| Hotline: 0983.970.780

Ổi lê Quý Hương 'lên hương'

Thứ Ba 02/08/2022 , 09:19 (GMT+7)

THANH HÓA Chuyển đất lúa và đất trồng mía, dứa kém hiệu quả sang trồng ổi lê, bà con ở vùng Qúy Hương (Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa) bước đầu có thu nhập 400-500 triệu đồng/ha.

Thế chân đất lúa, mía kém hiệu quả

Giống ổi lê hiện đang trồng trên đất Quý Hương (xã Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa) được các hộ dân mua từ Học viện Nông nghiệp, quả có hình dạng như quả lê, quả to trung bình 300gam, quả to nhất 700gam. Ổi chín có màu trắng, dày cùi, ít hạt, có vị ngọt, giòn, mùi thơm đặc trưng của ổi.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình ổi lê ở Quý Hương (xã Hà Long) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Cương.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình ổi lê ở Quý Hương (xã Hà Long) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Cương.

Trái ổi lê chủ yếu ăn tươi, có thể chế biến nước sinh tố bổ dưỡng. Ổi lê cho thu hoạch quanh năm, phụ thuộc vào cắt tỉa ngọn và chăm sóc tốt. Trồng ổi lê vào vụ xuân, vụ thu (chu kỳ cây ổi từ 5 - 6 năm hoặc dài hơn tùy theo kỹ thuật chăm sóc). Cách để giống ổi lê là ghép mắt hoặc chiết cành. Ổi lê có năng suất khá cao, từ 3 năm trở đi đạt từ 25 – 50 tấn/ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy lợi thế đất đai, xã Hà Long thời gian qua đã vận động nông dân chuyển đổi cây lúa, đất trồng mía giá trị kinh tế thấp sang trồng ổi, thu hút tới 200 hộ tham gia với diện tích 100ha. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, năm 2021, Hội Nông dân xã Hà Long đã vận động 5 hộ dân trong xã có nhiều diện tích ổi (nhiều nhất 2,5ha) tại các khu vực vườn làng, Đồng Rào, Gò Hóp, Đồng Ngang liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP. Hội Nông dân xã còn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào trồng ổi.

Năm 2021, các hộ trong Tổ hợp tác trồng ổi đã xây dựng mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 4 ha, sản lượng đạt 280 tấn ổi. Nhận thấy tiềm năng phát triển của ổi lê mang lại giá trị cao, tháng 4/2022, 15 thành viên của Tổ hợp tác trồng ổi lê đã thành lập và ra mắt HTX Dịch vụ - Thương mại Quý Hương Hà Long với vốn điều lệ 150 triệu đồng, trụ sở làm việc tại thôn Gia Miêu, đưa diện tích trồng ổi lê từ 4ha tăng lên 20ha, thu nhập bình quân đạt từ 400 – 500 triệu đồng/ha.

Phát triển theo hướng hữu cơ

Qua quá trình trồng tại xã Hà Long cho thấy, cây ổi lê rất dễ trồng, phù hợp với các loại đất thịt, đất cát pha; độ pH của đất trồng từ 4,5 – 8,2. Mật độ trồng tùy thuộc vào từng chân đất và khả năng thâm canh, có thể 3m x 4m (mật độ 600 cây/ha). Ổi lê có thể trồng quanh năm hoặc vào đầu mùa mưa đất ẩm, trồng mùa khô phải đủ nước tưới. Đào mỗi hố trồng ổi 60cm x 60cm x 60cm, bón lót 20kg phân chuồng hoai mục, 0,5kg vôi bột, 0,5kg supe lân đảo đều cho xuống hố lấp đất lại trước khi trồng, kiểm tra độ pH đất để có biện pháp xử lý.

Bước đầu, mô hình chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi đã cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Ảnh: Lê Cương.

Bước đầu, mô hình chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi đã cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Ảnh: Lê Cương.

