| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong rừng ở Giăng Màn: [Bài 1] Công phu thuần hóa ong rừng

Thứ Hai 10/06/2024 , 10:45 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Dưới chân núi Giăng Màn, huyện Minh Hóa, người dân từ thuần hóa ong rừng để nuôi lấy mật nay đã trở thành nghề có thu nhập cao.

Trong vườn nhà nuôi ong chia tổ và lấy mật của ông Đinh Long. Ảnh: T. Đức.

Trong vườn nhà nuôi ong chia tổ và lấy mật của ông Đinh Long. Ảnh: T. Đức.

Độc đáo nghề “ăn ong”

Nói không ngoa, ông Đinh Long (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) là người có tên tuổi trong nhiều người làm nghề “ăn ong” (cách gọi của bà con vùng miền núi Quảng Bình dành cho người chuyên nghề vào rừng lấy mật ong hay bắt ông rừng về nuôi thuần hóa).

Từ thời trai trẻ cho đến nay vào cái tuổi “cổ lai hy” nhưng ông vẫn yêu cái nghề này. Đến khi huyện Minh Hóa chủ trương thành lập Hội Nuôi ong, ông được bầu chọn làm Chủ tịch hội mà còn có người còn giơ cả hai tay ủng hộ.

“Cái nghề “ăn ong” bữa nay cũng đi nhưng không thường xuyên. Phần vì ong đàn nhà nuôi tự tách đàn cũng nhiều, phần vì ong rừng phải đi xa hơn”, ông bộc bạch với chúng tôi như vậy.

Ông Đinh Long cũng còn nhớ, cái thời còn tuổi mới lớn là đã được cha cho đi theo vào rừng để dạy cho cách quan sát ong thợ ăn mật hoa ở triền núi hay khi nó sà xuống uống nước ở con suối cạn. Cha dạy quan sát cách nó bay lên có mấy vòng xoắn để nhận biết tổ ong hướng nào và còn cách bao xa.

 “Hồi nớ, chỉ chú trọng lấy mật thôi. Chớ còn bắt ong về thuần hóa để nuôi cũng ít lắm. Trong thôn cũng chỉ vài nhà treo hai đỏ ong ở hai đầu hồi chớ cũng không mấy nhà nuôi. Người ta sợ ong dạn đốt con trẻ thì nguy”, ông Long gật gật đầu nói.

Khi được người cha truyền nghề cho, ông Long mới cảm nhận cái hay của nghề "ăn ong” về làm giống. Đây không chỉ đơn thuần là việc kiếm tiền mà còn được chiêm nghiệm tính kỷ luật, lao động cần cù của loài ong và được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều điều kỳ thú.

Theo lời ông Đinh Long, hàng năm khi những cơn gió heo may tràn về, tiết trời chuyển từ mát mẻ sang lạnh giá, cũng là lúc những đàn ong mật sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét.

“Thông thường, chỗ mà đàn ong rừng làm tổ trú đông thường là những bọng cây hoặc sau này là những cột điện rỗng ruột của mấy tuyến điện lên vùng biên giới. Đó cũng là thời điểm những người đi “ăn ong” dùng kỹ năng để dụ đàn ong vào ở trong những cái tổ ong mồi mang theo của mình”, ông Long nói.

Theo đó, tổ ong mồi là một khúc gỗ, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín. Trên thân tổ ong mồi vào đoạn ở giữa được khoét một cái lỗ nhỏ gọi là cửa. Trước khi săn ong, người thợ dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành tổ để tạo mùi hấp dẫn đàn ong rừng.

Khi mùa đông giá lạnh sắp về, đàn ong thường chọn những cây lớn rỗng ruột hay cột điện rỗng ruột để làm tổ trú gió đông. Nếu là ở từ thị trấn Quy Đạt (trung tâm huyện Minh Hóa), cánh thợ "ăn ong” theo đường quốc lộ 12A đi lên hướng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo để thực hiện chuyến đi săn.

Dọc đường đi, thế nào cũng gặp nhiều tốp người thợ săn từ các xã Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Thanh và cả những người từ Hà Tĩnh cùng ngược vào. Đồ nghề họ mang theo cũng đơn giản, đó là chiếc vợt bằng vải màn và vài ba cái tổ mồi mà bà con còn gọi là “chăng”. Họ đi, gặp nhau, trò chuyện kết thân và trở thành bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong nghề hay mạn đàm chuyện hay, chuyện tốt ở quê mình.

Ông Đinh Long đang kiểm tra chất lượng tổ ong. Ảnh: T. Phùng.

Ông Đinh Long đang kiểm tra chất lượng tổ ong. Ảnh: T. Phùng.

Thú vị nghề dụ "ong sứ" và "san ong"

Ông Đinh Long cho chúng tôi hay, trước đây, ong rừng thường chọn những bọng cây rừng để đóng tổ, nhưng thời gian gần đây những cây cột điện rỗng ruột thường được đàn ong chọn để làm tổ trú ngụ qua mùa đông nhiều hơn.

Khi chớm đông, việc chọn tổ để tránh rét của đàn ong được giao cho những chú ong thợ nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhất trong đàn đảm nhận. Những con ong này được những người thợ “ăn ong” gọi là ong "sứ”, có nơi gọi là “ong thăm”. Những chú ong nhận nhiệm vụ này bay lượn khắp nơi và thường tìm các lỗ được đúc sẵn trên các cột điện hay lỗ tự nhiên trên thân cây để tìm chỗ trú cho đàn.

Khi phát hiện ong "sứ", người thợ nhanh chóng bán đuổi và khi có điều kiện thuận lợi dùng vợt để bắt. Sau đó, khéo léo cho ong "sứ" vào tổ ong mồi và bịt kín nhốt khoảng vài phút rồi mở cửa trả tự do. “Đối với những chú ông “sứ”, khi được thả vào tổ ong vẫn cứ làm nhiệm vụ thám hiểm, tìm tòi xem đó có phải là nơi lý tưởng làm tổ không. Nếu thấy được nó bay đi gọi đàn về ”, ông Đinh Long chia sẻ kinh nghiệm dụ ong.

“Khi ông “sứ” bay đi rồi, những người thợ “ăn ong” bắt đầu hồi hộp chờ đợi kết quả. Vì giai đoạn này được hay không thành là biết ngay”, ông Đinh Long tiếp câu chuyện .

Nhiều gia đình ở huyện Minh Hóa đã phát triển đàn ong trở thành thu nhập chính. Ảnh: T. Phùng.

Nhiều gia đình ở huyện Minh Hóa đã phát triển đàn ong trở thành thu nhập chính. Ảnh: T. Phùng.

Theo ông Long, từ khi ong "sứ" bị bắt đưa vào tổ mồi đến hết quá trình những đợt ong liên tiếp đến được gọi là quá trình "ong thăm". Bởi lúc con ong "sứ" rời tổ ong mồi bay đi sẽ có hai khả năng xảy ra. “Một là nó bỏ đi tìm chỗ khác, hai là nó về gọi đàn. Nếu đợi khoảng chục phút không thấy ong “sứ” trở lại, người “ăn ong” biết là thất bại và phải tìm con khác làm lại quy trình, với hy vọng đàn ong sẽ kéo về”, ông Đinh Long chia sẻ thêm.

Ngoài cách bắt ong “sứ” đưa vào ổ mồi để nó kêu gọi đàn về, những người “ăn ong” còn đi tìm những cây cột điện đã có đàn ong làm tổ để săn. Ở những cột điện này, đàn ong đã làm tổ trú ngụ, có nghĩa là nó đã yên vị trong đó và khả năng để nó rời bỏ tổ để vào các tổ mồi là rất khó xảy ra. Chính vì vậy, những người thợ phải sử dụng đuốc hay que hương để hun khói. Đàn ong không chịu được mùi khói hương sẽ vỡ tổ bay ra ngoài.

Trước đó, thợ đã treo nhiều tổ mồi xung quanh khu vực đó. Đàn ong trong lúc vỡ tổ bay ra, phát hiện những tổ mồi đang treo sẵn bay vào để trú ngụ. Khi đàn ong vào hết trong tổ người thợ chỉ cần nhẹ nhàng dùng lá cây hoặc giấy bịt lỗ lại và đưa cả tổ ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà, bắt đầu một quy trình khác gọi là “san ong”.

Từ ong rừng đã trở thành ong nhà và trở thành đòn bẩy để giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: T. Phùng.

Từ ong rừng đã trở thành ong nhà và trở thành đòn bẩy để giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: T. Phùng.

Ông Đinh Long cho hay: “Từ tổ ong mồi nhỏ gọn, đàn ong sẽ được san sang những tổ khác rộng lớn hơn. Từ đây, đàn ong bắt đầu quá trình sinh trưởng, làm việc để khoảng ba tháng sau, qua mùa xuân, không khí ấm áp, trăm loài hoa đua nhau nở, đàn ong sẽ cho những tổ ong mọng mật”.

Theo nhiều thợ “ăn ong” lão luyện, mùa săn ong diễn ra trong vòng ba tháng cuối năm. Trong thời gian đó, có nhiều người thu được hàng chục tổ, nhưng cũng có người chỉ được vài ba tổ.

Ở bản Bãi Dinh (xã miền núi Dân Hóa, huyện Minh Hóa), tôi làm quyen với ông Lê Văn Bốn (quê huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), vào đây để săn ong. Ông Bốn cho hay, không phải ở ngoài đó hết ong mà cũng muốn vào đây như là để có chuyến đi du lịch mọi miền quê, biết thêm được phong tục, tập quán quê người.

“Tôi vào từ mùa ong năm ngoái. Năm đó, cả chuyến đi dài ngày cũng được gần năm chục tổ ong. Năm nay chưa duyên nhiều nên cũng chỉ được hơn hai chục tổ. Năm sau, chắc tôi ra vùng Con Cuông đó. Chỗ nào cũng có niềm vui mà. Thông thường, một đàn ong giống có giá 500.000 đồng, nhưng có đàn đông quân và thời điểm giá lên cũng bán được cả triệu đồng,” ông Bốn bộc bạch về nghề.

Ở xã Xuân Hóa bây giờ nhiều người nuôi ong lắm. Nhưng ông Đinh Long không cần phải đi “săn” ong rừng về làm giống nữa, bởi ông đã tự mình tách đàn, nhân giống ong để nuôi và bán cho người nuôi ong. Lâu lâu, nhớ nghề ông lại làm mấy chuyến ngược lên đại ngàn thôi. “Năm nay, tôi cũng bán được 40 tổ ong cho bà con quanh vùng. Từ nuôi ong tách tổ đến thu hoạch bán mật gia đình cũng có thu nhập hơn trăm triệu đồng”, ông Đinh Long tâm sự.

Xem thêm
Triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh các cơ sở chăn nuôi

QUẢNG BÌNH Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

Xuống đồng chăm sóc lúa hè thu giữa nắng nóng gay gắt

HÀ TĨNH Những ngày này tại Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, tuy nhiên nông dân vẫn tích cực xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa hè thu...

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm