Khoảng 200 đại biểu đến từ những đơn vị liên quan và hộ sản xuất cà phê đã tới tham dự diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn |
Theo Cục Trồng trọt, đến nay cả nước có trên 645.300ha cà phê, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn 90% diện tích và 93% sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam trung bình đạt 24,5 tạ/ha, thuộc mức cao nhất thế giới.
Trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch đạt trên 3,35 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành sản xuất cà phê của nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, phát triển thiếu bền vững.
Diện tích cà phê tăng nhanh, vượt quy hoạch, trong khi vẫn còn nhiều diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp, cần được tái canh và ghép cải tạo. Quy mô sản xuất cà phê nhỏ lẻ, trong đó 63% nông hộ có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ nên khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh, chuyển đổi giống mới.
Đến với diễn đàn, các chủ nông hộ đã được chuyên gia về cà phê trình bày, hướng dẫn quy trình sản xuất cà phê để đạt được năng suất, chất lượng cao, trong đó chú trọng đến khâu chọn giống, tái canh và ghép cải tạo cà phê.
Đặc biệt, các đại biểu tham gia diễn đàn lần này đã cung cấp, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thiết thực, bổ ích về liên kết sản xuất cà phê bền vững để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam cũng như tăng doanh thu từ ngành sản xuất cà phê. Những mô hình tiêu biểu như, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cà phê bền vững tại Đắk Lắk. Mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cà phê bền vững và một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý tại Lâm Đồng. Vấn đề truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê trong chuỗi giá trị bền vững. Kinh nghiệm tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê của HTX cà phê Lâm Viên…
Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu cùng thảo luận, giải đáp những thắc mắc của người trồng cà phê, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế mà các mô hình liên kết chuỗi đã đạt được, đã làm thay đổi diện mạo của loại cây công nghiệp chủ lực vùng Tây Nguyên.