Chuẩn bị cây giống tốt, chiết cành làm cây giống để trồng. Khi trồng, rạch bầu bỏ túi nilon đi, trồng lấp đất gốc cây, buộc thêm trà rào để giữ cho cây ổn định, lấy rơm ủ vào gốc, tưới nước. Cây còn nhỏ hạn chế cỏ mọc làm cây thiếu ánh sáng và dinh dưỡng, trồng xen để hạn chế cỏ dại. Mùa mưa làm cỏ quanh gốc, duy trì một lượng cỏ để chống làm trôi đất. Mùa khô cắt thủ công hoặc dùng máy cắt cỏ, không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Quanh vườn đào mương lớn để thoát nước dễ dàng. Trồng từ 2 - 3 hàng ổi/rãnh thoát nước. Thực hiện tưới cây nhỏ giọt tiết kiệm, hoặc máy bơm tưới nước theo hệ thống vòi nhựa cho cây đảm bảo độ ẩm, tỉa cành và tạo hình để cho cây chỉ có một thân chính mọc chồi, phân tán thành nhiều tầng lá... Ổi ra trái liên tiếp nhiều đợt nên phải tưới nước đủ độ ẩm cho cây để trái sinh trưởng phát triển tốt. Cây ổi khi nuôi trái, năm thứ nhất tưới trung bình 5 lít nước/cây/ngày, năm thứ hai 10 lít/cây/ngày, năm thứ ba 15 - 20 lít/cây/ngày, năm thứ tư 25 - 30 lít/cây/ngày, năm thứ 5 từ 35 - 40 lít/cây/ngày (nên tưới mỗi ngày 1 lần để đủ lượng nước).

Làm cỏ, bón phân định kỳ cân đối NPK để đạt được năng suất cao nhất. Phân hữu cơ (chất thải từ trâu, bò, lợn, gà… ủ hoai mục) bón vùi xung quanh gốc vào tháng 2 - 3 hàng năm, rải rơm rác quanh gốc. Bón phân cho ổi, năm thứ nhất bón 4 lần phân NPK, kaliclorua; năm thứ hai trở đi sau thu hoạch tỉa nhánh sửa cây bón thúc để ra đọt non: NPK + urê + kaliclorua, phân chuồng hoai mục, bón thêm vôi (theo chỉ dẫn).

Ổi lê được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 6.000 - 14.000đ/kg. Ảnh: Lê Cương.

Ổi lê được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 6.000 - 14.000đ/kg. Ảnh: Lê Cương.

Giai đoạn thúc ra hoa, nuôi trái: Sau tỉa nhánh 2 tháng, cây ra hoa, nuôi trái, 20 ngày bón 1 lần, mỗi lần 100gam NPK + 50gam urê + 60gam kaliclorua/gốc, bón khoảng 10 lần. Phun thuốc phòng rệp, sâu ngọn, bệnh nấm, 3 tháng/lần. Để hạn chế sâu bệnh hại tấn công vào trái ổi, giảm chi phí BVTV, ngoài biện pháp phòng trừ, cần bao trái (bằng túi nilon và túi lưới co giãn khi ổi còn xanh) giúp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.

Trái ổi lê Quý Hương bán cho tư thương trong tỉnh, ngoài tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến mua tận vườn. Giá bán dao động từ 6.000 - 14.000đ/kg tùy theo thời điểm.

Để hoạt động của HTX Dịch vụ - Thương mại Quý Hương Hà Long, HTX tiếp tục vận động các hộ vào HTX, mở rộng vùng sản xuất, nâng mức đóng góp cổ phần của xã viên để gia tăng nguồn lực; phát triển ngành nghề kinh doanh mới như cung ứng vật tư nông nghiệp, hoạt động dịch vụ trồng trọt…

Ông Mai Đức Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hà Trung chia sẻ: Thời gian tới, định hướng sẽ mở rộng diện tích trồng ổi lê theo hướng hữu cơ dần thay thế diện tích trồng dứa, mía hiệu quả thấp. Địa phương hiện đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận sản phẩm ổi lê Quý Hương đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao thời gian tới.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm