng lấy mật ong là sản phẩm mũi nhọn phát triển. Hiện thành viên của hợp tác xã đã có trên 700 đàn ong chất lượng.

“Theo lộ trình thì hàng năm chúng tôi cũng phát triển số lượng đàn ong trên cơ sở chú trọng chất lượng đàn và áp dụng các khoa học công nghệ trong nuôi ong và chế biến mật ong theo hướng chất lượng cao”, ông Bình chia sẻ.

Hiện tại, Hợp tác xã nông sản Xuân Hóa đang thực hiện các thủ tục để triển khai tem nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong và đăng ký là sản phẩm OCOP của địa phương. Ông Đinh Xuân Sòng nhìn nhận đó là hướng đi đúng của hợp tác xã trong lộ trình xây dựng thương hiệu mật ong của Xuân Hóa.

“Chúng tôi đang tích cực vận động người dân đẩy mạnh các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong Xuân Hóa. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm, kết nối với các đơn vị để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mật ong, qua đó tạo tâm lý yên tâm cho các hộ nuôi”, ông Đinh Xuân Sòng nói thêm.

Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa cho rằng, huyện Minh Hóa đang chỉ đạo các địa phương có thế mạnh về nghề nuôi ong cần đa dạng hóa các sản phẩm từ mật ong. Huyện hỗ trợ bà con trong việc đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu với mục tiêu sớm đưa các sản phẩm từ mật ong vào tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại và xa hơn là xuất khẩu.

Xem thêm
Khánh Hòa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi

Khánh Hòa Kết quả xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Người trồng cam xoay xở chống hạn

HÀ TĨNH Đợt nắng nóng gay gắt tại Hà Tĩnh dự báo kéo dài. Đây là thời điểm cây cam ở giai đoạn nuôi quả, quyết định năng suất nên người dân đang xoay xở chống hạn.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm