Đại hội cũng bầu ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty CP BVTV Sài Gòn tái đắc cử Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIPA. Đại hội cũng bầu ông Hoàng Hải, Nguyễn Đình Hải và ông Lê Văn Thịnh giữ chức Phó chủ tịch VIPA
Trải qua 16 năm thành lập (2006), VIPA được xem như cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp vì đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng như cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đầu những năm 2000, ngành thuốc BVTV ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, do đó phải cần một tổ chức đứng ra tập hợp, động viên, giúp đỡ hội viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc BVTV cũng như chấp hành tốt các quy định của pháp luật, của Đảng, nhà nước, ngành chủ quản trong việc sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV … Ngày 10/9/2005, ông Trần Quang Hùng đang là Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam được giao nhiệm vụ xúc tiến thủ tục thành lập Hội thuốc bảo vệ thực vật. Ngày 16/01/2006, Bộ NN-PTNT ra quyết định số 175/QĐ-BNN do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng ký “Công nhận Ban vận động thành lập Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam”. Ngày 9/8/2006, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký quyết định số 1100/QĐ-BNV về việc thành lập “Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam”. Đại hội lần thứ nhất của VIPA ngày 22/09/2006 tại Hà Nội đã bầu ông Trần Quang Hùng làm Chủ tịch.
Năm 2017, ông Trần Quang Hùng xin thôi giữ chức Chủ tịch VIPA vì lý do sức khoẻ. Từ 20217 đến nay, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIPA giữ chức Quyền Chủ tịch và trực tiếp điều hành mọi hoạt động.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Sơn, Quyền Chủ tịch VIPA cho biết: Trong suốt quá trình hoạt động, Hội đã tập trung phát triển hội viên trong phạm vi cả nước, tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV, các nhà khoa học hiểu được các tôn chỉ mục đích, quyền lợi và nghĩa vụ của Hội. Các hội viên tự nguyện tham gia ngày một tăng về số lượng và chất lượng, mọi thành viên chung tay xây dựng Hội ngày càng phát triển vững mạnh. Hiện VIPA đã có 58 hội viên (trong đó có 53 hội viên chính thức là các doanh nghiệp thuốc BVTV và các cơ quan tổ chức trong nước và các nhà khoa học, 5 hội viên liên kết từ các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên, VIPA đã chủ động tham gia, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của hội viên. Trong quá trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp thuốc BVTV còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định chưa hoàn chỉnh, cần được các đơn vị quản lý nhà nước bổ sung, điều chỉnh, để phù hợp với thực tế. Hội chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất và tham gia giải quyết trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên.
Bên cạnh đó, VIPA cũng tham gia phản biện các vụ việc thanh, kiểm tra chất lượng thuốc BVTV chưa đúng quy định ở một số một số tỉnh, thành; các vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ thuốc BVTV, thuế nhập khẩu chưa hợp lý đối với thuốc trừ cỏ. Hội cũng đề xuất với Cục BVTV trong việc cải tiến và sửa đổi thủ tục hành chính trong đăng ký, giải quyết các thủ tục giấy tờ có liên quan đến xuất nhập khẩu. Hội cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh, trước khi ban hành văn bản có liên quan đến việc quản lý thuốc BVTV cần nghiên cứu kỹ các quy định đã nêu trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Cùng với đó, VIPA còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn phản biện xã hội. Tổ chức và tham gia nhiều hội thảo cho việc góp ý xây dựng Nghị định; hội thảo đánh giá chính sách sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam; tham gia ý kiến và phản biện với dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; tham gia phản biện và xây dựng Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
VIPA cũng vận động các doanh nghiệp, hội viên rà soát và tự rút các tên thuốc BVTV độc hại đối với người, sinh vật có ích và môi trường; thuốc hiệu lực phòng trừ dịch hại thấp do kháng hoặc do các lý do khác ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, gần 400 tên thuốc đã được các doanh nghiệp tự rút.
Hiện nay VIPA vẫn đang tiếp tục rà soát và loại bỏ một số loại thuốc độc hại khác. Từ tháng 9/2017, VIPA và 18 doanh nghiệp trong và ngoài Hội cùng Cục BVTV thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ở 22 tỉnh phía Nam. Chương trình đã tạo được chuyển biến trong nhận thức của đa số bà con nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; thu gom xử lý bao bì rác thải thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe và môi trường, sản xuất nông sản an toàn, nâng cao giá trị, chất lượng của nông sản.
Ngoài ra, VIPA còn phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và nhiều Hiệp hội thuốc BVTV trên thế giới giúp các doanh nghiệp thuốc BVTV Việt Nam tìm kiếm những thuốc BVTV sinh học, thuốc hóa học thế hệ mới. VIPA cũng phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, các chi cục BVTV và doanh nghiệp tổ chức được 47.000 lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV, phân bón an toàn, hiệu quả.
Các Hội viên VIPA còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như: Ủng hộ quỹ phòng chống lũ lụt của Chính phủ; ủng hộ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM phòng chống Covid-19; ủng hộ đồng bào cả nước gặp thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách neo đơn; ủng hộ các Quỹ khuyến học, Quỹ chất độc màu da cam; giải cứu khoai lang, hành tím tại Vĩnh Long, Sóc Trăng …
Tại Đại hội, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục BVTV đánh giá cao những đóng góp của VIPA trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực BVTV. Là cầu nối cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV với các cơ quan quản lý nhà nước. VIPA cũng có rất nhiều hoạt động rất thiết thực trong công tác sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Ông Thiệt cũng mong muốn các hội viên tiếp tục đoàn kết, mở rộng hội viên và ngày càng sản xuất được nhiều sản phẩm tốt, thân thiện với môi trường và đạt hiệu quả cao trong việc phòng trừ các loại dịch bệnh gây hại trên cây trồng.