Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn và tăng theo từng năm, với khoảng 7 triệu con gia cầm và gần 120.000 gia súc, công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở tỉnh Sóc Trăng gặp không ít khó khăn.
Các mô hình chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ hoặc trang trại hở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y được đánh giá là nguyên nhân chính phát tán và lây lan dịch bệnh.
Vào tháng 5/2019, đại phương này đã ghi nhận 65.381 con heo mắc dịch tả heo Châu Phi, buộc phải tiêu hủy, tổng khối lượng trên 4.300 tấn, gây tổn thất nặng cho lĩnh vực chăn nuôi.
TX Ngã Năm là địa phương có đặc thù khu vực trũng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, do đó việc kiểm dịch heo giống từ ngoài tỉnh nhập vào địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Việc sản xuất của bà con còn mang tính tự phát, công tác đầu tư từ khâu thiết kế chuồng trại, cách ly con giống mới nhập hay các bước quản lý dịch bệnh đều chưa đảm bảo an toàn. Trong khi đó, thị xã lại nằm trong nhóm 4 huyện có tổng đàn heo nhiều nhất của tỉnh Sóc Trăng.
Trong tiến trình chuyển đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ hộ nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kính, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, tạo tiền phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Trải qua thời gian dài vận động, hiện nay người nuôi đã ý thức hơn trong việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thực hành các giải pháp an toàn sinh học trong quá trình phát triển nghề nuôi.
Bên cạnh đó, thời điểm giá heo hơi biến động, nhiều hộ nuôi tích lũy được kinh nghiệm, cân nhắc không tái đàn ồ ạt. Thay vào đó, bà con tập trung áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh và hạn chế đến mức tối đa rủi ro mắc phải dịch bệnh.
Ghi nhận thực tế tại trang trại của ông Huỳnh Ngọc Điệp ở khóm 5, phường 1, TX Ngã Năm, khu vực chuồng trại được ông rào lại toàn bộ bằng lưới để tránh côn trùng xâm nhập, truyền bệnh cho đàn vật nuôi. Thực hiện theo khuyến cáo của lực lượng thú y địa phương, việc tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi cũng được ông thực hiện định kỳ.
Còn tại huyện Mỹ Tú, Công ty TNHH VietWan đã đầu tư hẳn một trang trại nuôi gà thịt với quy mô 8 chuồng nuôi, quy mô là 20.000 con gà mỗi chuồng.
Thực hiện theo khuyến cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện về phòng bệnh cúm gia cầm trên đàn vật nuôi, trang trại được thiết kế riêng biệt với nhà ở các hộ lân cận, xây dựng hố khử trùng.
Hệ thống máng ăn, máng uống được thiết kế riêng biệt theo hình thức tự động để tránh rơi, đổ. Đặc biệt, đối với người hoặc phương tiện ra vào trang trại đều được phun khử trùng để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều đợt tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi tiến bộ từ nhiều địa phương trên cả nước.
Đồng thời, kết hợp cùng với một số doanh nghiệp phát triển ngành chăn nuôi hữu cơ, cùng với đó là thúc đẩy liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra và khâu tiêu thụ.
Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng phấn khởi bày tỏ, nhờ chứng minh được hiệu quả kinh tế và phòng chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều hộ nuôi áp dụng.
Bà con chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh thú y để ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào chuồng nuôi. Bên cạnh đó, tiêu diệt mầm bệnh tồn tại bên trong các cơ sở chăn nuôi.
Có thể thấy, bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là cần thiết để phòng chống dịch bệnh, hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm thịt động vật theo hướng sạch, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từ đó, góp phần đưa ngành chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Đây cũng là yêu cầu thiết yếu trong xu thế phát triển chăn nuôi thời hội nhập, nâng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị sản phẩm mang thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.