| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Đình Kình tử vong trong vụ chống người thi hành công vụ 9/1

Thứ Sáu 10/01/2020 , 19:54 (GMT+7)

Thông tin từ xã Đồng Tâm cho biết, chính quyền địa phương vừa bàn giao thi thể ông Lê Đình Kình cho người nhà để mai táng. Ông Kình là người đứng đầu nhóm Đồng Thuận ở Đồng Tâm.

Ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm Đồng Thuận.

Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là người đứng nhóm Đồng Thuận ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất đồng Sênh đã được Thủ tướng ký quyết định bàn giao cho đơn vị Quốc phòng quản lý.

Trong vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra vào sáng ngày 9/1, ông Lê Đình Kình đã bị tử vong. Việc an táng ông Kình sẽ được tổ chức tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Cũng trong ngày hôm nay, 4 người dân đã được lực lượng chức năng cho phép trở về địa phương, gồm 2 nam, 2 nữ.

Liên quan đến vụ việc, ngày 10/1, CQĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm với 3 tội danh giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.

Trước đó, Bộ Công an thông tin, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, TP Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

Tháng 8/2019, UBND Thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã tổ chức buổi thông tin về kết luận thanh tra sân bay Miếu Môn do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đồng chủ trì.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo những cơ quan trên phải tạo được sự đồng thuận của hệ thống chính trị và dư luận xã hội về sự việc Đồng Tâm, trước khi Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng công trình quốc phòng trên khu vực sân bay Miếu Môn, bao gồm cả tường bao, trong thời gian tới.

Căn cứ tài liệu thanh tra, các chứng cứ pháp lý và diễn biến khách quan gần 40 năm nay khẳng định phần diện tích xã Đồng Tâm bàn giao cho quân đội là một phần trong tổng diện tích 236,7 ha đất quốc phòng. Hai cơ quan chủ trì cũng đưa ra bản đồ được vẽ năm 1992 có chữ ký xác nhận của UBND các xã giao đất cho các đơn vị quân đội, xác nhận cho đến thời điểm 1992 là không có bất kỳ tranh chấp gì.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định ông Lê Đình Kình không có quyền khiếu nại các kết luận của các cơ quan bởi trong khu vực đất quốc phòng chỉ có 5 hộ dân (nay là 14 hộ sau khi mua bán chuyển nhượng), trong số này không có hộ ông Lê Đình Kình.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung thì ông Lê Đình Kình có huy động tiền của một số đối tượng để khiếu kiện. Lợi dụng việc khiếu kiện nhằm mục tiêu cuối cùng muốn trục lợi, xen vào, gây sức ép với chính quyền xã, chính quyền huyện, thành phố, với mục tiêu xem có được bồi thường hỗ trợ một tý nào không. “Đây là câu chuyện có thật và chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí biết rõ, vạch trần âm mưu”, Chủ tịch Chung nói ngày 27/8/2019.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có một nhóm gọi là “Đồng Thuận” có ý thức chủ quan thông qua khiếu kiện mong muốn trục lợi, và đảng viên, nhân dân Đồng Tâm nắm rất rõ. Tại buổi đối thoại sáng 22/4/2017, đã có 9 cụ đại diện, trong đó có cả người ở nhóm Đồng Thuận của ông Kình, đứng dậy thừa nhận sai trái của mình và xin được khoan hồng;... đồng thời đề nghị chính quyền TP công nhận việc họ chưa bị thế lực thù địch bên ngoài, đối tượng khác lợi dụng. Theo ông Chung, cơ quan công an vẫn kiên trì tiếp tục thu thập các tài liệu, nếu xét thấy cần thiết, các đối tượng vẫn ngoan cố sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Cà Mau phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau khai thác lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; liên kết chặt chẽ với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang để cùng phát triển.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.