| Hotline: 0983.970.780

Phát huy giá trị rừng từ dịch vụ cho thuê làm du lịch

Thứ Tư 01/11/2023 , 09:40 (GMT+7)

Hậu Giang Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là cơ sở để cho thuê môi trường rừng làm du lịch, phát huy hết tiềm năng, giá trị của rừng.

Khu bảo tồn đa giá trị

Nằm giữa đồng bằng rộng lớn mênh mông với bốn bề là vườn cây, ruộng lúa, Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Lung Ngọc Hoàng là mảng xanh hiếm hoi còn lưu giữ những giá trị quý báo từ tự nhiên, được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập vào năm 2002, Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng có diện tích trên 2.800 ha, không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ĐBSCL mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay.

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng không chỉ được mệnh danh là 'lá phổi xanh' của ĐBSCL mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay. Ảnh: Trung Chánh.

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ĐBSCL mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm. Nơi đây, có đầy đủ các hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước bao gồm các loài chiếm ưu thế như dây choại, lác, sậy, bồng bông. Thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn gồm trâm sắn, ngái lông, gáo trắng, gừa, đủng đỉnh, cây mua. Thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước như lục bình, bông súng, bông sen, các loại bèo…

Hệ động vật ở Lung Ngọc Hoàng khá phong phú, theo kết quả điều tra đánh giá thực trạng đa dạng sinh học, nơi đây có hơn 978 loài đã được ghi nhận. Trong đó, thực vật bậc cao có 352 loài, nấm ghi nhận được 57 loài, động vật đất ghi nhận được 59 loài, nhóm nhện ghi nhận được 61 loài, côn trùng 100 loài, 13 loài thân mềm và 20 loài động vật đáy. Bên cạnh đó, kết quả còn ghi nhận được 78 loài tảo lam, 95 loài tảo lục, 75 loài cá hiện diện trên các thủy vực tại Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng.

Đặc biệt, tại Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng hiện có đến hàng chục loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô toàn cầu, 10 loài bò sát trong đó tiêu biểu có rắn mái gầm, rắn cạp nong, nhiều loài chim nước. Trong các loài động thực vật được tìm thấy tại Khu bảo tồn có đến 12 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới như lúa ma, chim điêng điểng, quau nước, rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang…

Thu hút nhiều doanh nghiệp làm du lịch

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng toạ lạc trên địa bàn xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách TP Cần Thơ khoảng 40 km về phía tây nam sông Hậu. Với những giá trị quý báu còn lưu giữ và vị trí địa lý cách không xa trung tâm đô thị lớn của ĐBSCL, Lung Ngọc Hoàng là nơi lý tưởng thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư làm du lịch sinh thái.

Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Đề án du lịch sinh thái Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 7/6/2021, nhằm phát huy hết tiềm năng, giá trị của rừng đặc dụng nơi đây, góp phần phát triển du lịch của tỉnh.

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng có tính đa dạng sinh học rất cao và có vị trí địa lý rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư làm du lịch sinh thái. Ảnh: Trung Chánh.

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng có tính đa dạng sinh học rất cao và có vị trí địa lý rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư làm du lịch sinh thái. Ảnh: Trung Chánh.

Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng của Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, là khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.

Qua các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Hậu Giang, tỉnh đã mời gọi các doanh nghiệp để đầu tư khai thác du lịch sinh thái rừng, đến nay đã có một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần đầu tư Alphanam, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Uniland, Tập đoàn Sun Group... quan tâm, mong muốn được tư phát triển du lịch tại Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng.

Thông qua hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm của Khu BTTN Lung ngọc Hoàng. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.   

Việc đầu tư khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch, sẽ phát huy hết tiềm năng giá trị về cảnh quan, môi trường sinh thái, tài nguyên đa dạng sinh học, vị trí địa lý của Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu, học tập và tham quan của người dân và du khách.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.