| Hotline: 0983.970.780

Pháp luật trong nông nghiệp thích ứng với thay đổi của thế giới

Thứ Tư 28/02/2024 , 08:31 (GMT+7)

Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 có 446 văn bản còn hiệu lực.

Pháp luật nông nghiệp thích ứng với thay đổi của thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Pháp luật nông nghiệp thích ứng với thay đổi của thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong đó bao gồm 10 Luật, 114 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 322 Thông tư, Thông tư liên tịch, Quyết định, Chỉ thị (Quyết định số 398/QĐ-BNN-PC ngày 25/01/2024 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT).

Với hệ thống văn bản nêu trên đã cơ bản điều chỉnh được toàn diện các lĩnh vực, các mảng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và phát triển nông thôn; là cơ sở quan trọng để triển khai đồng bộ giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thực tiễn sản xuất kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, góp phần cho nông nghiệp Việt Nam thời gian qua luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, nhất là năm 2023 giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp (GDP) tăng cao, đạt 3,83% - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,01 tỷ USD.

Thế nhưng, “ngoài kia gió đang thổi”, chúng ta cần thay đổi để thích ứng với các biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Các nước phát triển nông nghiệp trên thế giới đang liên tục thay đổi, đổi mới, sáng tạo từng ngày, từng giờ trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và Việt Nam không thể đứng ngoài bởi nếu không tự thay đổi thì thế giới sẽ yêu cầu chúng ta thay đổi.

Và câu chuyện pháp luật về nông nghiệp cũng cần thay đổi để thích ứng với “ba biến” nói trên. Thường thì chúng ta vẫn nhìn nhận pháp luật là hàng rào, là ba-ri-e để buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ, đáp ứng theo đúng quy định nhưng với một thế giới đang từng giờ thay đổi, đổi mới, sáng tạo thì pháp luật nói chung và quy định pháp luật về nông nghiệp nói riêng hãy là nền tảng, không gian để đổi mới, sáng tạo, là động lực, là đòn bẩy để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản, là hỗ trợ đào tạo tri thức, kiến thức cho bà con nông dân.. để kịp thời đón đầu được các biến đổi của thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời thích ứng được với biến đổi khí hậu đang diễn ra.

Minh bạch thông tin gắn với sản xuất có trách nhiệm.

Sản xuất nông nghiệp bây giờ không chỉ dừng lại đáp ứng nhu cầu của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu, xu thế tiêu dùng của nhiều đối tượng người dùng trên thế giới. Hiện nay, xu thế tiêu dùng của thế giới đã thay đổi, họ không chỉ lựa chọn sản phẩm vì chất lượng mà còn vì quá trình tạo ra sản phẩm, không mua một sản phẩm mà mua nhiều giá trị kèm theo. Minh bạch thông tin yêu cầu sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch quy trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ. Sản xuất có trách nhiệm được đảm bảo khi người sản xuất có trách nhiệm với chính bản thân mình, gia đình mình, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và với môi trường.

Gần đây Liên minh Châu Âu thông qua Luật chống phá rừng là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc kiểm soát sản xuất hàng hóa gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng. Theo đó, nông sản Việt khi xuất khẩu vào Châu Âu phải chứng minh được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020; được sản xuất đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, quyền của bên thứ ba, quyền con người và quyền của người dân bản địa bị ảnh hưởng… Điều này, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng thông tin và cơ sở dữ liệu cho các mặt hàng: từ nguồn gốc vùng trồng, diện tích, bản đồ, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng đang áp dụng, thông tin về mã số vùng trồng hay chứng nhận địa lý (nếu có) để đảm bảo rằng các sản phẩm không liên quan tới việc mất rừng, suy thoái rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng.

Yêu cầu về minh bạch thông tin là tất yếu. Ảnh: Tùng Đinh.

Yêu cầu về minh bạch thông tin là tất yếu. Ảnh: Tùng Đinh.

Mở rộng không gian sản xuất, không gian đổi mới, sáng tạo cho các chủ thể.

Thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong những năm qua được khẳng định từ sự nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng giá trị với sự tham gia của nhiều chủ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, “sịn sò” nhất thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Isasel, Hà Lan, Trung Quốc… cũng bắt đầu từ sự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp bằng việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, tối ưu hóa máy móc, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường và tổ chức sản xuất liên kết, có trách nhiệm.

