| Hotline: 0983.970.780

Pháp luật lâm nghiệp phải bám sát hơi thở cuộc sống

Thứ Ba 16/07/2024 , 18:55 (GMT+7)

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của khối lâm nghiệp, ảnh hưởng tới hàng triệu cuộc sống người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Pháp luật lâm nghiệp có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Pháp luật lâm nghiệp có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống. Ảnh: Bảo Thắng.

Thần tốc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Phát biểu tại giao ban các đơn vị khối lâm nghiệp ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực, đóng góp của cán bộ pháp chế Bộ NN-PTNT trong việc tham mưu sửa ngay một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý để mở đường tạm xuyên rừng, đưa nguyên vật liệu, nhân lực vào thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Thông thường, một dự án như vậy phải xây dựng trong khoảng 3 năm. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, trong đó có Bộ NN-PTNT cùng các địa phương, dự án đã về đích trong vòng 6 tháng.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm mà các đơn vị khối lâm nghiệp, trực tiếp là Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm thực hiện. Tính cả Nghị định 27/2024/NĐ-CP về tạm sử dụng rừng vừa qua, lĩnh vực lâm nghiệp đã có 3 Nghị định mới. Trong đó, có Nghị định 58/2024/NĐ-CP về về bảo vệ, phát triển rừng, chế biến lâm sản được đông đảo địa phương đón nhận.

"Nhiều lãnh đạo địa phương nói với tôi, Nghị định 58 góp phần gỡ nhiều nút thắt về đầu tư trong lâm nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói và nhấn mạnh, rằng pháp luật lâm nghiệp có ảnh hưởng sâu rộng tới hơn 20 triệu người dân trên cả nước. "Nếu không bắt kịp hơi thở cuộc sống, chẳng khác gì lấy dây tự trói mình".

Trong năm 2024, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm được giao xây dựng 4 nghị định, 5 thông tư trong tổng số 9 nghị định và 26 thông tư của Bộ NN-PTNT. 6 tháng cuối năm, các đơn vị phải gấp rút hoàn thành những bước cuối để ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Nghị định 156 (sửa đổi), Nghị định 01 (sửa đổi). 

Đặc biệt, Nghị định 01 (sửa đổi) về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hết sức có ý nghĩa vào lúc này bởi đó là cơ sở để truy tặng 2 kiểm lâm tại Hà Giang hy sinh khi chữa cháy rừng danh hiệu liệt sĩ.

Giao ban tháng 7/2024 khối lâm nghiệp được tổ chức tại Viện Điều tra Quy hoạch rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Giao ban tháng 7/2024 khối lâm nghiệp được tổ chức tại Viện Điều tra Quy hoạch rừng. Ảnh: Bảo Thắng.

Lạc quan giá trị xuất khẩu

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo thông tin, nhiều chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024. Chẳng hạn, trồng rừng tập trung được 125,5 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán khoảng 44,6 triệu cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Cả nước có 3.873 vụ vi phạm về lâm nghiệp, giảm 583 vụ (13%), diện tích rừng bị tác động 1.163,7 ha, giảm 4%. Khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 9,93 triệu m3, tăng 6,3%.

Xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 7,994 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ và đạt 52,6% so với kế hoạch. Nếu duy trì đà này, mục tiêu trên 15 tỷ USD được đánh giá là trong tầm tay.

Việc cấp chứng chỉ rừng cũng được khối lâm nghiệp và địa phương phối hợp đẩy mạnh. Sau 6 tháng, khoảng 47.700ha rừng được cấp chứng chỉ, đạt 78.3% kế hoạch năm 2024, nâng tổng số diện tích rừng có chỉ rừng của cả nước đạt 506,934 ha. Trong đó, chứng chỉ FSC là 334.109 ha, còn lại là VFCS/PEFC.

Bên cạnh việc cấp chứng chỉ rừng, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ NN-PTNT thực hiện thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn  tại Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN ngày 9/7. Theo đó, các địa phương trên sẽ được cung cấp tài liệu  và hướng dẫn việc tạm cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu.

Kết hợp với các chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn và khai thác đa giá trị từ hệ sinh thái rừng, ông Bảo đánh giá, lĩnh vực lâm nghiệp đang có "rất nhiều dư địa" để phát triển bền vững.

Trồng rừng gỗ lớn tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Trồng rừng gỗ lớn tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tại hội nghị giao ban, một số đơn vị thừa nhận, ngành lâm nghiệp có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. Phó Viện trưởng Điều tra Quy hoạch rừng Nguyễn Đình Hùng bày tỏ lo lắng về nguồn nhân lực hiện tại cũng như thế hệ kế cận hoạt động trong ngành. Do cơ chế đãi ngộ cũng như hoạt động đặc thù tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, không ít cán bộ tâm tư khi đi điều tra hiện trạng rừng.

Để hoạt động của viện có thể triẻn khai một cách thông suốt, liên tục, ông Hùng kiến nghị Thứ trưởng và các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT quan tâm, sớm phê duyệt các nhiệm vụ cung cấp sản phẩm dịch vụ công năm 2025. Đồng thời, phê duyệt khối lượng, kinh phí thực hiện năm 2025 các dự án thuộc Chương trình 809 do Viện thực hiện.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đã lên kế hoạch Kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên vào năm 2024. Do đó, Viện đề xuất được bổ sung kinh phí thực hiện năm 2024 cho nhiệm vụ chuẩn bị giải đoán và tiếp nhận ảnh viễn thám tại khu vực này.

Quyền Trưởng ban CPO Lâm nghiệp Đỗ Quang Tùng chia sẻ, chưa khi nào Ban có ít dự án như bây giờ. Hiện nguồn kinh phí hoạt động của CPO Lâm nghiệp khá eo hẹp, nhân sự có xu hướng giảm dần qua các năm. 

Lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị động viên và cam kết hỗ trợ trong khả năng cho phép. Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu mỗi đơn vị tự rà soát, đánh giá và tái cơ cấu hoạt động, bắt đầu từ chính yếu tố con người, sao cho phù hợp với xu thế hiện nay.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đề xuất thành lập một đơn vị sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, chẳng hạn quản lý giống cây lâm nghiệp, giám định tư pháp về gỗ, thực vật, động vật và sắp tới là tín chỉ carbon. Ông cho rằng, một trung tâm như vậy đã được triển khai trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và ngành lâm nghiệp có thể nghiên cứu áp dụng.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.