| Hotline: 0983.970.780

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất mắc ca, nông dân không lo đầu ra

Thứ Năm 27/10/2022 , 12:01 (GMT+7)

Được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hàng trăm hộ dân trồng mắc ca ở Lâm Đồng cải thiện nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu.

Những năm gần đây, hàng trăm hộ dân trồng mắc ca tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã liên kết với Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (đóng tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) nên đầu ra được đảm bảo, nguồn thu nhập được tăng cao.

Nhờ liên kết sản xuất mắc ca, gia đình ông Lê Văn Yên ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ liên kết sản xuất mắc ca, gia đình ông Lê Văn Yên ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Tại xã Tân Văn (huyện Lâm Hà), nhờ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nên mỗi năm gia đình ông Lê Văn Yên thu về hơn 1 tỷ đồng/2ha mắc ca. Theo ông Yên, gia đình ông trồng cà phê từ những năm 90 và cây trồng này là nguồn thu nhập chính suốt nhiều năm liền.

Ông Lê Văn Yên, người trồng mắc ca tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng chia sẻ: Cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Lâm Hà nên cây sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh hại. Kỹ thuật chăm sóc cây này không quá cầu kỳ, đặc biệt hiệu quả kinh tế ổn định, giúp người trồng cải thiện nguồn thu nhập. Việc tham gia chuỗi liên kết giúp người dân ổn định về đầu ra. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người dân tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Về sau, giá cà phê bấp bênh khiến kinh tế gia đình gặp khó khăn nên ông Yên tìm hiểu mô hình trồng xen các loại cây ăn trái khác để cải thiện nguồn thu nhập. Đến năm 2009, sau khi đọc được bài báo về mô hình mắc ca nên ông quyết định mua khoảng 400 gốc về trồng xem cà phê.

"Lúc bấy giờ, mắc ca được mệnh danh là cây 'tỷ đô' nhưng chưa phổ biến nên người dân ở Lâm Hà ít người dám trồng thử. Dù vậy tôi vẫn quyết định đặt giống về trồng", ông Lê Văn Yên thổ lộ và cho biết thêm, trong 5 năm đầu, mắc ca phát triển trong vườn cà phê nhưng chưa hề có quả. Mãi đến năm thứ 7, gia đình mới bắt đầu thu hoạch những quả bói đầu tiên.

"Cây có trái và càng về sau trái càng nhiều. Tuy nhiên thu hoạch rồi cũng khó bán ra thị trường hoặc có bán được thì cũng giá thấp. Vậy nên rất vất vả. Mãi đến năm 2019, gia đình mới được Công ty TNHH Hoàng Anh Maca đặt vấn đề liên kết, bao tiêu sản phẩm", ông Lê Văn Yên chia sẻ.

Theo ông Yên, hiện nay 2ha vườn mắc ca 13 năm tuổi của gia đình cho thu hoạch đều đặn 6 tấn hạt sọ tươi mỗi năm. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Hoàng Anh Maca thu mua với mức giá từ 95.000 – 100.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Yên chia sẻ: "Với mức giá hiện nay, sau khi trừ các chi phí thì gia đình thu về lãi ròng trên nửa tỷ đồng mỗi năm".

Cũng là hộ liên kết với Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, gia đình ông Lê Văn Tú ở xã Tân Văn (huyện Lâm Hà) có sự phát triển ổn định.

Theo ông Tú, địa phương có đến hàng trăm hộ dân liên kết sản xuất mắc ca với doanh nghiệp này và đều được công ty hỗ trợ từ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hái đến thu mua sản phẩm.

Hiện nay, gần 200 hộ dân tại huyện Lâm Hà, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang liên kết sản xuất với Công ty TNHH Hoàng Anh Maca. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, gần 200 hộ dân tại huyện Lâm Hà, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang liên kết sản xuất với Công ty TNHH Hoàng Anh Maca. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Lê Văn Tú, để đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng cung cấp cho công ty, người dân tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobaGAP và một số hộ sản xuất theo hướng hữu cơ. "Hiện nay người dân chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra nên yên tâm vào sản xuất, chăm sóc cây để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại đang được người dân thay thế bằng các loại chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng, hoặc sử dụng phân chuồng, phân vi sinh để bón thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phân vô cơ như trước đây", ông Lê Văn Tú cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), hiện nay doanh nghiệp đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với khoảng gần 200 hộ dân tại các huyện Đơn Dương và Lâm Hà. Diện tích sản xuất trong vùng liên kết của doanh nghiệp ở vào khoảng 500ha. Mỗi năm, doanh nghiệp này thu mua từ 800 đến 1.000 tấn mắc ca tươi của các hộ dân liên kết để phục vụ sơ chế, chế biến.

Mỗi năm, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca thu mua từ 800 đến 1.000 tấn mắc ca tươi của các hộ dân liên kết để phục vụ sơ chế, chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Mỗi năm, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca thu mua từ 800 đến 1.000 tấn mắc ca tươi của các hộ dân liên kết để phục vụ sơ chế, chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, công ty ký hợp đồng với nông dân theo giá thị trường và đối với những hộ dân sản xuất quy mô lớn theo quy trình VietGAP, GlobaGAP, hướng hữu cơ thì doanh nghiệp ký với hình thức bao tiêu. Cũng theo ông Hoàng Anh, đối với vấn đề sản xuất trong chuỗi liên kết, người dân phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật và giám sát chất lượng sản phẩm mà công ty đề ra.

"Để hỗ trợ người dân trong việc sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, công ty đã gửi các cán bộ kỹ thuật đến từng vườn để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ bà con. Trong đó bao gồm việc lựa chọn giống để trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và kể cả việc thu hái quả…", ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca cho biết.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, diện tích mắc ca kinh doanh của Lâm Đồng hiện khoảng 1.640/5.160ha. Sản lượng quả khô trong năm 2021 đạt 2.204 tấn. Địa phương hiện có khoảng 31 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca với tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu đạt 1.842 tấn quả, hạt/năm. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang khuyến khích người dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao giá trị.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.