Ông Công ông Táo là ngày gì?
Ngày ông Công ông Táo là một trong những ngày ngày lễ cổ truyền rất quan trọng của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán sắp về.
Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để bẩn báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.
Ngày ông Công ông Táo 2023 rơi vào ngày mấy Dương lịch?
Ngày ông Công ông Táo hàng năm sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23/12 Âm lịch). Đây là nét văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về.
Vào ngày này, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
Vì vậy, ngày ông Công ông táo 2023 sẽ rơi vào Thứ Bảy, ngày 14/1/2023 Dương lịch.
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày ông Công ông Táo
Sự tích ông Công ông Táo
Theo quan niệm của cha ông ta từ xa xưa, Thần Táo Quân bao gồm "2 ông 1 bà" (gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo). Gắn liền với quan niệm này là sự tích dân gian kể về gia đình Thị Nhi và Trọng Cao.
Theo đó, hai vợ chồng lấy nhau mãi mà không có con, Trọng Cao vì chuyện này mà cộc cằn, đánh vợ rồi đuổi đi. Thị Nhi sau khi bỏ nhà đi tới xứ khác gặp được Phạm Lang.
Hai bên tâm đầu ý hợp rồi kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì bắt đâu ân hận và lên đường tìm kiếm vợ. Nhưng ngày dài đường xa, Cao hết tiền hết gạo phải trở thành kẻ xin ăn dọc đường.
Tới ngày nọ, chàng ta xin ăn tới nhà của Thị Nhi. Đúng lúc này Phạm Lang đi vắng, Nhi nhận ra chồng cũ mời vào nhà cơm nước đầy đủ. Không may đúng lúc Phạm Lang trở về, nàng đành giấu Cao dưới đống rạ sau vườn để tránh điều thị phi.
Chẳng ngờ đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy chồng cũ bị thiêu chết, Nhi lao mình vào lửa tự vẫn. Phạm Lang cũng vì thương xót vợ mà nhảy vào chết theo.
Cả ba linh hồn của các vị này được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy cả ba đều là người có nghĩa, có tình nên sắc phong làm Táo quân (gọi chung là Định Phúc Táo quân), nhưng mỗi người lại trông giữ một việc:
- Trọng Cao làm Thổ Địa, phụ trách trông coi việc nhà cửa được phong danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
- Phạm Lang làm Thổ Công, sẽ trông coi việc bếp với danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
- Còn Thị Nhi làm Thổ Kỳ, phụ trách trông coi việc chợ búa. được phong danh hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Từ đó, cả ba vị thần Táo được coi là ba vị thần định đoạt phước đức cho gia đình. Phước đức này sẽ do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường sẽ được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo quân" nghĩa là thần định mọi hạnh phúc.
Đó là lý do vì sao mỗi năm, cứ đến Ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), ba vị thần Táo sẽ lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế về những điều tai mắt ở trần gian, về những việc làm tốt xấu của các thành viên trong gia đình trong một năm một cách trung thực, khách quan nhất.
Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo
Người Việt xưa quan niệm rằng, sau khi Ngọc Hoàng nghe lời bẩm tấu của Táo Quân, Ông sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ.
Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, trước khi Táo quân lên thiên đình, người dân Việt Nam sẽ thực hiện nghi lễ cúng ông Táo.
Việc làm này là để bày tỏ lòng biết ơn các Táo và nhờ họ "nói tốt" cho gia đình mình để có một năm tiếp theo được tài lộc, bình an.
Không những định đoạt may/rủi, phúc/họa của gia chủ, sự hiện diện của các vị Táo Quân trong mỗi căn nhà còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong gia đình.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.