Với đặc điểm tự nhiên của vùng ĐBSCL, Đồng Tháp có điều kiện lý tưởng cho việc phát triển mô hình trữ cá đồng trong ruộng lúa. Vào mùa nước nổi, các cánh đồng ngập nước trở thành môi trường sống lý tưởng cho các loài cá đồng như: cá rô, cá lóc, cá trê, cá mè, tai tượng, mè vinh. Sau khi mùa nước rút, những loài cá này có thể được giữ lại trong ruộng, cung cấp một nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân.
Nếu như mùa nước năm trước toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 150ha được người dân các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và TP Hồng Ngự tiến hành trữ cá đồng, thì đến mùa nước năm nay đã tăng lên hơn 400ha. Riêng huyện Tam Nông là địa phương có nhiều diện tích trữ cá đồng nhất với 170ha, 78 hộ tham gia. Trong nhiều năm, phương pháp nhử cá đồng được đánh giá cao về mặt hiệu quả vì vừa giúp người dân có thêm thu nhập vừa thân thiện môi trường.
Với cánh đồng nước 2ha vừa thu hoạch vụ lúa hè thu xong, gia đình ông Trần Văn Chát, ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông đã mở đập cho nước lũ vào đồng ruộng khoảng hơn 1 tuần nay đã nhữ được nhiều cá đồng vào ruộng sinh sống. Tuy nhiên, do nước nổi đầu mùa về ít, lượng cá có thể không đạt nên người dân mua thêm cá cũng được khai thác trong tự nhiên để thả vô. Bên cạnh đó, lưới cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng quây xung quanh đồng ruộng, giữ cá nếu nước tràn đê.
Ông Nguyễn Văn Nam, một nông dân ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, có 2,5ha trữ cá đồng trên ruộng lúa cho biết: Sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình ông không để ruộng khô mà giữ nước lại để trữ cá. Những loài cá này vừa là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho gia đình, vừa giúp gia đình có thêm thu nhập khi bán ra thị trường. Riêng vụ cá đồng nuôi trong ruộng lúa gia đình ông thu nhập gần 18 triệu đồng, đủ chi phí mua phân thuốc cho đầu tư vụ lúa tiếp theo là đông xuân.
Theo ông Nam, mô hình này không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ lúa mà còn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Ngoài việc tăng thu nhập, việc trữ cá đồng trong đồng ruộng còn giúp cải thiện chất lượng đất cho vụ lúa tiếp theo. Khi cá sinh trưởng, chúng làm mềm đất, đồng thời phân thải của cá còn làm phân hữu cơ đem lại giàu dinh dưỡng cho đất, giúp cho vụ lúa tiếp theo phát triển mạnh hơn. Đây cũng là một biện pháp hiệu quả giúp nông dân giảm lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường.
Trước những lợi ích rõ ràng của mô hình trữ cá đồng, ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, cho biết: Mô hình trữ cá đồng sau vụ lúa là một hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp bền vững theo thuận thiện và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Địa phương nhận thấy hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường từ mô hình này và khuyến khích bà con nông dân tiếp tục áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: Hồng Ngự là địa phương giáp với biên giới Campuchia nên rất thuận lợi phát triển các mô hình sinh kế mùa lũ, trong đó mô hình trữ cá đồng mang lại hiệu quả kép cho nông dân. Để phát triển mô hình này bền vững và được triển khai hàng năm từ tháng 7-8 nông dân thu hoạch lúa hè thu xong cho nước lũ vào đồng ruộng và trữ cá đến tháng 11-12 sẽ thu hoạch rồi tiến hành xuống giống vụ đông xuân.
Hiện nay địa phương cũng đang phối hợp với các chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con phát triển mô hình trữ cá ruộng đem lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về vốn và đầu ra cho sản phẩm. Mục tiêu là giúp nông dân không chỉ trữ cá hiệu quả mà còn phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến sản phẩm cá đồng, từ chế biến đến tiêu thụ.
Theo ông Khơi, mặc dù mô hình trữ cá đồng đang mang lại nhiều lợi ích, nhưng nông dân cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh cho cá. Nước trong ruộng lúa thường bị ô nhiễm bởi các chất thải từ nông nghiệp, đặc biệt là thuốc trừ sâu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cá.
Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cá đồng cũng là một thách thức không nhỏ. Thị trường tiêu thụ cá đồng chưa thực sự ổn định, giá cả biến động khiến nhiều nông dân lo ngại về khả năng tiêu thụ sản phẩm. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo địa phương đang thúc đẩy việc xây dựng các HTX và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông dân.