| Hotline: 0983.970.780

Phẫn uất chuyện con bị ép học thêm

Thứ Tư 07/04/2021 , 10:25 (GMT+7)

Năm nay con gái cháu ở 'cửa tử' lớp 10. Có vẻ chủ trương không đi học thêm không ổn rồi. Con trai lớp 5, cũng một cái cửa không ngặt nghèo nhưng bực mình...

Thưa cô kính mến!

Về vấn đề giáo dục ví như chuyện sách giáo khoa, chuyện học thêm, chuyện bạo lực học đường, gần đây là chuyện cô giáo bị chính học trò tiểu học của mình trả thù… cháu thấy quá ngao ngán, không biết nói sao nữa.

Vợ chồng có hai đứa con, nói thật với cô, cháu cũng là dân Sư phạm đây nhưng lấy bằng xong thì ở nhà, chăm con cho một mình chồng xông ra thương trường.Cháu không biết chuyện của ngành giáo dục trở nên phức tạp, ghê gớm từ khi nào nữa.

Thế hệ cháu và em cháu, công nhận có đi học thêm ở các trung tâm Anh ngữ, Toán Lý Hóa (khi ấy môn Văn chưa phải luyện). Là khi lên cấp III mới đi luyện để vô đại học thôi.

Cháu đỗ Sư phạm, bằng khả năng của mình, em của cháu đỗ Kinh tế, cũng từ tự học, tự luyện. Riêng môi trường Sư phạm khi ấy cháu đã thấy trì trệ, tầm thường và cháu sợ mình sẽ là một cô giáo như con cá lạ trong cái ao ấy.

Yêu năm thứ 4, lấy bằng xong cháu làm đám cưới, nghỉ ở nhà. Mừng là thoát được một môi trường mà mình thấy không lành mạnh nữa.

Khi con gái cháu vào tiểu học, từ lớp 4 cô giáo chủ nhiệm đã gạ học thêm đi chị, cho cháu học thêm đi. Nhiều phụ huynh gửi con như là để cô giáo vừa dạy vừa trông giúp một thể. Cháu có kỹ năng sư phạm, cháu không đi làm thì việc gì cháu phải cho con học thêm.

Lên lớp 5, con gái cháu gần như là cá biệt, bị cô chủ nhiệm để ý từng chút. Thì ra, vì không chịu đi học thêm đây mà.

Có lẽ từ khi có việc thi vào lớp 6 nên việc dạy và học ở cấp ấy đã nghe thấy mùi tiền. Ngày trước cấp I là phổ cập, dĩ nhiên lên thẳng lớp 6, có thi có lọc gì ghê gớm đâu. Vấn đề nằm ở chỗ học để thi, kiểm tra và thi, các cháu bị quay như là cho vô cối mà quay.

Năm nay con gái cháu ở cái "cửa tử" lớp 10 đây. Có vẻ chủ trương không đi học thêm không ổn rồi. Đứa con trai thì lớp 5, cũng một cái cửa không ngặt nghèo nhưng cũng bực mình. Phải học thêm rồi, học “cho cô vui”.

Đứa con lớp 5 cũng vậy quay cuồng học món này học món kia, chỉ thầy và cô của nó mới kèm được, sách gì mà cha mẹ không giúp được. Vậy nên, nói thì dễ nhưng trong mê hồn trận này, né không được. Rất phẫn uất cô ơi.

---------------------

Cháu thân mến!

Cô cũng luôn nghĩ về lĩnh vực Giáo dục của quốc gia dù không còn là phụ huynh trực tiếp của học sinh nữa. Tức là cô đã thuộc hàng bà, thời các con của cô đi học thập kỷ 70 và 80, còn bao cấp, cả xã hội chật vật một cách bình đẳng và phần nào còn trong trẻo.

Thời đó thầy cô còn tâm huyết, ở nông thôn họ chăm sóc thực sự những em nghèo em khó và các em và phụ huynh đáp lại bằng tình thương, bằng hiện vật nhà quê cây nhà lá vườn, rất cảm động.

Có lẽ sự sa sút đi cùng với mở cửa, trường công có phụ thu, trường dân lập (vẫn chưa có tư thục) cũng bắt đầu thu, ở Bộ thì vừa soạn đề thi vừa in ra để bán, gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi, kỳ cục quá. Có Bộ đề, thì sẽ có luyện thi, các lớp luyện mở ra đông như chợ.

Và rồi, các cấp phổ thông cũng phải tự cứu trước khi trời cứu bằng cách dạy thêm (để có tiền). Vấn đề là có một bàn tay chỉ huy tổng thể ra sao mà sách thay xoành xoạch, cha mẹ không giúp con học được từ sách, chỉ thầy cô mới mò ra.

Và họ dạy mưa mứa để trò phải đi học thêm cơ. Con gái của cô từng kể rằng, khi con trai nó còn tiểu học, cô chủ nhiệm ép học thêm và nói thẳng, như mếu “Chị ơi chị thương em, em mới làm nhà để các cháu học thêm cho rộng rãi, em thiếu cái quạt hơi nước, chị ơi, chị khá giả, chị giúp em đi chị”. Vậy đó, hết ý kiến.

Chúng ta như bầy kiến, loanh quanh rồi cũng cành đa cành cụt hay là trong chảo nóng đó thôi. Như cháu viết, kỹ năng sư phạm có thừa mà vẫn phải cho con đi học thêm. Người có tiền cho con đi nước ngoài “tỵ nạn giáo dục”, hoặc nay thì học Quốc tế “tỵ nạn tại chỗ”.

Số có tiền để đi đâu có nhiều, đất nước mấy chục triệu học sinh và sinh viên, vẫn phải ở lại chịu trận để ngành giáo dục khai thác kiếm bẵm. Chỉ mong rằng sẽ qua, cày cục tiền bạc để con học giỏi, vào đại học và đi làm, thoát dần.

Biết làm sao giờ? Cô cũng thấy vậy, nhưng nói mãi thành ra gay gắt, chống đối. Thấy ai có con nhỏ giờ cô chỉ thở dài, chia sẻ bằng thở dài mà thôi. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất