Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư
An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đang tập trung chuyển đổi chăn nuôi bò, heo, gà, vịt nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hầm ủ biogas, nền đệm lót sinh học… An Giang còn đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến An Giang đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo công nghệ cao.
Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tại An Giang. Hiện, toàn tỉnh có 137 trang trại chăn nuôi heo với 39.161 con (quy mô từ 50 con/trại), 653 trang trại chăn nuôi bò với 10.735 con (quy mô từ 10 con/trại), 12 trang trại nuôi gà với 300 nghìn con và 218 trang trại nuôi vịt với 1 triệu con (quy mô từ 2.000 con/trại).
Điều đáng mừng cho ngành chăn nuôi An Giang, đã thu hút được Tập đoàn TH triển khai trang trại bò sữa công nghệ cao TH True Milk tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn với đàn bò sữa quy mô tập trung 20.000 con, đồng thời mở rộng sang các khu vực xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết: Khi các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung quy mô càng lớn thì lợi nhuận luôn cao hơn từ 7-8% so với các mô hình chăn nuôi nông hộ theo truyền thống.
Điều quan trọng là các mô hình chuyển đổi áp dụng công nghệ xử lý phân thải trong chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ dồi dào, giảm chi phí sản xuất, quản lý dịch hại, tăng thu nhập cho người nuôi.
Chính vì đó, mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung số lượng đàn lớn tại An Giang đang được phát triển và tăng trưởng khá mạnh so với các năm trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi của An Giang đã tăng trưởng thêm khoảng 139 tỷ đồng, điển hình trại heo Việt Thắng tăng quy mô đàn thêm 7.000 con heo thịt và 2.000 con heo nái sinh sản, dự kiến hết tháng 11/2023 cung cấp được khoảng 18.000 con heo giống cho các trại chăn nuôi, heo thịt trong dân tăng khoảng 12.000 con.
Trại nuôi vịt thịt tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn xuất chuồng 75.000 con. Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Châu Phú xuất chuồng 100.000 con gà thịt.
Trại gà đẻ trứng An Tâm tại huyện Châu Phú quy mô 5.000 con, cho sản lượng trứng đến hết quý III đạt khoảng 850.000 quả. Bò thịt, tăng đàn trong dân khoảng 200 con. Sản phẩm yến sào tăng khoảng 900kg, đem lại doanh thu gần 12 tỷ đồng.
“Điều đáng mừng là từ đầu năm đến nay, sản lượng thịt hơi xuất chuồng gia súc, gia cầm của tỉnh luôn không đủ cung cấp cho tiêu dùng trong tỉnh, phải nhập thịt gia súc, gia cầm các loại từ các địa phương ngoài tỉnh để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt và tiêm phòng vacxin đầy đủ trên đàn vật nuôi nên tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi” bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang thông tin.
Triển vọng nuôi heo công nghệ cao
Hiện tại, Tập đoàn THACO đã đầu tư mạnh vào các dự án nuôi heo giống, heo thịt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn An Giang, mở ra khả năng cung cấp nguồn heo an toàn và heo giống chất lượng, không chỉ cho An Giang mà cả vùng ĐBSCL và nước bạn Campuchia. Đó cũng là hướng đi phù hợp của nền nông nghiệp hiện đại.
Tổng Giám đốc Tập đoàn THACO Phạm Văn Tài cho biết, chăn nuôi bò, THAGRICO xây dựng chiến lược chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình bán chăn thả, lai giống, nhân đàn, cung cấp nguồn bê nuôi thịt cho các trang trại, hộ chăn nuôi và bò vỗ béo tập trung, để cung cấp thịt bò an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Đến nay, THAGRICO đã hoàn thiện và thành công mô hình chăn nuôi bò với gần 13 nghìn con. Kế hoạch năm 2024, sẽ phát triển đàn lên 20.800 con bò vỗ béo và 52.300 con bò sinh sản, dự kiến doanh thu bán hàng hơn 800 tỷ đồng.
Tại An Giang, 2 trại heo giống trên địa bàn huyện Tri Tôn mà THAGRICO đã đầu tư đưa vào hoạt động. Trong đó, trại heo giống Tri Tôn 1 ở xã Lương An Trà có diện tích 13ha, đã đạt công suất thiết kế 1.500 con heo nái, sang năm 2024 sẽ được đầu tư mở rộng và nâng công suất đạt 2.500 con. Trại heo giống Tri Tôn 2 ở xã Lương Phi có diện tích gần 10ha, đã đưa vào hoạt động với công suất thiết kế 1.200 con nái, riêng trong năm 2023 đã mở rộng và nâng công suất gần lên 3 nghìn con nái.
THAGRICO đang tập trung cho dự án heo giống công nghệ cao Việt Đan tại huyện Tịnh Biên (An Giang) với diện tích 50ha tại xã An Cư ( thị xã Tịnh Biên). Hiện trại heo đã cơ bản hoàn thành, sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất thiết kế 5.600 heo cụ kỵ, ông bà. Còn ở giai đoạn 2 nâng tổng công suất lên 11.200 con heo giống cụ kỵ, ông bà (được nhập khẩu từ Đan Mạch).
Tại dự án này, phân khu nhà điều hành, nhà ở nhân viên, nhà cách ly được cách ly hoàn toàn với các trại chăn nuôi. Trại heo giống gồm các chuồng heo hậu bị, heo phối mang thai, chuồng heo đẻ, chuồng heo nọc có chức năng dùng lấy tinh để phối cho nái và được kiểm định qua phòng Lab. Bên cạnh đó, còn có trại nuôi heo cai sữa tổng số lượng nuôi 24.000 con. Đây là khu nuôi heo từ 7-20kg.
Trang trại heo giống công nghệ cao Việt Đan ở thị xã Tịnh Biên sử dụng hệ thống silo cung cấp thức ăn tự động, hệ thống nước uống bằng núm uống tự động, hệ thống sưởi ấm bằng đèn úm tự động.
Chuồng nuôi heo là chuồng kín, nhiệt độ từ 22-270C, có trang bị hệ thống làm mát cooling pad, hệ thống quạt hút mùi, hệ thống xử lý chất thải bằng biogas (sản xuất phân hữu cơ bón cây xanh lâm nghiệp và cây ăn trái), hệ thống xử lý nước thải. Nước uống cho heo được xử lý bằng hệ thống lọc nước công nghiệp RO thành nước tinh khiết…
Theo định hướng kế hoạch, cùng với các trại heo giống, THAGRICO sẽ phát triển tại An Giang 4 trại heo thịt với công suất 192.000 con để bán tại thị trường ĐBSCL và Campuchia. Nếu An Giang có thuận lợi về quỹ đất, THAGRICO sẽ tập trung đầu tư tại tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi của tập đoàn.
UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch “Thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang”, với tổng kinh phí dự kiến gần 60 tỷ đồng. Theo kế hoạch, An Giang triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, phấn đấu đưa chăn nuôi tỉnh An Giang đạt tầm tiên tiến trong khu vực ĐBSCL vào năm 2030.
Đồng thời nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, số lượng gia súc gia cầm giai đoạn 2021 - 2025, trâu 2.000 con, bò 95.000 con, heo 134.000 con, gà 1,6 triệu con, vịt 3,7 triệu con.