Hiện trạng
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã hỗ trợ các trang trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá; Tạo sự liên kết theo chuỗi; Chủ động tiếp cận thị trường, đầu ra… Nhờ đó mà có sự chuyển dịch nông nghiệp theo hướng giảm loại hình trồng trọt, tăng loại hình chăn nuôi và tổng hợp.
Kinh tế trang trại hiện là một trong những mũi nhọn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khai thác các tiềm năng về đất, vốn và lao động tại các địa phương; Nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân làm giàu, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Có thể kể đến một số trang trại tiêu biểu như: Trang trại tổng hợp của nhà ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai có quy mô 1,3 ha, tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng, doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm với các sản phẩm lợn, gà, cá và bưởi, tạo việc làm cho 11 lao động, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại chăn nuôi của nhà ông Nguyễn Văn Hanh, ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức có quy mô 1 ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm với sản phẩm giống lợn, tinh lợn, lợn thương phẩm, tạo việc làm cho 12 lao động, thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại nuôi trồng thủy sản của nhà ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín có quy mô 11 ha, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm với các sản phẩm cá và nhãn, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái có hiệu quả kinh tế cao như trang trại hữu cơ Tuệ Viên ở quận Long Biên, trang trại trải nghiệm Vạn An ở huyện Thanh Trì...
Hà Nội đang có 1.558 trang trại trong đó: 34 trồng trọt; 1.294 chăn nuôi; 1 lâm nghiệp; 113 nuôi trồng thủy sản; 112 tổng hợp; 4 du lịch trải nghiệm. Vốn đầu tư trung bình của 1 trang trại là 3,4 tỷ đồng, diện tích sử dụng trung bình là 2,1 ha, lao động là 3,3 người. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2020 là 6.785 tỷ đồng (bình quân 4.3 tỷ đồng/trang trại), trong đó trang trại chăn nuôi là 6.119 tỷ đồng, trang trại nuôi trồng thủy sản là 267 tỷ đồng, trang trại tổng hợp là 317 tỷ đồng, trang trại trồng trọt là 70 tỷ đồng, trang trại du lịch là 9,6 tỷ đồng, trang trại lâm nghiệp là 1,1 tỷ đồng.
Những tồn tại, nguyên nhân và giải pháp
Tuy nhiên, số lượng trang trại trên địa bàn thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng loại hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp còn ít. Việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn vốn, lao động, ứng dụng khoa học công nghệ mới, xúc tiến thương mại đặc biệt là đất. Chủ yếu trang trại hình thành từ đất thuê, đất đấu thầu nên không đủ điều kiện đảm bảo vay ngân hàng và với đất công ích cứ 5 năm phải đấu thầu lại nên chưa tạo động lực thúc đẩy các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất.
Thêm vào đó, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa rà soát cập nhật thường xuyên để phù hợp quy hoạch chung tại các địa phương, chưa công bố đầy đủ để nhân dân và chủ trang trại nắm bắt kịp thời. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế, nhất là về vốn.
Theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55, các trang trại được vay vốn tín chấp theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế, để đủ điều kiện được vay vốn, các chủ trang trại đều phải có tài sản thế chấp.
Về mặt chủ quan thì năng lực xây dựng phương án sử dụng đất của các chủ trang trại hạn chế cho nên vẫn còn trường hợp xây dựng công trình của trang trại sai phép. Trình độ quản lý và sản xuất của các chủ trang trại chủ yếu chưa qua đào tạo nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế.
Chất lượng sản phẩm từ các trang trại chưa cao, chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm. Liên kết giữa các trang trại với nhau, với các HTX và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên chưa phát huy được hết lợi thế của vùng.
Mục tiêu của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu có tổng số 2.000 trang trại trở lên đạt tiêu chí theo Thông tư số 02; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của trang trại trên 70%; Phấn đấu có từ 100 trang trại trở lên ứng dụng công nghệ cao; Thí điểm thực hiện 15 trang trại chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ một số trang trại gắn với du lịch, trải nghiệm.
Để đạt được những mục tiêu đó, giải pháp về phía các địa phương cần tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung. Công bố công khai quy hoạch để nhân dân, chủ trang trại nắm bắt được dễ dàng. Khuyến khích và hướng dẫn các trang trại thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Thủ tục thuê, chuyển nhượng đất 64/NĐ-CP, đấu giá thuê quyền sử dụng đất công ích; Khai thác sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp bỏ hoang; Quy định phê duyệt phương án có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại. Tăng cường kiểm tra theo quy định, kiên quyết xử lý các trang trại vi phạm sử dụng đất nông nghiệp.
Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tư vấn, hướng dẫn để các trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Về phía Thành phố, đối với đất quỹ công ích do UBND cấp xã quản lý để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản: Cho phép các địa phương được phép gia hạn khi hết thời hạn trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất 5 năm; UBND cấp xã đánh giá phương án thuê đất nếu các chủ thể thuê đất tại địa phương hoạt động hiệu quả, tại thời điểm kiểm tra không vi phạm sử dụng đất; Địa phương chưa có kế hoạch sử dụng quỹ đất được tiếp tục gia hạn và ký hợp đồng lại và bổ sung, điều chỉnh mức giá thuê đất cho phù hợp với thực tế.
Về phía Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định phát triển kinh tế trang trại thay thế Nghị định 03/2000/NĐ-CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ về Phát triển kinh tế trang trại trong đó có quy định về tiêu chí gắn với du lịch, quy định về sử dụng đất đối với loại hình trang trại này. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất.
Việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về kinh tế trang trại còn hạn chế. Nhận thức về vai trò kinh tế trang trại của các cấp, các ngành chưa đầy đủ, dẫn đến cơ chế chính sách về phát triển kinh tế trang trại còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế trang trại ở nhiều địa phương (ban hành cơ chế chính sách, công tác quản lý, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ) chưa được quan tâm. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển trang trại chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trang trại phát triển tự phát chưa được uốn nắn và xử lý kịp thời.