Mới đây, bất ngờ ông kể lại tên tuổi của những người đàn bà để lại trong tâm tưởng ông những ấn tượng sâu đậm nhất.
Janna Moreau: Một tình yêu ma mị
Tuy mối quan hệ giữa tôi và người nữ diễn viên tuyệt đỉnh của châu Âu này đã lùi tít tắp xa vào quá vãng, nhưng cho đến tận hôm nay tôi vẫn lấy làm tiếc vì cả hai chúng tôi đã giành quá nhiều thời giờ, công sức cho nghề nghiệp, nên đã không thể bảo vệ, giữ gìn tình yêu của mình.
Chúng tôi yêu nhau. Đã sống với nhau được 4 năm. Rồi chia tay. Janna thường xuyên bận rộn ở trường quay hay trên sàn diễn. Còn tôi thì lúc nào cũng tối mắt tối mũi ở các xưởng may hoặc các buổi trình diễn thời trang. Cả hai rất đau đớn khi phải ly hôn, tuy chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Một trong những nguyên nhân của sự đổ vỡ này là vì Janna không còn khả năng sinh nở.
Sau một lần phẫu thuật, bác sỹ đã nói thẳng điều đó với nàng. Cả hai chúng tôi đều đau khổ. Dẫu sao, tôi vẫn vui, vì mãi những năm sau này chúng tôi vẫn là chỗ bạn bè thân quý của nhau. Rất nhiều khi tôi tự an ủi mình bởi ý nghĩ, giả ví như chúng tôi vẫn còn là vợ chồng, hẳn Janna không thể đạt tới đỉnh cao của tiếng tăm váo những năm sau.
Trong mọi hoàn cảnh, tôi vẫn muốn nói như thế này: Kể cả trước khi gặp Janna và sau khi chia tay với cô ấy tôi chưa hề gặp được một người đàn bà nào như Janna. Chúng tôi đã yêu nhau thật mãnh liệt, thật nồng cháy. Với niềm hạnh phúc và nỗi luyên tiếc, tôi thường hay nhớ lại những ngày tháng chúng tôi ở bên nhau.
Raisa Gorbachov: Nữ thánh phong cách Xô Viết
Tôi làm quen với Raisa Maksimmovna không lâu trước khi bà trở thành Đệ Nhất Phu nhân của Liên bang Xô Viết. Những cuộc xã giao không kéo dài. Thậm chí tôi còn không nghĩ rằng bà ấy còn nhớ tôi.
Thành thử tôi quá đỗi ngạc nhiên, sau một vài năm người ta gọi điện báo cho tôi biết bà Gorbachov có ý muốn thăm cơ sở của chúng tôi. Người ta khuyên tôi nên từ chối cuộc viếng thăm này. Tôi không chấp nhận lời khuyên ấy và sẵn sáng đón tiếp bà ta. Lịch thiệp, tự tin và nói tiếng Anh tuyệt vời – đó là những ấn tượng đầu tiên vị Phu nhân Tổng thống Gorbachov để lại trong tôi.
Chúng tôi rất nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Trước đám đông bà ta luôn tỏ ra kiệm lời, kiềm chế. Nhưng khi chỉ còn tôi và bà ta trong phòng, Raisa Maksimovna sẵn sàng uống với tôi một ly rược sâm banh, rồi nói luôn: “Bây giờ tôi có một núi câu hỏi dành cho ngài đấy, ngài Pierre Cardin ạ!".
Tình bạn giữa hai chúng tôi đã được bắt đầu như thế và kéo dài cho tận đến ngày cuối cùng của cuộc đời bà.
Jacqueline Kennedy: Một người đàn bà tế nhị
Tôi gặp Jacqueline lần đầu vào thời điểm bà và John Kennedy xẩy ra cuộc bất hòa khá nghiêm trọng. Hình như ở Capri. Bà để lại trong tôi những ấn tượng rất khác nhau. Tôi có cảm giác Jacqueline có phần lạnh lùng và không cởi mở. Nhưng ấn tượng này cũng không có gì khó hiểu.
Bởi lúc đó Jacqueline đang trải qua một thời kỳ không dễ dàng trong cuộc sống. Chỉ vài tháng sau hai chúng tôi lại gặp nhau một lần nữa. Lúc này Jacqueline đã có phần khác lần gặp trước. Hoàn toàn bặt thiệp và vui vẻ.
Chúng tôi trò chuyện về thời trang, về phim, về ẩm thực Pháp. Jacqueline học tiếng Pháp ngay từ lúc còn nhỏ. Tất cả những gì của nước Pháp đều quyến dũ bà. Khi chúng tôi đã trở thành chỗ bạn hữu thân tình Jacqueline trở thành khach hàng thường xuyên của tôi.
Đã mấy lần tôi có ý định tặng bà những bộ váy áo, được thiết kế đặc biệt dành cho bà, nhưng Jacqueline đều cương quyết khước từ. Và không bao giờ bị lay chuyển. Bà chỉ có thể nhận quà là những bó hoa.
Tôi không bao giờ động chạm tới chuyện riêng tư của bà, nhưng tôi được chứng kiến Jacqueline rất đau khổ mỗi lần xẩy ra va chạm với John. Tôi gắng gỏi an ủi bà trong điều kiện có thể. Nhưng bà tỏ ra không cần sự trợ giúp ấy.
Có tới cả trăm người đàn ông muốn chăm nom, săn sóc bà. Jacqueline luôn luôn ở trung tâm sự quan tâm, chú ý ấy. Khi bà kết hôn với tỷ phú Aristotle, tình bạn giữa hai chúng tôi ngưng lại. Dẫu vậy, tôi luôn giữ mãi những kỷ niệm tươi sáng, tốt đẹp về 2 con người ấy.
Maiia Pliseskaiia: Sự nồng nhiệt kiểu Tây ban Nha
Tôi kết bạn khá thân tình và dài ngày với Maiia và chồng bà-nhạc sỹ Rodion Sedrin đến độ có cảm tưởng tôi hiểu biết hai thiên tài Nga này hình như trong suốt cả cuộc đời mình.
Khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà biểu diễn trên sân khấu tôi không tin đó là một vũ công Nga. Trong bà chứa chất tất cả sự nồng nhiệt, cháy bỏng kiểu Tây Ban Nha khiến tôi không thể rời mắt khỏi mỗi động tác, mỗi bước chân, từng biểu hiện trên gương mặt của bà.
Chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa Xô Viết vào những năm tháng ấy là bà Phurseva đã giúp chúng tôi làm quen với nhau. Maiia có chút bẽn lẽn, thoáng ngượng ngùng.
Chạm lướt qua các bộ váy áo, cuối cùng Maiia như mạnh dạn hơn, cất lời hỏi tôi nên ăn vận ra sao trong những buổi ra mắt giới thượng lưu ở Paris. Trong tôi bỗng sôi lên ý muốn phải giúp bà phục sức thế nào đó, để Maii thực sự là một diva như những gì ẩn náu trong chính con người bà.
Tình bạn giữa chúng tôi bắt đầu giản dị như thế, giản dị đến mức cho đến tận hôm nay chính tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên vì tình bạn ấy lại bền vững đến như vậy. Tôi luôn có cảm giác cuộc sống sẽ đơn điệu, trống vắng nếu thiếu đi hình ảnh Maiia…
Marlene Dietrich: Hoang dã và đầy quyến rũ
Mối thâm giao giữa tôi và Marlene Dietrich nẩy sinh không đơn giản chút nào. Nhiều khi bà ta đã khiến tôi tức đến phát điên lên được. Mọi việc bắt đầu từ khi tôi đứng ra tổ chức nhà hát “ Espas Cardine” . Dietrich rất khen tôi.
Vào thời gian ấy, sau khi bị gẫy chân Dietrich ngưng đóng phim. Bà ấy hát rất tuyệt vời với dàn nhạc. Đương nhiên tôi sôi sục ý tưởng được nhìn thấy bà ấy biểu diễn tại nhà hát của mình. Nào ngờ sự thỏa thuận giữa tôi và bà ấy đã biến thành chốn địa ngục nơi trần gian.
Thói thất thường, đỏng đảnh; những đòi hỏi về thù lao cao ngất ngưởng; rất nhiều đòi hỏi khác nữa.. Tôi hầu như đã quy hàng vì hợp đồng đã chót ký. Nhưng đó mới chỉ là khúc khởi đầu sự hợp tác hãi hùng giữa tôi và Dietrich.
Bà thường tới xem các buối duyệt chậm muộn hàng tiếng. Thét gào lên vì những gì bà không thích và yêu cầu kéo màn ngay lập tức. Nói chung là không thể đoán định nổi bà ấy thích gì, ghét gì?
Nhưng những buổi hòa nhạc có Dietrich tham gia đều diễn ra rất thành công. Đương nhiên là tôi theo dõi từng động tác, từng lời ca của bà để nói những lời khen ngợi, để tặng cho bà những ôm hoa hồng. Ngay trong nhưng giây phút như vậy bà ta luôn giữ một khoảng cách với tôi.
Tựa như tôi không hề đứng cạnh bà, bên bà. Cách xử sự ấy khiến tôi sửng sốt khi vài ngày sau tôi nhận được từ Dietrich bức thư cám ơn nồng nhiệt. Tôi sé nát bức thư ấy và cả tấm ảnh chụp chung với bà ta.
Nhưng qua đi vài năm, bà ta lại gửi tới tôi bức thư khác. Bà đề nghị tôi hợp tác với bà để sản xuất loại nước hoa mang tên bà. Tôi cũng sé luôn bức thư này. Khi cơn tức giận của tôi qua đi, tôi sẵn sáng hớp tác với bà , đáng tiếc sao, tôi hay biết Dietrich đã mắc bệnh, không cất mình khỏi giường, không muốn tiếp xúc với ai nữa.
Trong mọi trường hợp Marlene Dietrich vẫn để lại những ấn tượng rực rỡ, hệt như những ngọn lửa chợt bùng lên, trong cuộc đời tôi.