| Hotline: 0983.970.780

Nuôi vịt - nghề đang 'hot'

Thứ Ba 13/08/2019 , 08:33 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay xã Tân Tiến đã xuất bán ra thị trường được gần 500 tấn vịt thịt, doanh thu 15-17 tỷ đồng, trừ mọi chi phí đầu tư, người chăn nuôi vẫn lãi được công lao động 2,7-3,3 tỷ đồng, tùy thời điểm.

09-40-09_dn_vit_cu_gi_dinh_ong_chi
Nhiều hộ nuôi vịt bài bản, an toàn dịch bệnh.

Xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên là địa phương rất năng động trong sản xuất nông nghiệp. Nhà nông trên địa bàn luôn biết tận dụng mọi tiềm năng lợi thế sẵn có, để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, giá trị gia tăng cao.

Phong trào nuôi vịt thịt ở 2 thôn Vĩnh Lộc và Hòa Bình Hạ là một minh chứng đáng kể. Tổng đàn vịt nuôi thường xuyên ở các thôn nói trên đạt gần 40.000 con, hầu hết được chăn thả trên các ao hồ ven các kênh thủy nông Bắc Hưng Hải.

Theo đó mỗi tháng các gia đình chăn nuôi ở đây đã xuất bán ra thị trường được hơn 70 tấn vịt thịt, doanh thu 2,5 - 2,8 tỷ đồng, trừ mọi chi phí vật tư, người chăn nuôi vẫn còn lãi được công lao động 450-550 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm.

Ông Đàm Văn Chỉ (thôn Hòa Bình Hạ) đã ngoài 60 tuổi vẫn thường xuyên nuôi 4.000 con vịt thịt. Do chăm sóc tốt và cho ăn cám viên công nghiệp mua từ các cơ sở sản xuất có uy tín, nên vịt của ông Chỉ nuôi 42-45 ngày đã cho xuất bán, trọng lượng quân bình đạt 2,7-3,2kg/con.

Để có vịt thịt cung ứng ra thị trường thường xuyên hơn và quay vòng đồng vốn đầu tư nhanh hơn, ông Chỉ đã thực hiện chăn nuôi gối đàn, mỗi đàn nuôi 2.000 con cách nhau 21-23 ngày. Nhờ vậy tháng nào ông Chỉ cũng có 5-6 tấn vịt được bán, có 20-30 triệu đồng “bỏ ống”.

Ông Chỉ hồ hởi khoe với chúng tôi: “Năm nay vịt thịt được giá rất cao, riêng 6 tháng đầu năm tôi đã bán được 6 lứa (12.000 con vịt), khối lượng thịt hơi ước đạt 33.000kg, trừ tiền mua con giống, thức ăn chăn nuôi và vacxin phòng dịch, vẫn còn dư ra được trên 300 triệu đồng.”

Đáng chú ý, mặc dù nuôi vịt thường xuyên liên tục với số lượng lớn, trên cùng diện tích ao hồ mặt nước, nhưng từ hàng chục năm nay, đàn vịt nuôi của ông Chỉ không hề xảy ra dịch bệnh lớn.

Nguyên nhân chủ yếu do ông Chỉ biết tận dụng nguồn nước thủy nông Bắc Hưng Hải, để thường xuyên thay mới phần nước ao đã bị ô nhiễm trong quá trình chăn nuôi, kết hợp với phòng ngừa dịch bệnh từ xa như, chọn mua con giống khỏe, vệ sinh tiêu độc chuồng trại định kỳ, vacxin phòng bệnh cho vịt đúng lịch...

Ông Chỉ cho biết: “Không muốn nghỉ nuôi vịt, vì tiếc vị trí chăn nuôi đắc địa (ao hồ rộng, dễ lấy nước từ các trục thủy nông), cứ thả vài nghìn con vịt xuống, nuôi vài chục ngày là có vài chục triệu đồng tiền lãi, tiêu pha đỡ phải dè xẻn”. Đây cũng chính là lý do, vợ chồng ông Chỉ đã đồng lòng, khép lại nhà cửa trong làng, để ra cuối đồng dựng lều tạm ở trông nuôi vịt.

Vợ chồng anh Úy-Lệ (hộ nuôi vịt thôn Hòa Bình Hạ) cũng hào hứng cho rằng: Chưa có năm nào người nuôi vịt gặp nhiều thuận lợi như năm nay. Giá vịt lúc nào cũng cao, giá thức ăn chăn nuôi lại khá ổn định, dịch vụ chăm sóc khách hàng từ các công ty rất kịp thời, chỉ cần nhấc máy là có ngay mọi thứ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi, bao gồm tập huấn kỹ thuật, tham quan học tập mô hình và hỗ trợ thăm khám, trị bệnh gia cầm khi cần. “Nuôi một lứa vịt năm nay giá trị bằng nuôi 2-3 lứa vịt năm trước”, anh Úy nhấn mạnh.

Cùng chung niềm vui với các hộ nói trên, từ đầu năm đến nay chị Nguyễn Thị Dinh (thôn Vĩnh Lộc) cũng có lợi nhuận hơn 250 triệu đồng từ 3.000 vịt thịt nuôi thường xuyên. Chị Dinh cho biết: “Nhờ chăn nuôi vịt gia đình em đã bù lỗ được đàn lợn nhiễm dịch tả Châu Phi. Để phát triển nuôi vịt lâu dài, em đã mở thêm giếng khoan tại chỗ, nhằm chủ động nguồn nước bổ sung cho ao vào thời điểm thủy nông tạm dừng bơm trên các kênh Bắc Hưng Hải".

Theo chị Dinh, vịt nuôi cần thời tiết mát mẻ, nên định kỳ 2-3 ngày/lần bổ sung nước mới cho ao, chẳng những nuôi cá nhanh lớn, mà nuôi vịt cũng tăng trọng tốt hơn, tuy nhiên vẫn phải đặc biệt coi trọng công tác phòng dịch từ xa cho đàn vịt.

“Giá vịt sẽ còn cao trong nhiều tháng nữa, vì nguồn lợn thịt không còn nhiều, khả năng tái đàn cũng rất chậm, do kinh tế của người nuôi lợn đã cạn kiệt” – nhận định của ông Đàm Văn Chỉ, thôn Hòa Bình Hạ.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.