Điều này đòi hỏi pháp luật không chỉ đưa ra yêu cầu bắt buộc, cấm đoán mà cần tạo ra không gian sản xuất, kinh doanh, không gian sáng tạo cho các chủ thể theo nguyên lý hãy để thị trường quyết định, mà trước mắt cần quan tâm, triển khai ngay một số công việc như: (i) Đánh giá tổng thể 34 ngành nghề đầu tư kinh doanh với 267 điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp để phát hiện các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn để kiến nghị: ngành nghề nào có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; ngành nghề, điều kiện kinh doanh nào nên loại bỏ; ngành nghề, điều kiện nào nên đơn giản hóa và tăng cường quản lý hậu kiểm thay vì tiền kiểm…

Có thể tính đến việc cho phép trong một số ngành nghề người sản xuất đặt ra tiêu chuẩn cho mình để tuân thủ, đảm bảo tính tự chịu trách nhiệm sẽ bền vững hơn, tránh tâm lý chịu áp lực của quy định pháp luật dẫn tới tư tưởng “lách luật” đã xảy ra nhiều trong thời gian qua. Hoặc cũng cần có ngành nghề, điều kiện đặt ra cho cộng đồng thực hiện thay vì một số chủ thể cụ thể…

Và quá trình đánh giá này nhất thiết phải có sự tham gia của Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức có chức năng phản biện xã hội, các chủ thể chịu sự tác động của các ngành nghề, điều kiện kinh doanh này trên nguyên tắc lược bỏ ngành nghề, điều kiện có ảnh hưởng gì đến sản xuất, kinh doanh; (ii) Tổ chức rà soát các giấy phép, giấy chứng nhận cấp cho cơ sở (điều kiện hoạt động), cho cá nhân (điều kiện hành nghề), cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (cho phép lưu hành, xuất khẩu, nhập khẩu) trong lĩnh vực nông nghiệp để bỏ chứng chỉ không cần thiết, thu gọn chứng chỉ trùng lặp về nội dung trên nguyên lý kiểm soát từ gốc và quản lý rủi ro. (iii) Xây dựng các quy định nguyên tắc để kịp thời thích ứng nhanh với những thay đổi liên tục các quy chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, tránh việc chờ quy định pháp luật mới xuất khẩu được nông sản. Đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp…

Chúng ta cần thay đổi để thích ứng với các biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ảnh: Tùng Đinh.

Chúng ta cần thay đổi để thích ứng với các biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ảnh: Tùng Đinh.

Lựa chọn chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp

Quản lý theo chuỗi là cần thiết và trong chuỗi quản lý đó cũng cần phải xác định khâu nào, bước nào tổ chức, cá nhân có thể làm, tự nguyện làm, khâu nào, bước nào nhà nước cần tác động, quản lý bằng pháp luật phù hợp với từng thời kỳ, điều kiện nhất định.

Ví như quản lý về giống cây trồng nông nghiệp thì rõ ràng không nhất thiết phải đặt ra yêu cầu quản lý, chế tài bắt buộc thực hiện đối với tất cả các giống cây trồng, do đó hiện nay chỉ có 06 giống cây trồng nông nghiệp là lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối được quản lý chặt chẽ. Điều này, nên được áp dụng tương tự với một số vật tư nông nghiệp, hàng hóa, nguyên liệu sản phẩm đầu vào khác. Nếu nhìn rộng hơn với nền kinh tế nông nghiệp thì trong mỗi chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của cũng cần tìm ra điểm cần tác động, hỗ trợ. Vừa qua chúng ta đã quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, tối ưu hóa khâu sản xuất ra sản phẩm nhưng quá trình liên kết sản xuất, liên kết chuỗi ngành hàng, phát triển thị trường còn chậm, yếu.

Theo đó, cần có quy định cơ chế, chính sách tạo động lực, hỗ trợ bà con nông dân sớm thị trường hóa sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các hoạt động liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng và các kênh phân phối. Giảm chi phí sản xuất đầu vào (có thể từ giảm chi phí tuân thủ quy định), rút ngắn quá trình thương mại sản phẩm (có thể thông qua các cơ chế, gói tín dụng hoặc đơn giản là cung cấp thông tin thị trường hay đào tạo hướng dẫn bà con liên kết sản xuất, bán sản phẩm…) thì ắt lợi nhuận sẽ tăng, người nông dân được hưởng lợi và dân có giàu thì nước mới mạnh.

Thay đổi, đổi mới về tư duy kinh tế nông nghiệp không dừng lại hành động của riêng ai, tổ chức hay cá nhân nào cũng không dừng lại ở mảng lĩnh vực hay hoạt động cụ thể nào mà nó cần sự tham gia của nhiều chủ thể với từng vai trò riêng để cùng cộng hưởng tạo ra giá trị nông nghiệp đa tầng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong một lần chia sẻ về kinh tế nông nghiệp, ông cũng đã khẳng định: Câu chuyện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp có phạm vi rất lớn gồm cả truyền thông, cơ chế vận hành của nhà nước, sự thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó, các cơ chế chính sách sẽ vận động theo. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà nông nghiệp đã tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó mới cộng hưởng ra giá trị.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.