| Hotline: 0983.970.780

"Phải bảo vệ quyền lợi người lao động"

Thứ Năm 26/04/2012 , 10:54 (GMT+7)

Tính đến hết quý I, đã có khoảng 12.000 DN chủ yếu ở khu công nghiệp, khu chế xuất phải ngưng SX hoặc giải thể.

TS Đặng Quang Điều
Trao đổi với PV NNVN, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân & công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động VN) nhận định năm 2012 thị trường lao động còn khó khăn.

Bởi theo ông, tính đến hết quý I, đã có khoảng 12.000 DN chủ yếu ở khu công nghiệp, khu chế xuất phải ngưng SX hoặc giải thể. Tính trung bình mỗi DN chỉ có khoảng 20 lao động, có nghĩa đã có 240.000 người lao động (NLĐ) mất việc làm.

DN phá sản kéo theo NLĐ thất nghiệp, số phận của họ ra sao, thưa ông?

Tất cả lao động đều được nhận chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cũng rất may bởi theo quy định, tất cả DN có từ 10 lao động trở lên đều phải tham gia BHTN cho lao động. Vì vậy, với số tiền là 3 tháng lương thất nghiệp (mỗi tháng bằng 60% lương cơ bản) thì cũng là giá đỡ cho NLĐ trong lúc tìm công việc mới. Trong thời gian này, NLĐ vẫn được nhận chính sách về BHYT, được cấp thẻ đào tạo nghề miễn phí tại một số Trung tâm đào tạo nghề.

Tôi cũng xin nói thêm, vừa qua có tình trạng NLĐ lạm dụng BHTN, đăng ký xong là chuyển sang DN khác làm việc. Qua khảo sát, chúng tôi thấy những đối tượng này rất ít bởi ai cũng muốn ổn định làm việc và hạn chế chuyển đổi công việc.

Là tổ chức công đoàn, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ có phải mục tiêu lớn nhất, thưa ông?

Đúng vậy. Công đoàn đã tham gia xây dựng thang bảng lương; thương lượng thỏa ước lao động tập thể; đưa ra các điều khoản có lợi nhất cho NLĐ như yêu cầu chủ sử dụng tăng tiền ăn trưa cho NLĐ, nhà ở và các khoản phụ cấp (xăng xe, nuôi con, nhà trẻ...), buộc DN không được yêu cầu NLĐ làm việc thêm giờ.

Công đoàn còn liên hệ với nhiều nơi bán hàng bình ổn giá để bán hàng cho công nhân các KCX. Thậm chí liên hệ với nơi SX lương thực, thực phẩm có thể cung cấp trực tiếp cho NLĐ mà không qua thương lái, nhằm đảm bảo cho họ có mức giá thấp nhất.

Trong bối cảnh khó khăn này thì việc làm cho NLĐ miền Bắc, miền Nam có sự khác biệt?

Việc mất việc làm đối với NLĐ trong Nam không phải là nỗi lo ngại, khó khăn lớn; bởi vì chỉ cần vài ba ngày là họ dễ tìm được ngay một công việc mới phù hợp hơn, có mức lương cao hơn. Thế nhưng, đối với công nhân miền Bắc lại nặng nề hơn. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ chính thị trường lao động trong Nam bao giờ cũng dồi dào hơn ngoài Bắc. Hiện hàng chục KCN, KCX lớn tập trung tại các tỉnh thu hút đông lao động như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Đó cũng chính là lý do lao động “Nam tiến” nhiều như vậy.

Ông đánh giá sao nếu cán cân đó ngày càng chênh lệch, kéo theo những hệ lụy gì?

Theo tôi, cán cân đó sẽ dần thu hẹp lại. Bởi nhiều nhà đầu tư bắt đầu thấy việc tìm kiếm nguồn lao động trong Nam khó dần. Trong khi nếu họ xây dựng DN tại các vùng phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An thì sẽ có ngay lực lượng lao động dồi dào, chi phí lại rẻ hơn. Công nhân địa phương cũng thấy rằng, không phải đi xa nhưng vẫn kiếm được việc làm ngay tại quê hương. Đó cũng chính là xu thế có thể xảy ra trong thời gian tới.

Có ý kiến cho rằng, NLĐ chưa thực sự tin tưởng tổ chức Công đoàn, bởi công đoàn luôn "cùng phe" với chủ sử dụng lao động?

Kể từ khi Bộ Luật Lao động ra đời đã có trên 5.000 cuộc đình công xảy ra nhưng chưa có cuộc nào do công đoàn đứng ra khởi xướng. Nguyên nhân đầu tiên bởi cán bộ công đoàn ở DN đều là người quản lý DN hoặc trưởng phòng tổ chức, trưởng phòng nhân sự hay phó GĐ… Vì vậy, không bao giờ họ đứng về phía NLĐ để tổ chức đình công chống lại ông chủ.

"Từ nay đến cuối năm, DN sẽ có thêm điều kiện để hoạt động hơn khi các ngân hàng đã hạ nhiệt bằng cách hạ lãi suất cho vay và đồng ý thế chấp bằng bất động sản. Nói rộng hơn, DN sẽ có vốn để đầu tư vào nhiều lĩnh vực và tạo nhiều việc làm cho NLĐ. Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường việc làm sẽ sôi động hơn. Lúc đó NLĐ bớt khó khăn hơn nhiều", ông Đặng Quang Điều.
Ngoài ra, cán bộ làm công đoàn sợ chủ sử dụng lao động trù úm, sợ chấm dứt lao động hay thuyên chuyển công tác. Người làm công đoàn chủ yếu là bán chuyên trách, hưởng lương cho chính chủ sử dụng lao động nên không dám đứng ra tổ chức đình công. Đó là những cản trở khiến cho các cuộc đình công chủ yếu tự phát.

Theo ông, làm thế nào để Công đoàn thực sự đứng về phía NLĐ?

Tổng LĐLĐVN đang sửa Luật Công đoàn và phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉnh lý Bộ luật Lao động. Theo đó sẽ quy định DN có trên 300 lao động phải có cán bộ công đoàn chuyên trách, được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cán bộ công đoàn sẽ có tính độc lập rất cao vì không còn phụ thuộc vào chủ sử dụng nữa.

Bộ luật cũng sẽ có các cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn như người sử dụng lao động không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với người làm trong BCH Công đoàn, để cán bộ công đoàn toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ của mình.

Dự kiến sẽ đưa ra bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 tới và sẽ thông qua từ tháng 6. Đây sẽ là điều kiện tốt để cán bộ công đoàn độc lập với chủ sử dụng, làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình là bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.